Thưa Tiến sĩ Khoa học Ngữ văn Đoàn Hương, sự kiện cháy Nhà thờ Đức bà Paris đang gây bàng hoàng cho toàn thế giới. Vậy bà nghĩ như thế nào về sự kiện chấn động này?
- Tôi cho đây là sự kiện đau xót mà báo chí trong nước và thế giới đều chấn động. Nhà thờ Đức bà Paris là biểu tượng lớn của kiến trúc, tôn giáo, văn hoá nghệ thuật. Vì vậy, sự kiện Nhà thờ bị cháy là một sự kiện khủng khiếp, đặc biệt đối với người dân Pháp, những người yêu nghệ thuật, yêu văn hoá trên toàn thế giới đều bị chấn động.
Tuy nhiên, theo tôi mọi người cũng không nên buồn quá vì đây là sự sơ xuất đáng tiếc. Tôi nghĩ nước Pháp với tiềm lực kinh tế và văn hoá nghệ thuật, là cái nôi của nghệ thuật của thế giới, của Châu Âu, đặc biệt là Tổng thống Pháp đã hứa sẽ khôi phục lại những gì đã mất của Nhà thờ Đức Bà thì tôi tin họ sẽ làm được.
Nước Pháp biết gìn giữ, bảo tồn rất tốt những gì thuộc về di sản, về quá khứ. Có đến cả nghìn cuốn sách, hàng nghìn video tư liệu 3D chi tiết về kiến trúc nói về Nhà thờ Đức Bà. Từ lớp vữa trên bức tường, chất liệu sơn dầu được vẽ trong bức tranh treo trên tường đó được sản xuất từ đâu, độ bền, màu sắc như thế nào. Có thể nói họ có đủ tư liệu để nghiên cứu kiến trúc của Nhà thờ từng micron một.
Thưa Tiến sĩ Khoa học Ngữ văn Đoàn Hương, bà đã đến nước Pháp và ngắm nhìn Nhà thờ Đức Bà. Vậy bà có thể chia sẻ về kỷ niệm những lần đến thăm Nhà thờ?
- Bản thân tôi đã đến nước Pháp rất nhiều lần và mỗi lần sang Pháp tôi đều ghé thăm Nhà thờ Đức Bà. Có những lần sang nghiên cứu, tôi ở 3 đến 6 tháng và tháng nào tôi cũng ghé qua Nhà thờ, ngắm nhìn những kiến trúc, những bức tranh nghệ thuật nổi tiếng, có giá trị về văn hoá, lịch sử được treo trong Nhà thờ. Tôi đã chiêm ngưỡng và nghiêng mình không biết bao lần trước kiến trúc của Nhà thờ, một kiệt tác của nhân loại.
Sự kiện cháy Nhà thờ thực sự gây chấn động cho người Việt Nam, bởi người Việt đã chịu ảnh hưởng nền văn hoá Pháp rất lâu rồi. Rất nhiều thế hệ của Việt Nam đã được học về văn học Pháp, được biết đến tác giả Victor Hugo, được đọc và yêu thích tiểu thuyết văn học "Thằng gù Nhà thờ Đức Bà". Đây là cuốn tiểu thuyết tả rất kỹ về kiến trúc, văn hoá của Nhà thờ, vì vậy ai đã đọc sẽ có mong ước một lần được đến Pháp và chiêm ngưỡng Nhà thờ Đức Bà.
Hiện tại tôi đang làm dự án nghiên cứu về tôn giáo, văn hoá nước Pháp và dự định tháng 10 tôi sẽ sang các nước Châu Âu, trong đó có cả Pháp.
Tôi rất tiếc là chưa viết và nghiên cứu về Nhà thờ Đức Bà, bởi trước đó tôi nghiên cứu tôn giáo Phương Đông. Hiện tại tôi đang nghiên cứu văn hoá tôn giáo của UNESCO, tôi có đề cập tới tôn giáo. Nhà thờ Đức Bà là biểu tượng lớn của tôn giáo, của Thiên chúa giáo, nên sẽ là tổn thất lớn đối với tôn giáo.
Và khi nghiên cứu văn hoá tôn giáo tôi thấy rằng, sự vĩ đại của tôn giáo là họ đã để lại những kiệt tác về nghệ thuật kiến trúc.
Thưa Tiến sĩ, nhìn từ sự kiện cháy Nhà thờ Đức Bà, bà nghĩ gì về việc bảo tồn di sản của Việt Nam?
- Mặc dù nước Pháp có khôi phục được thì những gì thuộc về quá khứ cũng sẽ không bao giờ lấy lại được. Những viên gạch cổ, mái vòm, tháp chuông… của Nhà thờ Đức Bà sẽ không bao giờ có thể làm được như quá khứ. Nhìn từ sự việc của Nhà thờ Đức Bà, tôi nghĩ Việt Nam đã đến lúc gióng lên hồi chuông cảnh báo về việc bảo vệ di sản, nền văn hoá cổ của cha ông chúng ta.
Tôi thấy hiện nay, những ngôi chùa, đình cổ chúng ta bảo tồn rất sơ sài, hay nó một cách tàn nhẫn là thiếu trách nhiệm. Chúng ta sẵn sàng phá huỷ những ngôi chùa, đình cổ rồi xây mới thật hoành tráng và cho rằng như thế mới là to là đẹp. Gần đây báo chí đã lên tiếng phản ánh về ngôi đình Lương Xá (thôn Lương Xá, xã Liên Bạt, huyện Ứng Hòa, Hà Nội) có lịch sử hơn 300 năm đã bị phá bỏ, thậm chí cả các cột gỗ của Đình cũng bị dỡ bỏ và xây mới bằng cột bê tông xi măng.
Nhưng mọi người không biết đó là những hành động tội ác, chúng ta tự tay giết chết di sản, xoá bỏ đi quá khứ, giá trị văn hoá, lịch sử của chính chúng ta. Chính vì vậy, tôi cho rằng, chúng ta cần thận trọng khi đụng vào quá khứ, các cơ quan quản lý nhà nước như Bộ VHTTDL, sở, ban, ngành cần có trách nhiệm và thận trọng hơn nữa trong việc bảo tồn di sản. Bởi khách du lịch nước ngoài quý những di sản, văn hoá cổ, những gì thuộc về quá khứ, chứ họ không hẳn đã quý những công trình phục dựng hay những công trình mới.
Tôi cho sự kiện cháy Nhà thờ Đức Bà là một sự đau xót của nhân loại nhưng cũng là bài học lớn cho tất cả các dân tộc khi muốn bảo vệ, gìn giữ kiến trúc cổ.
Xin cảm ơn Tiến sĩ Khoa học Ngữ Văn Đoàn Hương!
Vui lòng nhập nội dung bình luận.