Tiến sĩ Stanford nhắc đến bài luận cực chất về "1 phút" giúp nữ sinh trúng tuyển đại học mơ ước

Tào Nga Thứ hai, ngày 27/05/2024 06:41 AM (GMT+7)
Tiến sĩ Stanford Nguyễn Chí Hiếu nhắc đến bài luận "1 phút" để khẳng định hồ sơ dù không sáng bằng các bạn khác nhưng các em vẫn có thể chinh phục các trường đại học hàng đầu.
Bình luận 0

Hành trình chinh phục các trường đại học hàng đầu

Mùa tuyển sinh 2024 nóng dần lên khi các em học sinh Việt Nam nhận hàng loạt thư mời trúng tuyển và các suất hỗ trợ tài chính cao từ các trường đại học uy tín trên thế giới. Đây là những kết quả đáng mơ ước của những học sinh "xuất sắc" trong mắt của nhiều người. Tuy nhiên, khi được hỏi về bí kíp đạt được học bổng vào các trường đại học hàng đầu của mình, các em đều đồng ý rằng có những yếu tố khác ngoài "xuất sắc" giúp các em đạt được mục tiêu của mình.

Chia sẻ trong hội thảo "Học sinh xuất sắc chinh phục đại học hàng đầu" tại Trường phổ thông liên cấp Olympia, em Nguyễn Tú Nhi, trúng tuyển 5 trường đại học hàng đầu tại Úc, Singapore và Việt Nam, trong đó học bổng cao nhất hơn 2,2 tỷ đồng, cho biết, em được truyền cảm hứng mạnh mẽ từ mẹ - một người phụ nữ rất thành đạt trong lĩnh vực Kinh doanh và Thương mại. Trước đó, Tú Nhi cho biết gặp khó khăn khi có mục tiêu du học, tham dự nhiều hội thảo du học nhưng lên lớp 12 chuẩn bị hồ sơ thì lại loay hoay chưa biết tổng hợp, liên kết các dữ kiện thế nào. Sau đó, nữ sinh đã vượt qua được giai đoạn thử thách và được các trường chấp nhận với mức học bổng cao.

Tiến sĩ Stanford nhắc đến bài luận cực chất về "1 phút" giúp nữ sinh trúng tuyển đại học mơ ước- Ảnh 1.

Các em học sinh chia sẻ hành trình tìm kiếm cơ hội du học của mình. Ảnh: Quỳnh Trang

Em Nguyễn Thành Sơn, nộp hồ sơ đúng 1 trường và trúng tuyển vào Fordham University (Mỹ) với học bổng hơn 4,8 tỷ đồng. Việc chuyển trường vào năm lớp 12 khiến Sơn khá rụt rè và lo lắng. Tuy nhiên, với sự nỗ lực bền bỉ của mình, cùng với nhiều hoạt động học tập "thú vị" và "may mắn có được trong năm cuối cấp", em đã tìm lại được niềm vui, động lực trong việc học, có thêm nhiều trải nghiệm đẹp của thời học sinh. Thành Sơn nhận được Học bổng Faber khá cạnh tranh dành cho sinh viên quốc tế khi theo học tại đại học có xếp hạng cao về đào tạo Tài chính, Kinh doanh này.

Còn với Nguyễn Hồng An, trúng tuyển 13 trường đại học uy tín tại Mỹ, với học bổng cao nhất hơn 4,8 tỷ đồng, nuôi ước mơ du học Mỹ từ bé nhưng em từng bị cho rằng đó là "chuyện không tưởng" với học lực tiếng Anh yếu. Với niềm ước mơ luôn cháy bỏng, cộng với sự nỗ lực học hỏi và hỗ trợ từ thầy cô, những anh chị đi trước tại một môi trường học phù hợp, em đã tiến bộ từng ngày và chạm tay đến giấc mơ du học Mỹ với thành tích ngoài mong đợi.

Hay câu chuyện của Nguyễn Đức Minh Sơn, trúng tuyển trường Purdue University, Fordham University, Michigan State University, University of Florida, University of Southern California,... Với sự hỗ trợ và động viên từ mẹ, Minh Sơn đã nỗ lực hết mình để thực hiện hóa ước mơ. Nỗ lực của Sơn đã được đền đáp xứng đáng khi em đỗ vào nhiều trường đại học hàng đầu. Minh Sơn chính là minh chứng cho sức mạnh từ sự đồng hành của gia đình trên con đường chinh phục tri thức.

Tiến sĩ Stanford: Hồ sơ đẹp mới là điều kiện cần để đi du học

Chia sẻ về vấn đề có phải chỉ có học sinh xuất sắc mới vào được đại học hàng đầu thế giới, cựu sinh viên Đại học Oxford và Stanford, TS. Nguyễn Chí Hiếu cho biết: "Thực tế chúng ta thấy rằng, có những học sinh xuất sắc với điểm số cao, nhiều thành tích nhưng vẫn chưa chinh phục được các trường đại học hàng đầu. Trong khi đó, có nhiều học sinh điểm số chưa cao cũng như thiếu thành tích học tập nhưng các bạn vẫn làm được, với những suất học bổng và hỗ trợ tài chính tốt".

Tiến sĩ Stanford nhắc đến bài luận cực chất về "1 phút" giúp nữ sinh trúng tuyển đại học mơ ước- Ảnh 2.

TS Nguyễn Chí Hiếu chia sẻ những điều cần thiết cho học sinh từ cấp 2 lên đại học. Ảnh: Quỳnh Trang

Theo TS Chí Hiếu, để cho các bạn học sinh vào các trường đại học hàng đầu thì trong hồ sơ phải có những điều kiện cần là điểm học tập tốt, đáp ứng bài thi chuẩn hóa nếu trường có yêu cầu, hoạt động ngoại khóa, thư giới thiệu, bài luận và các thành tích...

Thế nhưng đó chưa phải là điều kiện đủ để bước chân vào các trường đại học trên thế giới. Quan trọng nhất là khi các em bước vào các trường đại học để học như thế nào trong 4 năm và sau đó tìm kiếm cơ hội việc làm, cạnh tranh với sinh viên quốc tế, sinh viên bản xứ... thì phải cần nhiều hơn thế nữa.

"Có 4 điều các em phải có trong hành trình đi du học là kỹ năng học tập; kỹ năng mềm; trải nghiệm làm giàu vốn sống, định hướng nghề nghiệp và bản lĩnh tạo nên tính cách, đón nhận thử thách. 

Trong quá trình học tập, ngoài việc các em tập trung vào luyện thi để có điểm số cao cần học để phát triển các kỹ năng nền tảng như kỹ năng nghiên cứu các loại tài liệu, kỹ năng đọc chuyên sâu, kỹ năng viết luận sáng tạo, tư duy phản biện hay tham gia các cuộc thảo luận với bạn bè. Đừng tập trung vào luyện thi theo cách học truyền thống mà quên đi những việc học chuyên sâu sau đại học.  

Sau đó, các em ra ngoài kiếm việc làm ở môi trường đa văn hóa thì cần có kỹ năng làm việc nhóm, quản lý dự án, thuyết trình... Do vậy, nếu chỉ học và luyện thi để hồ sơ đẹp sẽ thua thiệt so với bạn bè. 

Các em cần có trải nghiệm thế giới, trải nghiệm cuộc sống phong phú đa dạng để làm giàu vốn sống, mở rộng thế giới quan, nhân sinh quan, trải nghiệm ngành nghề khác nhau. Giai đoạn học cấp 2, các em càng có nhiều trải nghiệm càng tốt, đừng nên "đông cứng" mình trong một sở thích nào đó để rồi sau này hối tiếc khi phát hiện ra mình hợp với thứ khác. Lên cấp 3 các em sẽ tập trung vào điều mình thấy phù hợp nhất.

Cuối cùng là hãy tạo cho mình cái "chất", bản lĩnh riêng. Có một em học sinh 10 năm đi thắp nến trong nhà thờ đã gửi cho tôi một bài luận và tôi chỉ phải chỉnh sửa vài phút dấu chấm câu. Dù công việc thắp nến này chỉ diễn ra trong khoảng 1 phút thôi nhưng bài luận của em vô cùng xuất sắc khi viết về những suy nghĩ của bản thân, chiêm nghiệm cuộc sống... tất cả mọi thứ chỉ trong 1 phút ít ỏi đó. Em đó đã trúng tuyển vào ngôi trường đại học mơ ước. Nói như vậy để thấy, hồ sơ dù không sáng bằng các bạn khác nhưng các em hãy luôn thể hiện cái "chất" của mình trong bài luận, trong trường đại học và cả về sau thì nhất định sẽ thành công", TS Hiếu chia sẻ.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem