Theo Nhật báo Bắc Kinh, “Vân cung tấn âm” do nhạc sĩ Hứa Kính Thanh sáng tác được mệnh danh là “khởi nguồn của âm nhạc điện tử” cho nhạc phim Trung Quốc, và đã trở thành một trong những bản nhạc phim quen thuộc nhất đối với nhiều thế hệ khán giả xứ tỉ dân.
Nhạc sĩ Hứa Kính Thanh chính thức gia nhập đoàn làm phim “Tây du ký” bản 1986 vào năm 1984. Năm đó ông 42 tuổi.
Trong 4-5 năm tham gia đoàn phim, ông sáng tác tổng cộng 15 bài hát và hơn 100 bản nhạc cho “Tây du ký 1986". Trong đó, ông thích nhất bài hát mở đầu “Vân cung tấn âm”, vì cho rằng đây là bài chủ đạo và giàu cảm xúc nhất.
Năm 1983, đạo diễn Dương Khiết liên hệ với 7 nhà soạn nhạc nổi tiếng từng có tác phẩm gây tiếng vang để sáng tác khúc mở đầu cho “Tây du ký", nhưng bà không ưng ai.
Qua giới thiệu, đạo diễn đã gặp Hứa Kính Thanh. Khi ấy, ông đang làm việc trong một xưởng phim gần 20 năm, với công việc chính là quay phim về khoa học nông nghiệp, giáo dục.
Có người lo ngại Hứa Kính Thanh chỉ là một nhạc sĩ vô danh, nhưng đạo diễn Dương Khiết vẫn chọn ông và nói: "Dù nổi tiếng hay vô danh, quan trọng là âm nhạc có đáp ứng được yêu cầu hay không".
Sau khi gia nhập đoàn phim, Hứa Kính Thanh nhận nhiệm vụ của đạo diễn Dương Khiết, viết đoạn nhạc mở đầu dài đúng 2 phút 40 giây. Khi được hỏi có yêu cầu gì về nội dung hay không, đạo diễn nói Hứa Kính Thanh cứ viết gì tùy thích, không có khuôn khổ.
Điều này khiến nhạc sĩ càng thêm bối rối, bởi không phải ai cũng có thể sáng tác những bản nhạc hấp dẫn liên quan đến thần thoại. Trong suốt 2-3 ngày, ông không viết được một dòng nào và vô cùng chán nản.
Sau mấy đêm vắt óc, vào một buổi trưa, Hứa Kính Thanh vô tình nhìn thấy 2-3 người công nhân đi ngang qua cửa sổ nhà mình, trên tay vừa cần hộp cơm vừa gõ thìa và ngân nga.
Ông không biết họ đang hát gì, chỉ nghe hơi giống giai điệu nông thôn, có chút lém lỉnh. Đột nhiên, cảm hứng ập đến, Hứa Kính Thanh bật dậy ghi lại các nốt nhạc đầu tiên "ten ten ten ten".
Vào buổi tối, lúc đang nằm trên giường nhìn trần nhà, một giai điệu nghe như âm thanh của người ngoài hành tinh chợt vang lên trong đầu ông. Sau đó, Hứa Kính Thanh đã mời một giọng nữ cao, trong trẻo và thanh tao để thể hiện điệp khúc "ah..".
Trong cuộc phỏng vấn trên CCTV6, Hứa Kính Thanh chia sẻ, điều ông hài lòng nhất chính là việc sử dụng trống điện tử trong bài hát, khiến giai điệu kinh điển của “Tây du ký" như bay vút lên trời.
Hứa Kính Thanh kể lại rằng, ông lo lắng về việc sử dụng âm nhạc thế nào để miêu tả cảm giác Tôn Ngộ Không bay lên trời và cưỡi trên mây.
Một ngày nọ, khi tình cờ đến nơi bán nhạc cụ và có người đang cắm một chiếc trống điện tử, âm thanh này lập tức truyền cảm hứng sáng tạo cho nhạc sĩ.
Ông là người đầu tiên sử dụng âm nhạc điện tử cho nhạc phim Trung Quốc.
Thời điểm "Tây du ký 1986" mới lên sóng, các ca khúc của Hứa Kính Thanh bị chỉ trích vì dùng nhạc điện tử phương Tây, khi ấy thể loại này chưa được biết đến nhiều. Nhưng đạo diễn Dương Khiết cảm thấy, chỉ Hứa Kính Thanh mới có thể sáng tác tốt nhạc phim cho "Tây du ký", nên bà đã viết tâm thư cho lãnh đạo đài, quyết đấu tranh để giữ Hứa Kính Thanh ở lại.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.