Tiếp tục củng cố tổ chức Hội Nông dân, đổi mới phương thức hoạt động theo gợi mở của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Dân Việt Thứ tư, ngày 27/12/2023 06:00 AM (GMT+7)
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề nghị các cấp Hội Nông dân cần tiếp tục đổi mới mạnh mẽ hơn nữa nội dung, phương thức, chất lượng hiệu quả hoạt động của Hội, tuyệt đối không chủ quan, tự mãn, xây dựng Hội ngày càng vững mạnh, thực sự là tổ chức đại diện cho quyền và lợi ích chính đáng của nông dân...
Bình luận 0

Sáng nay (26/12), Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Nông dân Việt Nam lần thứ VIII, nhiệm kỳ 2023-2028 chính thức khai mạc trọng thể tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia (Hà Nội) với sự tham gia của 995 đại biểu chính thức đại diện cho hơn 10 triệu hội viên, nông dân của cả nước. 

Đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đến dự và chỉ đạo tại Đại hội. 

Theo Tổng Bí thư, sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói nông dân ta giàu thì nước ta giàu, nông nghiệp ta thịnh thì nước ta thịnh. Đồng thời Người cũng khẳng định, nông dân là lực lượng to lớn của dân tộc, đồng minh trung thành của giai cấp công nhân, muốn kháng chiến kiến quốc thành công, ắt phải dựa vào lực lượng nông dân. Tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh là sợi chỉ đỏ xuyên suốt đã được Đảng ta quán triệt, vận dụng sáng tạo trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng đất nước ta suốt mấy chục năm qua.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng gợi mở 7 nhiệm vụ cho Hội Nông dân Việt Nam - Ảnh 1.

Đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam dự và chỉ đạo Đại hội. Ảnh: Dân Việt

Theo Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, báo cáo của Ban Chấp hành Hội Nông dân Việt Nam khoá VII trình Đại hội VIII lần này đã quán triệt nghiêm túc những tư tưởng, quan điểm chỉ đạo của Nghị quyết Đại hội XIII và các Nghị quyết Trung ương 5 khóa XIII của Đảng, nhất là Nghị quyết 19-NQ/TW ngày 16/6/2022 về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; cụ thể hoá các quan điểm chỉ đạo của Bộ Chính trị về đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của Hội NDVN đáp ứng yêu cầu của nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn mới.

Đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề nghị Đại hội tập trung thảo luận để đánh giá đúng tình hình, tổng kết sâu sắc thực tiễn, thống nhất phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp, thực hiện một cách thiết thực, có hiệu quả cao cho Hội Nông dân Việt Nam trong thời kỳ mới, đồng thời nhấn mạnh và gợi mở thêm một số vấn đề để Đại hội thảo luận, xem xét, quyết định:

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng gợi mở 7 nhiệm vụ cho Hội Nông dân Việt Nam - Ảnh 2.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng tham gia Đoàn chủ tịch Đại hội.

Mt là, đề nghị các cấp Hội nông dân cần tiếp tục củng cố, kiện toàn tổ chức, đảm bảo tinh, gọn, hoạt động hiệu quả, sáng tạo, xây dựng đội ngũ Hội Nông dân các cấp bảo đảm số lượng, chất lượng, đủ phẩm chất và năng lực, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, nhất là ở cơ sở. Nâng cao trình độ, nhận thức về hội nhập, hợp tác quốc tế, kỹ năng nghiệp vụ cho cán bộ Hội các cấp, gắn đào tạo bồi dưỡng lý luận chính trị với nghiệp vụ công tác Hội Nông dân, quan tâm đến đối tượng chi hội trưởng Chi Hội Nông dân, nâng cao chất lượng hội viên, củng cố cơ sở Hội vững mạnh.

Hai là, các cấp Hội tiếp tục đổi mới mạnh mẽ hơn nữa nội dung phương thức hoạt động, hướng mạnh về cơ sở, đa dạng hoá công tác tuyên truyền, khơi dậy ý chí, khát vọng của nông dân gắn với các hoạt động thiết thực của Hội. Phát huy vai trò của Hội Nông dân tham gia thực hiện các đề án, dự án phát triển kinh tế xã hội ở nông thôn, gắn với tuyên truyền vận động để đổi mới phương thức hoạt động. Gắn công tác vận động với giải quyết tốt lợi ích thiết thân của hội viên nông dân, nâng cao hơn nữa nhận thức về chính trị, về lòng tự hào dân tộc, tự hào về sự phát triển của nông dân nước ta, phát huy giá trị cốt lõi và những phẩm chất cao đẹp của người nông dân Việt Nam, tích cực xây dựng xã hội nông thôn văn minh, ngày càng hiện đại, phát triển mạnh chi hội, tổ chức hội nông dân nghề nghiệp để đổi mới phước thức hoạt động.

Phát huy vai trò của các mô hình, câu lạc bộ, để tập hợp đoàn kết rộng rãi hơn nữa nông dân làm nòng cốt phát triển các phong trào nông dân.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng gợi mở 7 nhiệm vụ cho Hội Nông dân Việt Nam - Ảnh 3.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu chỉ đạo Đại hội. Ảnh: Dân Việt

Ba là, Hội Nông dân Việt Nam tăng cường tham gia đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao tay nghề cho lao động nông dân, tuyên truyền vận động nông dân tham gia học nghề, tư vấn về nghề nghiệp, việc làm, thành lập doanh nghiệp, trang trại và cơ sở sản xuất kinh doanh. Làm tốt vai trò là đầu mối tổ chức truyền thông và tham gia tập huấn đào tạo nghề cho lao động nông thôn gắn với mô hình sản xuất kinh doanh giỏi. Tổ chức tốt các hoạt động cung ứng vật tư nông nghiệp, hỗ trợ nông dân đầu tư sản xuất, nuôi trồng… Tham gia cung cấp một số dịch vụ công, đẩy mạnh công tác khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư. Nâng cao hiệu quả công tác tín dụng, hỗ trợ vốn, kết nối thị trường, quảng bá xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý, đăng ký bảo hộ thương hiệu hàng hoá cho nông dân.

Các cấp Hội cần tích cực tham gia kinh tế tập thể trong nông nghiệp; tập trung vận động, hướng dẫn, hỗ trợ nông dân thành lập các tổ hợp tác, hợp tác xã, triển khai có hiệu quả các mô hình liên kết, hợp tác theo chuỗi giá trị.

Bốn là, đề nghị các cấp Hội Nông dân tích cực tham gia mạnh mẽ hơn nữa các chương trình mục tiêu quốc gia; nâng cao nhận thức, vận động hướng dẫn nông dân tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu, thông minh, ứng dụng công nghệ số. Tuyên truyền vận động hướng dẫn nông dân thực hiện nếp sống văn minh, khôi phục giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá truyền thống của dân tộc. 

Đẩy mạnh việc tuyên truyền vận động nông dân tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, các phong trào vận động do Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát động; tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cán bộ, hội viên, nông dân tham gia bảo hiểm nông nghiệp, bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội tự nguyện nhằm thực hiện tốt hơn nữa chính sách an sinh xã hội.

Năm là, nên đổi mới, nâng cao chất lượng hiệu quả việc tham gia giám sát, phản biện xã hội của Hội ND các cấp, nhất là các nội dung liên quan về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; tham gia giám sát hoạt động của chính quyền, thực hiện công vụ của đảng viên, cán bộ, công chức; phát huy quyền làm chủ của nông dân ở cơ sở, tham gia giải quyết, hoà giải những mâu thuẫn trong nội bộ nông thôn; giải quyết những khó khăn, búc xúc của nông dân, giữ gìn sự đoàn kết; tích cực tham gia xây dựng các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; tuyên truyền vận động nông dân, ngư dân tích cực tham gia xây dựng và bảo vệ tổ quốc, bảo đảm quốc phòng an ninh, giữ vững độc lập dân tộc và toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ, biển đảo của đất nước.

Sáu là, chủ động tích cực tham gia hội nhập và mở rộng hợp tác quốc tế, đẩy mạnh thông tin tuyên truyền về chủ trương, chính sách phát triển đất nước và đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước, những thành tựu trong công cuộc xây dựng đất nước, giá trị văn hoá của con người và đất nướcViệt Nam đến tất cả các tổ chức, đối tác, bạn bè quốc tế. Phát huy vai trò của Hội Nông dân Việt Nam là một thành viên của tổ chức nông dân trong khu vực và quốc tế, hỗ trợ xuất khẩu hàng hoá nông dản cho nông dân; thu hút các nguồn lực quốc tế để hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

Phát huy vai trò của nông dân tích cực tham gia các hoạt động hợp tác, trao đổi, giới thiệu hàng hoá nông sản giữa nông dân nước ta với nông dân các nước, góp phần đẩy mạnh các hoạt động đối ngoại nhân dân.

Vừa qua việc này chúng ta đã làm rất tốt, bây giờ có thể sơ kết rút kinh nghiệm và tiếp tục mở rộng vấn đề này. Thị trường của chúng ta còn lớn lắm, có thể mở rộng quan hệ với các nước để đẩy mạnh xuất khẩu nông sản.

Bảy là, các cấp Hội Nông dân cần tăng cường phối hợp và thực hiện có hiệu quả hơn nữa các chương trình phối hợp với các cấp chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị xã hội cùng cấp. Tiếp tục đổi mới phong cách, phương thức lãnh đạo, chỉ đạo và điều hành của Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Hội Nông dân các cấp. 

Lấy sự gương mẫu của mỗi đồng chí uỷ viên để làm nền tảng, tập trung dân chủ là nguyên tắc, vận động thiết thực là phương thức hoạt động; nâng cao vai trò trách nhiệm của cấp uỷ, nhất là người đứng đầu Hội Nông dân các cấp. Đây là việc làm có ý nghĩa quyết định đến chất lượng hoạt động của tổ chức Hội.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem