Tiền đâu miễn học phí, tăng lương giáo viên?

Chủ nhật, ngày 26/11/2017 15:25 PM (GMT+7)
Việc miễn học phí tới cấp THCS và lương nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang, bảng lương hành chính sự nghiệp có khả thi khi ngân sách còn nhiều hạn chế?
Bình luận 0

Ngày 25/11, Bộ GD&ĐT có cuộc trao đổi với báo chí để thông tin về một số thay đổi quan trọng trong Dự thảo Sửa đổi, Bổ sung một số điều của Luật Giáo dục. Theo đó, lương nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang, bậc lương hành chính sự nghiệp.

Ông Vũ Đình Chuẩn, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Bộ GD&ĐT, nhấn mạnh việc xếp lương giáo viên cao nhất trong khối hành chính sự nghiệp chỉ là luật hóa Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4-11-2013 (Nghị quyết 29) của Ban Chấp hành Trung ương Đảng.

Ông Trịnh Ngọc Thạch - nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội (QH); thành viên Ban soạn thảo sửa Luật Giáo dục - cho biết việc nâng lương giáo viên là một trong những vấn đề quan trọng mà Bộ GD&ĐT đang xin ý kiến Chính phủ. Đây là dự thảo lần 2 và đang tiếp tục lấy ý kiến trong vòng 60 ngày.

Một nội dung quan trọng khác của dự thảo cũng gây nên nhiều ý kiến khác nhau là việc miễn học phí cho học sinh THCS. Quy định này tuy được đánh giá là mới, mang tính đột phá nhưng nhiều chuyên gia đặt vấn đề cần làm rõ hơn những căn cứ xây dựng cũng như tác động của nó tới nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất, trường lớp.

Thậm chí, có hay không việc có thể dẫn tới "lạm thu" ở các trường sau khi không còn được thu học phí?

img

Đề xuất miễn học phí cho học sinh đến lớp 9 đang được dư luận ủng hộ. Trong ảnh: Một giờ học ở Trường Tiểu học Minh Đạo (quận 5, TP.HCM). Ảnh: Tấn Thạnh/Người Lao Động.

Bộ GD&ĐT cho rằng việc miễn học phí cấp THCS không phải là đề xuất mới. Nghị quyết 29 đã khẳng định từ sau năm 2020, bậc học phổ thông sẽ thực hiện giáo dục bắt buộc 9 năm.

Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9/2016 cũng đã giao Bộ GD&ĐT chủ trì, phối hợp Bộ Tài chính xây dựng báo cáo trình trung ương và QH về việc miễn học phí cho học sinh THCS theo lộ trình đến năm 2020.

Theo tính toán bước đầu, dự kiến ngân sách hàng năm phải chi thêm để cấp bù miễn học phí cho toàn bộ học sinh THCS sẽ không quá lớn và có thể bù đắp được. Khi không thu học phí, việc phát triển cơ sở hạ tầng, trường lớp sẽ do ngân sách đảm nhận, đồng thời khuyến khích sự đầu tư của xã hội.

Bộ GD&ĐT cũng đã ban hành các quy định rất chặt chẽ về khoản được thu, khoản không được thu và yêu cầu cơ sở giáo dục không được phép thu các khoản trái quy định; UBND các tỉnh, thành phố tăng cường thanh tra, kiểm tra, chấn chỉnh kịp thời và xử lý nghiêm các cơ sở, người đứng đầu cơ sở giáo dục vi phạm.

Theo ông Nguyễn Văn Hiển, Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của QH, trước khi miễn học phí cho học sinh THCS, chúng ta phải thẳng thắn đặt vấn đề là Nhà nước có đủ năng lực để làm việc này hay không?

Hiến pháp những năm trước đây quy định rất rõ là nhân dân được học không phải đóng học phí nhưng cuối cùng chúng ta không thực hiện được. Vấn đề là cái gì cũng phải trong thực lực. Chính sách có thực sự đi vào cuộc sống hay không thì phải bảo đảm nguồn lực, năng lực của nhà nước có đáp ứng được không? Còn với người dân, rõ ràng chính sách này rất tốt. 

Tránh nói rồi không làm được

Theo GS Nguyễn Lân Dũng, ông không biết quy định này có thực hiện được hay không khi tới đây, số lượng giáo viên sẽ phải tuyển thêm là cả vạn người cho các môn mới. Nguồn lực có đủ không nếu xếp lương cho giáo viên ở mức cao nhất trong thang, bảng lương hành chính sự nghiệp? Cả nước hiện có gần 1 triệu giáo viên, tới đây tăng lương, chúng ta có đủ tiền không?

"Tôi hoàn toàn ủng hộ tăng lương cho giáo viên nhưng tăng bao nhiêu, lộ trình thế nào phải tính kỹ, tránh nói ra rồi không làm được thì mang tiếng với xã hội, bởi nguồn lực của nhà nước là rất hạn hẹp. Phải tính toán thật kỹ việc tăng lương, miễn học phí sẽ tác động thế nào đến ngân sách quốc gia", GS Nguyễn Lân Dũng nhấn mạnh.

Không nên duy ý chí

Ông Nguyễn Túc, Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn về các vấn đề xã hội - Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam: Tôi ủng hộ nhưng có thực hiện được không mới là vấn đề.

Chúng ta đang lo lắng nợ công quá cao, ngân sách thì khó khăn, đưa ra viễn cảnh đẹp thì ai cũng hoan nghênh nhưng liệu có thực hiện được không? Ngân sách ở đâu cho việc tăng lương, miễn học phí thì phải tính toán hết sức cụ thể, không nên thực hiện một cách duy ý chí.

Không cào bằng

Ông Trịnh Ngọc Thạch, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội: Vấn đề tăng lương cần có sự phối hợp của Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ với nhiều kinh nghiệm và tính toán kỹ vì đây là chính sách lớn, tính ra sẽ là cả trăm ngàn tỉ đồng.

Xét một cách công bằng, nhiều năm qua, lương giáo viên không đến nỗi quá thấp so với nhiều ngành, nghề khác. Chỉ có điều, mức lương ấy so với mức sống còn chênh lệch khiến giáo viên lâm vào tình trạng lo lắng cho cuộc sống và phải dạy thêm, làm thêm. Vả lại, mức lương của giáo viên các cấp học, vùng miền lại khác nhau.

Nếu được Chính phủ cho phép, cũng phải có lộ trình tăng cụ thể theo thời gian và bậc học. Ngân sách chưa đủ để làm đồng loạt thì cần phân theo lộ trình cụ thể. Ví dụ, giáo viên mầm non và tiểu học tăng cao hơn, lộ trình tăng ngắn hơn.

Tương tự, ưu tiên đặc biệt cho vùng khó khăn chứ không cào bằng giữa thành phố và vùng khó khăn, hải đảo. Tôi nghĩ khi được tăng ở thang, bậc cao nhất khối hành chính, sẽ có một tỉ lệ giáo viên sống được bằng lương của mình.

Ưu tiên cho giáo viên mầm non

Bà Trần Hồng Thắm, Giám đốc Sở GD&ĐT TP Cần Thơ: Tôi hoàn toàn thống nhất việc nâng lương cho giáo viên bởi nghề này có tính chất đặc thù. Muốn giáo viên ở các cấp học an tâm cống hiến một cách chất lượng thì việc bảo đảm được cơ bản cuộc sống của họ là yếu tố rất quan trọng.

Tuy nhiên, trong việc nâng lương giáo viên, tôi chú ý nhiều đến đội ngũ giáo viên mầm non bởi thời gian lao động của họ tại trường nhiều hơn các cấp học khác, dẫn đến điều kiện làm kinh tế phụ gia đình hầu như không có.

Họ đi dạy từ sáng sớm tới tối mới về nhà. Vì thế, một trong những đối tượng cần chú ý nâng lương nếu có thì ưu tiên cho giáo viên mầm non. Cần có thang, bảng lương phù hợp với sức lao động của họ bỏ ra.

Đối với việc miễn, giảm học phí cho học sinh hết cấp THCS, tôi cũng rất đồng tình. Tuy nhiên, tôi hơi băn khoăn là điều kiện ngân sách của nhà nước có bảo đảm cho phát triển giáo dục nếu miễn học phí cho một cấp giáo dục nữa hay không? Nếu ngân sách bảo đảm thì áp dụng sẽ rất tốt.

Như thế mới trọn vẹn

PGS-TS Trần Hoàng Ngân - đại biểu Quốc hội, Giám đốc Học viện Cán bộ TP.HCM: Tôi hoàn toàn ủng hộ đề xuất tăng lương giáo viên. Đây là một chính sách hết sức nhân văn và cần được ủng hộ. Việt Nam có truyền thống tôn sư trọng đạo nhưng mình chỉ nói, còn hành động cụ thể thì chưa nhiều.

Câu hỏi "bao giờ giáo viên sống được bằng lương?" không chỉ là trăn trở riêng của ngành giáo dục. Hay câu chuyện bà Trương Thị Lan (ngụ xã Cẩm Duệ, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh) có thâm niên 37 năm dạy học nhưng lương hưu chỉ 1,3 triệu đồng/tháng không khỏi làm mọi người xót xa, rơi nước mắt cho nghề giáo.

Theo tôi, tăng lương cho giáo viên là cần thiết. Lương giáo viên phải được điều chỉnh tăng. Tuy nhiên, tăng có lộ trình chứ không thể áp dụng đồng loạt cho tất cả cấp học. Lộ trình thực hiện nên bắt đầu từ bậc mầm non, sau đó đến tiểu học, phổ thông và cấp cao hơn. Nếu việc tăng lương được Chính phủ và Quốc hội thông qua sẽ tạo phấn khởi lớn trong ngành giáo dục.

Tôi cũng rất tán đồng với đề xuất miễn học phí đến lớp 9, bởi đã quy định phổ cập THCS thì nên như thế mới trọn vẹn. Học sinh lứa tuổi này được học và nghĩa vụ bắt buộc phải hoàn thành chương trình học cấp THCS. Đã bắt buộc như vậy thì nhà nước phải tạo điều kiện cho người dân thực hiện nghĩa vụ đó và đương nhiên là phải miễn học phí.

Rất nên làm

Ông Nguyễn Văn Phụng, Giám đốc Sở Tài chính TP Đà Nẵng: Tôi mới nghe qua là Bộ GD&ĐT trình Chính phủ đề xuất này. Theo tôi, đó là việc đúng đắn và nên làm. Lâu nay, lương của giáo viên là vấn đề nhức nhối của xã hội.

Việc tăng lương cho giáo viên cần sớm thực hiện để các nhà giáo yên tâm công tác, phục vụ tốt cho việc dạy và học, bảo đảm cho sự phát triển của xã hội. Miễn học phí cho học sinh đến lớp 9 cũng là việc rất nên làm để phục vụ toàn diện ngành giáo dục nước nhà.

Về vấn đề kinh phí, nếu đề xuất trên được thực hiện, Chính phủ sẽ phải bố trí ngân sách, cân đối để Bộ Tài chính phân bổ về các địa phương.

P.V (Người lao động)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem