Tiền trăm tỷ phơi nắng, phơi sương vì “vướng“… nghị định

Vũ Thị Hải Thứ tư, ngày 06/08/2014 08:16 AM (GMT+7)
Sau gần nửa năm thực hiện Nghị định 187/2013/NĐ-CP (có hiệu lực từ 20.2.2014), quy định chi tiết thi hành Luật Thương mại về hoạt động mua bán hàng hóa quốc tế, hàng chục doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn Hải Phòng đang chịu thiệt hại cả trăm tỷ đồng.
Bình luận 0
Xe tiền tỷ phơi nắng, phơi sương

Từ vài tháng nay, tình trạng các xe máy chuyên dùng (các loại máy đào, máy xúc, máy ủi, máy san gạt, máy lu... chuyên dùng trong thi công các công trình) đang chịu cảnh ‘bị trói’ tại các kho bãi ngoài trời tại Hải Phòng làm các doanh nghiệp nhập khẩu như ngồi trên đống lửa.
img
Cả loạt xe công trình bị 'vướng' Nghị định 187/2013 đang phải nằm phơi nắng, phơi sương.


Các doanh nghiệp ngỡ ngàng, xót ruột bởi lựa chọn nhập khẩu xe đã qua sử dụng phục vụ việc thi công công trình vốn rất hiệu quả nhờ giảm chi phí đầu tư mua mới, thì nay đó đang là gánh nặng lớn về tài chính. Họ không hiểu vì sao khi những loại xe đã qua sử dụng này đang được ưu đãi nhập khẩu với mức thuế suất 0% kèm các loại xe này vốn được ưu ái khi không bị hạn chế năm sản xuất, chỉ quy định về chất lượng còn lại, thì nay đang bị ách lại dầm mưa, dãi nắng.

Nếu như trước thời điểm tháng 2.2014, những chiếc xe máy chuyên dùng đã qua sử dụng này được nhập về có thể tham gia thi công các công trình, giúp mang lại lợi nhuận cho doanh nghiệp, lợi ích cho xã hội, thì nay chúng đang được xếp ngay ngắn dưới… nắng, mưa.

Mỗi chiếc xe có giá tiền tỷ không những bị thời gian, mưa nắng bào mòn, không phát huy được hiệu quả sử dụng, mà các doanh nghiệp đưa chúng về Hải Phòng đang bị đọng vốn, thậm chí bị bị tịch thu, bị phạt một cách oan uổng. Thiệt hại ước tính đối với các doanh nghiệp này là hàng trăm tỷ đồng.

‘Chết’ vì số khung, số máy

Tuy nhiên, vì là hàng đã qua sử dụng, tính chất đặc thù của các loại máy này là làm việc trong điều kiện môi trường tự nhiên, thi công san, phá các công trình xây dựng, khai thác hầm mỏ, làm các công việc nặng và luôn chịu nhiều va đập, mưa nắng, gây ra hoen gỉ, hao mòn tự nhiên. Thêm vào đó, số khung của các máy công trình thường được đóng ở vị trí nổi phía bên ngoài của máy dễ bị ngoại lực tác động (sỏi đá, quặng sắt hoặc các vật rắn bắn, đập vào) nên dẫn đến số khung, số động cơ có thể không còn nguyên vẹn, bị mài mòn số, mất số, mờ, lõm...

Khi nhập về Việt Nam, bên bán hàng hoặc nhà sản xuất cho đóng lại số khung hoặc số động cơ nhưng vẫn là những số khung, số động cơ nguyên thủy ban đầu, đúng với toàn bộ hồ sơ, không hề làm thay đổi lý lịch của chiếc máy đó.

Thế nhưng, tại khoản c, điểm 6, mục II, phụ lục I - Danh mục hàng hóa cấm nhập khẩu trong Nghị định 187/2013 nói trên lại quy định đánh đồng chung cho tất cả các trường hợp bị tẩy xóa, đục sửa, đóng lại số khung, số động cơ khiến cho hàng loạt chiếc xe dù "nó vẫn là nó" nhưng không được nhập khẩu gây thiệt hại lớn cho doanh nghiệp.

Xin ví dụ về chiếc máy đào bánh xích nhãn hiệu Kobelco, model SK 05S, số động cơ 6BB1-534299, do Công ty CP XNK Thương mại Khánh Linh nhập khẩu. Số khung của chiếc xe này là LP-01469 có ký tự cuối cùng là số 9 bị mài mòn do nguyên nhân cơ học và được đóng lại là số 9. Kết quả giám định của Viện Khoa học hình sự Bộ Công an cũng cho thấy, số khung nguyên thủy của chiếc máy này là LP-01469 hoàn toàn trùng khớp với hồ sơ, chứng từ giao hàng.

Thế nhưng, chiếc xe trên bị quy kết luôn tội đã bị tẩy xóa và đóng lại ký tự cuối, vi phạm quy định tại tại khoản c, điểm 6, mục II, phụ lục I, không được nhập khẩu.

Thậm chí, kể cả trong trường hợp do lỗi kỹ thuật, nhà sản xuất tự đóng lại số theo thông lệ ở các nước khác được chấp nhận, nhưng về Việt Nam cũng không được chấp nhận như trong trường hợp chiếc máy xúc lật bánh lốp nhãn hiệu Komatsu WA320-5, số khung 60548, số động cơ: 6D102-26347923 của Công ty TNHH Đoàn Xuân nhập khẩu.

img

5 ký tự trên số khung bên dưới được nhà sản xuất đánh dấu bỏ (X) được đóng thay thế bằng 5 ký tự bên trên cũng vẫn là 6D102.


Do lỗi kỹ thuật của nhà máy sản xuất khi đóng 5 ký tự model nên được chính nhà sản xuất đánh dấu xóa "X" và trên mỗi dấu "X" có biểu tượng "K" (Komatsu) và được đóng lại 5 ký tự mới 6D102, hoàn toàn không có sự tẩy, mài để thay đổi ký tự ban đầu. Việc đóng lại 5 ký tự do chính hãng sản xuất tiến hành, không làm thay đổi số máy 6D102-26347923.

Trên thực tế, chiếc xúc lật WA320-5, số khung 60548 đang lắp động cơ 6D102 (động cơ có 6 máy, buồng đốt 102mm) như tài liệu kỹ thuật đã ghi nhận. Thế nhưng, Cục Đăng kiểm Việt Nam đã quy kết chiếc xe nói trên có số động cơ đã bị xóa đi đóng lại, vi phạm quy định tại phụ lục I, mục II, điểm 6, khoản c Nghị định 187/2013!

Thêm nữa, chiếc xe này được Công ty TNHH Đoàn Xuân ký hợp đồng mua bán từ ngày 18.2.2014, trước khi Nghị định 187/2013 có hiệu lực thi hành, nhưng cũng vẫn bị áp dụng nghị định này khiến doanh nghiệp lại càng thấy bị  cấm đoán một cách oan uổng...

XEM KỲ 2: Hàng chục doanh nghiệp "kêu oan" lên Thủ tướng

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem