Phùng Khắc Khoan (1528 - 1613), tự là Hoàng Phu, hiệu là Nghi Trai, biệt hiệu Mai Nham Tử, sinh ra tại làng Bùng (nay thuộc xã Phùng Xá, huyện Thạch Thất, Hà Nội). Ông nổi tiếng là một nhà Nho tài ba, đức độ, nhà thơ lỗi lạc và là quan đại thần triều Lê trung hưng.
Chân dung Tiến sĩ Phùng Khắc Khoan
Theo Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, Phùng Khắc Khoan có tư chất thông minh từ nhỏ. Khi ông khoảng 10, 12 tuổi, người dân đã lưu truyền lời sấm: "Văn tinh cửu dĩ xuất Phùng thôn" (sao Văn hiện ra ở làng Phùng lâu rồi). Văn tinh là ngôi sao tượng trưng cho người tài.
Năm 1557, Phùng Khắc Khoan đỗ đầu khoa thi Hương. Đến kỳ thi Hội năm Quang Hưng thứ 3 (1580), ông thi đỗ Hoàng giáp, tức Đệ nhị giáp tiến sĩ. Lúc đó, ông 52 tuổi. Ông được đánh giá cao bởi tài năng, đức độ và sự liêm chính. Dân gian phục tài, gọi ông là Trạng Bùng. Sở dĩ ông được gọi là Trạng Bùng bởi ông sinh ra ở làng Bùng, ngôi làng khoa bảng nổi tiếng xứ Đoài.
Trong suốt cuộc đời, Phùng Khắc Khoan đã có nhiều đóng góp to lớn cho đất nước. Ông từng được giao giữ nhiều chức vụ quan trọng như Tả thị lang bộ Công, Thượng thư bộ Hộ (1602). Ông từng tham gia nhiều hoạt động ngoại giao, giúp củng cố mối quan hệ hòa hảo với nhà Minh. Phùng Khắc Khoan từng khiến vua Minh và các sứ thần Trung Quốc sửng sốt khi làm 36 bài thơ tại lễ chúc thọ vua Minh năm 1597.
Cụ thể, khi vua Minh Thần Tông đọc 36 bài thơ của Phùng Khắc Khoan bèn cất lời khen: Nhân tài ở đâu cũng có. Xem thơ Khắc Khoan thấy rõ là người học rộng, lại đầy lòng trung nghĩa, thực là đáng khen". Vua Minh ban lệnh cho khắc in tập thơ của chánh sứ Việt Nam và gọi ông là "Phùng Kỳ lão", coi như bậc Trạng nguyên.
Ông cũng là người có công lớn trong việc xây dựng và phát triển nền nông nghiệp nước nhà khi mang giống ngô, đậu tương về trồng ở quê nhà. Ông được coi là người đầu tiên mang giống cây trồng này về Việt Nam.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.