Tiến sĩ ngành Luật: "Mỗi lần đọc tin bạo hành trẻ em là tôi lại khóc"
Tiến sĩ ngành Luật: "Mỗi lần đọc tin bạo hành trẻ em là tôi lại khóc"
Tào Nga
Thứ tư, ngày 26/01/2022 15:43 PM (GMT+7)
Trước tình trạng bạo hành trẻ em gây bức xúc dư luận thời gian qua, TS Đào Lệ Thu, Đại học Luật Hà Nội bày tỏ: "Là một người mẹ, tôi rất đau lòng, mỗi lần đọc tin là khóc".
Trong buổi toạ đàm "Phòng chống bạo lực đối với trẻ em trong môi trường gia đình" tại trường Đại học Luật Hà Nội sáng 26/1, TS Đào Lệ Thu, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu so sánh luật công, Viện luật so sánh, Đại học Luật Hà Nội chia sẻ: "Những ngày này ai cũng bận rộn vì lễ Tết đang đến gần nhưng chúng ta lại bị bủa vây bởi những thông tin tiêu cực về những vụ bạo hành trẻ em đã gây rúng động, phẫn nộ trong dư luận.
Mùa xuân, Tết là đoàn viên, là sự ấm áp, quan tâm sẻ chia của tình thân gia đình. Mùa xuân mang lại sự ấm áp nhưng chính chúng ta, những bậc làm cha mẹ mới mang lại sự ấm áp cho con trẻ. Thế nhưng hàng ngày chúng ta vẫn nghe được những thông tin tiêu cực thì mùa xuân ấy sẽ không còn được tròn đầy nữa".
Trước thực trạng trẻ em bị đánh đập, bị xâm hại đáng báo động, ảnh hưởng tới sức khoẻ cả về thể chất, thậm chí đe doạ tính mạng như hai vụ bạo hành tại TP.HCM và Hà Nội gây rúng động dư luận thời gian vừa qua, bà Thu nhận thấy dư luận rất quan tâm, mọi người bức xúc, lên án các hành vi tàn ác đó. "Tôi là một người mẹ nên rất đau lòng, mỗi lần đọc tin là khóc. Nhưng là người làm trong ngành Luật, tôi mong sớm tìm ra nguyên nhân của hành vi bạo hành, để giải quyết tận gốc, để mong muốn tội phạm ấy, hành vi ấy cần dừng lại trước khi quá muộn.
Nếu chúng ta có kết nối thì sự thờ ơ vô cảm sẻ bớt đi, truyền thống nhân hậu của người Việt Nam sẽ được phát huy trở lại góp phần giảm thiểu nạn bạo hành trẻ em. Tôi không muốn, trước mỗi thông tin tiêu cực về trẻ em, xã hội bày tỏ sự xúc động, bức xúc, phẫn nộ trong thời gian xảy ra vụ việc thôi, nhưng sau đó chúng ta lại ngủ quên và không hành động gì để ngăn ngừa bạo hành trẻ em", bà Thu nhấn mạnh.
Cần khắc phục quan niệm "yêu cho roi cho vọt"
Với kinh nghiệm 20 năm nghiên cứu về tội phạm, TS Nguyễn Huỳnh Bảo Khánh, trưởng bộ môn Tội phạm học, Đại học Luật TP.HCM cho rằng, trẻ em là đối tượng yếu thế, không có khả năng tự vệ và thường bị xâm hại tình dục, ảnh hưởng sức khoẻ, tính mạng. Nguyên nhân chính xuất phát từ sự nóng giận, stress của người lớn không biết giải toả ra sao nên trút vào trẻ.
"Nguyên nhân gián tiếp chính là quan niệm sai lầm chưa thể khắc phục được ngay ở Việt Nam là "Thương cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi". Ở đó mặc nhiên người lớn có quyền đánh trẻ con, để xác định quyền lực và vị trí của mình trong xã hội. Nhưng khi có ai đó phát giác ra hành vi bạo lực của cha mẹ với con cái trong nhà, báo cáo các cơ quan chức năng thì bị coi đó là chuyện nội bộ gia đình, nên chần chừ can thiệp. Đôi khi sự can thiệp muộn, đã để lại hậu quả không nhỏ đối với trẻ em", TS Khánh cho hay.
Ngoài ra, theo TS Khánh, nhiều người ở Việt Nam chưa sẵn sàng tâm lý làm cha mẹ, đôi khi có con là điều ngoài ý muốn. Đặc biệt khi ly hôn giành giật không phải từ tình thương, mà chỉ để trả thù bạn đời khi hôn nhân tan vỡ.
"Gần đây chúng ta có thể thấy cha đẻ lạm dụng con đẻ dẫn tới mang thai, mẹ kế bố dượng đánh đập con riêng của vợ/chồng tới chết. Chúng ta có cảm giác xã hội ngày càng bạo lực hơn và tính chất, hình thức, hậu quả của hành vi của bạo lực trẻ em trong gia đình ngày càng gia tăng. Nhiều khi đứa trẻ không chịu được bạo hành đã tìm tới cái chết. Do đó kỹ năng làm cha mẹ đang là khoảng trống rất lớn, là nguyên nhân chính khiến trẻ em bị bạo hành.
Bạo lực trẻ em cũng phản ánh tình trạng xã hội mải miết lo làm ăn kiếm sống mà bỏ trống, quên mất mảng giáo dục, đặc biệt là giáo dục gia đình. Nền giáo dục quá tách rời thực tiễn xã hội khiến người Việt Nam thiếu đi những kỹ năng hành xử sao cho hài hoà", TS Khánh bày tỏ.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.