Tiến sĩ Việt từ bỏ lương cao, về nước nghiên cứu thuốc chữa bệnh

Thứ ba, ngày 04/01/2022 07:24 AM (GMT+7)
Tiến sĩ Việt từ bỏ lương cao, về nước nghiên cứu thuốc chữa bệnh
Bình luận 0
Tiến sĩ Việt từ bỏ lương cao, về nước nghiên cứu thuốc chữa bệnh - Ảnh 1.

Tiến sĩ Trương Thanh Tùng (1989, Hải Dương) hiện là trưởng nhóm nghiên cứu thuốc mới, Viện nghiên cứu tiên tiến Phenikaa, giảng viên khoa Dược, ĐH Phenikaa.

Thành tích nổi bật của Tiến sĩ Trương Thanh Tùng:

01 bằng sáng chế quốc tế 23 bài báo khoa học đã công bố trên tạp chí quốc tế; trong đó có 18 bài thuộc danh mục Q1 (9 bài là tác giả chính), 2 bài báo thuộc danh mục Q2 (1 bài là tác giả chính), tác giả chính 2 bài báo thuộc danh mục Q3, tác giả chính 1 bài thuộc danh mục Q4/Scopus

Chủ trì 01 đề tài cấp cơ sở đã nghiệm thu đạt yêu cầu

Tham gia phản biện cho 20 tạp chí top đầu của hệ thống của các nhà xuất bản Nature, Springer Nature, Elsevier, Wiley…

Giải thưởng Quả cầu vàng 2021.


Từ bỏ đãi ngộ cao, về Việt Nam nghiên cứu thuốc chữa bệnh truyền nhiễm

Sau nhiều năm học tập và nghiên cứu tại nước ngoài, TS. Trương Thanh Tùng đã lựa chọn quay lại quê hương để sinh sống và cống hiến, với hướng nghiên cứu các loại thuốc trị bệnh truyền nhiễm.

"Trong thời gian làm nghiên cứu sinh ở Đan Mạch, tôi có nghiên cứu và tìm cách mới để tiêu diệt vi khuẩn, tôi được tiếp xúc với một kiến thức mới. Đó là Quorum sensing - cách các vi khuẩn "giao tiếp'" với nhau, gây ra các bệnh truyền nhiễm. Nếu đi theo hướng nghiên cứu này và thành công thì sẽ có thể cứu được sinh mạng của hàng triệu người bệnh đa kháng thuốc, các bệnh nhiễm trùng nặng.

Tuy nhiên, các nước châu Âu không chú trọng đầu tư thuốc chữa bệnh truyền nhiễm và nơi những căn bệnh đó hoành hành rộng rãi nhất là Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. Cũng chính hướng nghiên cứu mang tính chất bước ngoặt này đã mở đầu cho quyết định về nước của tôi.

Từ 2019 đến nay, nhóm nghiên cứu của tôi đã có thành công nhất định với 03 công trình được đăng trên các tạp chí uy tín cao Q1. Đặc biệt, tất cả các tác giả là người Việt và đều là những nhà khoa học trẻ. Các chất mới đang được đưa vào thử nghiệm để sản xuất các sản phẩm thay thế kháng sinh dùng ngoài da và sẽ ra thị trường trong thời gian ngắn", TS. Trương Thanh Tùng chia sẻ.

Tiến sĩ Việt từ bỏ lương cao, về nước nghiên cứu thuốc chữa bệnh - Ảnh 3.

TS Tùng trở về Việt Nam từ năm 2019.

Bên cạnh việc trở về để có môi trường nghiên cứu và ứng dụng tốt nhất cho hướng đi của bản thân, lý do để tiến sĩ Dược học từ bỏ mức lương cao, điều kiện sống ổn định để trở về nước đó là mong muốn cống hiến cho đất nước.

"Thứ nhất, làm việc ở nhiều phòng nghiên cứu trên thế giới giúp tôi trả lời câu hỏi rằng ở Việt Nam có làm nghiên cứu được không, câu trả lời là làm được, dù không phải một sân chơi có quá nhiều tiềm lực. Chính câu trả lời đó càng thôi thúc tôi trở về.

Thứ hai, tôi nhận thấy ngành Hóa Dược ở nước mình chưa phát triển, rất ít nhà khoa học trẻ hay nhóm nghiên cứu đi chuyên sâu vào lĩnh vực này, như GS.TS Nguyễn Hải Nam và nhóm của thầy. Là một sinh viên từng được thầy hướng dẫn và là một nhà khoa học còn trẻ, tôi muốn tiếp bước thầy.

Cá nhân hơn, sau khi đi nhiều nước từ châu Á đến châu Âu, tôi rút ra được là ở nước mình không khác nhiều, cũng có thể nghiên cứu khoa học và thành công, đặc biệt sự cống hiến sẽ có ý nghĩa hơn. Nhiều người hỏi tại sao tôi không ở Mỹ định cư vì với nhà khoa học định cư ở đó là hoàn toàn có thể nhưng đây là lựa chọn của tôi, tôi thấy về Việt Nam thích hợp, thoải mái hơn.

Ngoài ra, với lượng kiến thức đã tích lũy được kha khá và có đủ khả năng hướng dẫn các bạn trẻ nghiên cứu khoa học, tôi muốn trở về hướng dẫn các sinh viên Việt Nam ở vai trò người thầy, góp phần đào tạo nhân lực khoa học Y Dược hiện đang còn thiếu cho nước nhà.

Đặc biệt, khác với các định hướng sẵn, hệ thống nghiên cứu hoàn chỉnh nhưng gò bó ở nước ngoài, về nước tôi có thể tự do phát triển những hướng nghiên cứu của bản thân dù xây dựng lại từ đầu. Vì thế, trở về Việt Nam là sự lựa chọn hoàn hảo nhất về môi trường, về nghiên cứu với tôi", tiến sĩ chia sẻ.

Dấu ấn đặc biệt với bài báo quốc tế đầu tiên

Tiến sĩ Việt từ bỏ lương cao, về nước nghiên cứu thuốc chữa bệnh - Ảnh 4.

Bài báo đầu tiên trên tạp chí khoa học quốc tế của TS Tùng là công trình nghiên cứu về bệnh ung thư.

11 năm theo đuổi con đường nghiên cứu khoa học với rất nhiều công trình có tiếng vang lớn, đăng trên nhiều tạp chí uy tín nhưng TS Tùng vẫn ấn tượng nhất với bài báo quốc tế đầu tiên của bản thân

"Làm nghiên cứu, bài báo đầu tiên được đăng trên tạp chí quốc tế là dấu mốc rất quan trọng và với tôi, nó là cột mốc đánh dấu sự hạnh phúc nhất khi làm nghiên cứu cho đến thời điểm hiện tại. Bài báo ấy về công trình nghiên cứu điều trị bệnh ung thư.

Khi ấy, tôi còn đang theo học ở Đại học Dược Hà Nội và làm nghiên cứu trong nhóm của GS.TS Nguyễn Hải Nam. Tôi là sinh viên đầu tiên với vai trò tác giả chính của công trình đăng trên tạp chí ISI tại trường. Dù không phải tạp chí quá lớn nhưng nó là bài báo đầu tiên đăng trên báo quốc tế về khoa học tôi đứng tên đầu, cảm giác hạnh phúc rất khó tả.

Về sau, không có một công trình nào đem lại cho tôi cảm giác đó, dù chúng có lớn hơn rất nhiều. Đặc biệt, chính nhờ bài báo đó, tôi mới có định hướng sang nước ngoài, tôi muốn sang xem trang thiết bị của họ hiện đại ra sao, làm được gì khác với khi ở Việt Nam", TS. Trương Thanh Tùng chia sẻ.

Tiến sĩ Việt từ bỏ lương cao, về nước nghiên cứu thuốc chữa bệnh - Ảnh 5.

TS Tùng muốn xây dựng một nhóm nghiên cứu có đủ tiềm lực phục vụ nghiên cứu các đề tài ở nước nhà.

Trong nghiên cứu, anh luôn mong muốn tìm được một kết quả mới đem lại hiệu quả tốt hơn so với cái đã có trước đó, tìm ra thuốc mới với cơ chế mới tạo sự lựa chọn mới cho bệnh nhân. Tuy nhiên cũng chính mục tiêu anh đặt ra đã gây cho anh không ít những khó khăn.

"Nếu đối với những bệnh có cơ chế bệnh đã rõ ràng, tìm ra thuốc mới sẽ dễ dàng hơn khi dựa vào thuốc đã có hoặc tương tự, còn mục tiêu tôi đặt ra lại chính là cái gây khó khăn cho bản thân. Khi đi theo cơ chế mới, không đủ các thông tin về bệnh, nguồn gây bệnh tôi khởi điểm từ con số không.

Thời gian tôi làm nghiên cứu sinh, tôi phải tổng hợp rất nhiều chất mới, thuốc mới dựa trên dữ liệu, hàng nghìn công trình đã công bố trước để tìm được manh mối, chất tiềm năng cho hướng đi của mình. Có khi tổng hợp cả trăm chất nhưng lúc đem đi thử nghiệm lại không có kết quả, hướng nghiên cứu phải thay đổi nhiều lần. Chỉ một viên thuốc nhưng hàng trăm chất kia phải thiết kế như thế nào để đem lại hiệu quả, làm ngày làm đêm rất vất vả.

Lúc đó, tôi đang ở Đan Mạch, nhưng nơi này họ không cho phép làm muộn, chỉ có thời gian vài tiếng một ngày, nên đôi khi tôi phải tìm cách để làm tiếp. Tôi tranh thủ từng lúc rảnh như giờ ăn trưa, bỏ bữa và làm xuyên tới chiều", TS Tùng chia sẻ.

Tiến sĩ Việt từ bỏ lương cao, về nước nghiên cứu thuốc chữa bệnh - Ảnh 6.

TS Tùng khuyên các bạn trẻ theo đuổi con đường nghiên cứu cần có tính tìm tòi, khám phá cao, cẩn thận, đặc biệt là luôn đặt câu hỏi.

Trả lời cho câu hỏi sinh viên nên bắt đầu nghiên cứu khoa học từ đâu, TS Tùng cho rằng ngoài đam mê, các bạn phải tìm được hướng đi cho bản thân, tự tin đi tìm những người thầy vì khoa học phải có người hướng dẫn.

Về tính cách, muốn gắn bó với công việc nghiên cứu khoa học đặc biệt là nghiên cứu lĩnh vực Y Dược lâu dài, anh nghĩ các bạn trẻ phải có niềm đam mê tìm tòi cái mới. Bên cạnh đó là sự cẩn thận, tỉ mỉ vì làm khoa học phải thu thập số liệu, giải bộ dữ liệu mà nếu sai sẽ không ra được kết quả, tất yếu dẫn đến thất bại.

Cuối cùng, TS Tùng nhấn mạnh các nhà nghiên cứu trẻ phải luôn luôn tự đặt câu hỏi cho bản thân và cho những người hướng dẫn, đó là tính phản biện cao. Thay vì ngồi khóc, ngồi buồn do thí nghiệm thất bại, hãy ngồi suy nghĩ, đặt câu hỏi mình sai ở đâu để tìm ra những hướng đi mới. Đó là yếu tố rất quan trọng để thành công trong nghiên cứu khoa học và trong cuộc sống mà tiến sĩ muốn nhắn nhủ tới các bạn trẻ.


Mai Hương (dantri.com.vn)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem