Trao đổi với PV báo Dân Việt, tiến sĩ, chuyên gia giáo dục Vũ Thu Hương cho biết: "Trong trường học có 2 hoạt động là hoạt động dạy học và hoạt động giáo dục. Hoạt động dạy học có giá trị cung cấp kiến thức và rèn kỹ năng làm bài cho trẻ. Hoạt động giáo dục chính là: Nội quy, hạnh kiểm, thi đua, hình phạt, sao đỏ, kế hoạch nhỏ... Đây là các hoạt động chung của toàn trường và có giá trị trong việc rèn đạo đức và kỹ năng sống cho trẻ. Thế nhưng, chưa bao giờ nhà trường bị can thiệp sâu và rộng đến như thế. Các phong trào đều bị "đánh đập" tàn nhẫn".
Phong trào Kế hoạch nhỏ có cần thiết?
TS Thu Hương cho rằng, phong trào Kế hoạch nhỏ là một việc làm vô cùng ý nghĩa, giúp cho học sinh học được 2 điều quan trọng: Sử dụng vật chất tiết kiệm và hiệu quả và phân loại, tái sử dụng rác. Đặc biệt trong việc phân loại và tái sử dụng rác, học sinh rất cần được trực tiếp làm, trực tiếp tham gia đóng góp cho xã hội.
Tuy nhiên, theo TS Hương: "Nhiều phụ huynh hiện nay tỏ ra bức xúc vì Kế hoạch nhỏ bị... biến tướng và coi như nhà trường đang hành hạ các em. Tôi được nghe về chuyện các phụ huynh đã lấy tiền đi mua giấy vụn cho con đem nộp. Điều này thật sự phản giáo dục. Tôi thắc mắc là tại sao các phụ huynh không để trẻ tự làm mà luôn tìm cách bao bọc trẻ và đổ tiếng ác cho nhà trường như vậy.
Thực ra, khi các phụ huynh luôn chỉ tìm cách bao bọc trẻ nhỏ thì sẽ không thể giúp con học hỏi được điều gì. Mỗi một nhiệm vụ nhà trường giao về nhà đều có mục tiêu giáo dục rõ ràng. Việc giáo dục trẻ phải được phối hợp giữa nhà trường và gia đình. Nếu các gia đình không phối hợp với nhà trường mà chỉ nghĩ nhà trường hành hạ trẻ em thì chắc chắn sẽ không giúp chính con em mình ngoan hơn, tốt hơn mà còn làm cho trẻ hư và ích kỷ đi rất nhiều".
Trước những thắc mắc của không ít phụ huynh rằng số tiền Kế hoạch nhỏ sẽ đi đâu, TS Hương khẳng định, số tiền Kế hoạch nhỏ thu được, tùy theo từng trường lớp, cô giáo sẽ có kế hoạch sử dụng khác nhau. Có lớp sẽ cho số tiền đó vào quỹ lớp để dành cho các hoạt động của lớp. Cũng có lớp cho vào quỹ để liên hoan cuối năm. Có lớp sử dụng nó để mua quà cho các bạn nhỏ nghèo khó...
"Tôi nghĩ, số tiền đó quá nhỏ để chúng ta phải thắc mắc nó đi về đâu. Tôi có thể khẳng định với các phụ huynh, số tiền nhà trường hoặc lớp thu được từ Kế hoạch nhỏ thường rất nhỏ, không đáng để một ai đó tiêu cực", TS Hương nói.
Với tư cách là người mẹ, trước đây, TS Thu Hương và con tích cực tham gia phong trào Kế hoạch nhỏ. "Trong nhà tôi có 1 cái thùng xốp rất to. Trong suốt năm học, mỗi khi có 1 tờ giấy, quyển vở bị bỏ đi, cháu và cả gia đình đem đến bỏ vào thùng xốp kia. Mỗi năm, cháu đều tự đem nộp và thường quá số lượng quy định của nhà trường", TS Hương nói.
Chuyên gia giáo dục này cho biết cũng nhận được phản hồi từ các phụ huynh rằng đây là phong trào không cần thiết. TS Hương khẳng định: "Bác Hồ đã dặn "Tuổi nhỏ làm việc nhỏ, tùy theo sức của mình". Nếu việc gì cũng cho rằng quá nhỏ, không có tác dụng và không cho trẻ làm thì làm sao dạy được trẻ điều gì. Trong gia đình, rác thải là thứ không thể không có. Chính vì chúng ta không có ý thức thu gom rác và phân loại nên mới có suy nghĩ là thời đại công nghệ nên không có giấy vụn. Nếu các phụ huynh có ý thức giúp đỡ con trong việc này, chúng ta có thể gom giấy mang về đóng góp cùng con. Tôi nghĩ việc này các phụ huynh cần phải sáng suốt hơn.
Còn với giáo viên, nếu như họ than phiền thì chính họ đã không làm tốt vai trò quan trọng cũng như trách nhiệm của chính mình trong việc giáo dục trẻ".
Tuy nhiên, TS Hương cũng thừa nhận, hiện nay bệnh thành tích khiến cho hoạt động trở nên méo mó và xấu xí. Không quan trọng độ lớn của đóng góp mà quan trọng là cách thức của các em khi thực hiện. Rất ít trường nhìn ra điều này để thực hiện cho đúng.
Học sinh đi gom giấy vụn không còn phù hợp?
Mặc dù ý kiến chuyên gia Vũ Thu Hương ủng hộ phong trào Kế hoạch nhỏ vì mang ý nghĩa lớn nhưng nhiều phụ huynh cho rằng phong trào này không còn phù hợp với thời hiện đại.
"Dạy trẻ con tiết kiệm, bảo vệ môi trường, sử dụng đồ tái chế là tốt nhưng không nhất thiết phải đi nhặt rác, giấy vụn rồi com cóp mang lên trường để nộp lấy thành tích như thế. Đừng dạy trẻ con tư duy đồng nát. Đồng nát không là việc gì xấu nhưng không phải là thứ mà thế hệ tương lai nên làm quen, hướng tới", một phụ huynh ở Hà Nội bày tỏ.
Đồng quan điểm, chị Lê Thu Trang, có 2 con học tiểu học ở Hà Nội cũng cho biết nên bỏ phong trào Kế hoạch nhỏ. Giấy vụn, phế liệu... thì con cái và bố mẹ nên để riêng rồi cho cô quét rác, lao công bán kiếm thêm thu nhập cho họ. Đây vừa có ý nghĩa giữ gìn môi trường, vừa biết chia sẻ, quan tâm đến người khác thay vì chăm chăm gom rác cho mình mang lên trường. Theo chị Trang, ở các trường tư thục và quốc tế, học sinh được tổ chức hội chợ để các em tự nghĩ ra mặt hàng bán, lên kế hoạch nhập hàng, quản lý tài chính và bán thế nào để có lãi nhất. Sau đó, số tiền được góp lại để gây quỹ. Hoạt động này vô cùng hữu ích cho các em và phù hợp với xu thế chung.
"Tôi không đánh giá cao việc một học sinh đi đâu, làm gì chỉ nhìn thấy rác và nhặt rác đầu tiên", chị Trang bày tỏ.
Phong trào Kế hoạch nhỏ là một phong trào của thiếu nhi Việt Nam ra đời năm 1958, do Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh tổ chức theo sáng kiến của thiếu nhi tỉnh Sơn Tây và Hải Phòng, lấy kinh phí thu được để xây nhà máy nhựa TNTP tại Hải Phòng. Đến nay phong trào Kế hoạch nhỏ vẫn phát triển rầm rộ tại các trường học và tổ chức Đoàn, Đội ở các địa phương.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.