Tiết lộ “bí kíp” làm ra tiêu bản rùa Hồ Gươm giống y như thật

Triệu Quang Thứ ba, ngày 19/03/2019 15:56 PM (GMT+7)
Chuyên gia của Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam đã tiết lộ những “bí kíp” trong quá trình làm tiêu bản “cụ” rùa Hồ Gươm để giống y như thật.
Bình luận 0

img

 PGS. TS Phan Kế Long – Phó Tổng Giám đốc Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam.

Mới đây, Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam - đơn vị chế tác và bảo quản cá thể rùa Hồ Gươm cuối cùng đã bàn giao mẫu vật cho UBND thành phố Hà Nội. Mẫu vật này được trưng bày tại đền Ngọc Sơn.

Đặc biệt, mẫu vật lần này được giữ nguyên vẹn cả phần xương, sụn… và màu sắc giống như một cá thể đang sống. Nhiều người đánh giá tiêu bản rùa lần này là hoàn hảo, đẹp hơn rất nhiều so với cá thể rùa Hồ Gươm chết từ năm 1967.

Để tìm hiểu về quá trình cũng như phương pháp làm ra tiêu bản rùa Hồ Gươm giống y như thật, PV đã có cuộc trao đổi với PGS. TS Phan Kế Long – Phó Tổng Giám đốc Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam.

img

Tiêu bản rùa Hồ Gươm được chế tác giống y như thật bằng phương pháp nhựa hóa.

Thưa ông, được biết sau khi cá thể rùa Hồ Gươm cuối cùng chết đã được đưa về Bảo tàng Thiên nhiên. Vậy quá trình xử lý, bảo quản và lên phương án làm tiêu bản được thực hiện như nào?

Ngày 19/1/2016, ngay sau khi rùa Hồ Gươm chết, Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam đã tiến hành tiếp nhận, bảo quản ở -20 độ C để chờ ý kiến chỉ đạo của Thành ủy, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội.

Tiếp đó, Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội đã đề nghị Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam tư vấn các phương pháp chế tác, bảo quản đảm bảo giữ nguyên trạng mẫu vật.

Bảo tàng Thiên nhiên đã tìm hiểu và tham khảo ý kiến chuyên gia nước ngoài và đề xuất 3 phương án: nhồi truyền thống, bảo quản trong dung dịch và nhựa hóa. Sau khi thống nhất, chúng tôi đã lựa chọn phương pháp nhựa hóa.

Vậy phương pháp nhựa hóa là gì? Phương pháp này có ưu, nhược điểm gì so với các phương pháp còn lại?

Trước tiên, phải nói về phương pháp nhồi truyền thống. Phương pháp này có ưu điểm chế tác nhanh, rẻ tiền tuy nhiên khi làm mẫu phải lọc xương và xử lý riêng để có bộ tiêu bản xương; mẫu bị co ngót khi khô, đặc biệt là vùng diềm mai nên không giữ được nguyên trạng mẫu vật. Mẫu rùa Hồ Gươm chết năm 1967 được làm theo phương pháp này.

Phương pháp bảo quản trong dung dịch là sử dụng cồn và một số hóa chất khác cũng nhanh và rẻ nhưng hằng năm phải thay dung dịch bảo quản. Mẫu vật bị mất màu và vẫn bị phân hủy, không bảo quản được lâu dài. Ngoài ra, dung dịch bảo quản sẽ bị bay hơi ảnh hưởng đến khách tham quan, an toàn cháy nổ vì khu vực trưng bày là nơi hoạt động tâm linh.

Còn phương pháp nhựa hóa do ông Gunther von Hagens người Đức phát minh năm 1979 và được ứng dụng rộng rãi trong chế tác các bộ phận cơ thể người và động vật phục vụ nghiên cứu.

Hiện nay, phương pháp này được một số Bảo tàng sử dụng trong chế tác mẫu vật động vật phục vụ trưng bày như Bảo tàng Berlin, Bảo tàng Erfurt của Đức hay Bảo tàng tự nhiên London (Anh)...

Ưu điểm của phương pháp nhựa hóa là mẫu vật sẽ giữ nguyên được hình dáng mẫu vật ban đầu, kể cả phần xương, diềm mai và bộ phận sinh dục rùa sẽ không bị co ngót và màu sắc được thể hiện theo nguyên gốc.

Để thực hiện việc nhựa hóa, Bảo tàng đã mời 2 chuyên gia người Đức sang Việt Nam. Toàn bộ nguyên vật liệu để thực hiện đều được mua từ nước ngoài.

Các chuyên gia sẽ truyền dung dịch nhựa (polyme) vào trong các tế bào của rùa, giúp các tế bào này được bảo quản ở trạng thái nguyên vẹn, không bị phân hủy.

Tiêu bản rùa Hồ Gươm sẽ giữ được nguyên trạng thái như hiện nay đến khi nào? Việc lưu giữ cần chú ý đến những vấn đề gì?

Hiện nay, tiêu bản rùa Hồ Gươm được bảo quản trong tủ kính trưng bày do CHLB Đức sản xuất. Đây là tủ kính sử dụng kính siêu trắng, cường lực, chống phản quang, chống tia UV, hệ thống đèn laze lạnh không tia UV chiếu sáng mẫu vật; hệ thống lọc không khí có thể ngăn cản bào tử nấm mốc, bụi bẩn tiếp xúc với mẫu vật kèm theo bộ điều khiển độ ẩm đảm bảo luôn giữ ở mức 50-55% để nấm mốc không phát triển được.

img

Sau hơn 3 năm chế tác, tiêu bản rùa Hồ Gươm được đưa ra trưng bày tại đền Ngọc Sơn để người dân cùng chiêm ngưỡng.

Phòng trưng bày tại đền Ngọc Sơn hiện nay cũng đã được trang bị điều hòa không khí đảm bảo nhiệt độ luôn ở mức 20-25 độ C, không có ánh sáng trực tiếp chiếu vào phòng.

Kể từ khi phương pháp nhựa hóa ra đời (1979), một số mẫu vật được chế tác theo phương pháp này ở Bảo tàng Berlin đã giữ được nguyên trạng như ban đầu cho đến nay. Vì vậy, tiêu bản rùa Hồ Gươm có thể cũng sẽ giữ nguyên trạng thái trong thời gian khá lâu dài.

Cụ thể bao nhiêu năm thì chúng tôi chưa xác định được, tuy nhiên, với điều kiện bảo quản như trên, chúng tôi hy vọng mẫu rùa Hồ Gươm sẽ được bảo quản lâu dài, giữ lại cho các thế hệ sau có thể chiêm ngưỡng.

Trong quá trình trưng bày, chúng tôi sẽ phối hợp với Ban quản lý di tích hồ Hoàn Kiếm trong việc theo dõi, duy tu bảo dưỡng tiêu bản thường xuyên để đảm bảo giữ mẫu được lâu nhất.

Vì sao đến thời điểm này tiêu bản rùa Hồ Gươm mới được chính thức bàn giao cho UBND TP Hà Nội?

Ban đầu, khi chúng tôi ngỏ ý mời chuyên gia Đức, họ dự kiến sẽ làm tiêu bản trong khoảng 1 năm. Tuy nhiên khi chứng kiến mẫu rùa Hồ Gươm, các chuyên gia Đức đã phải thay đổi nhận định do mẫu vật quá lớn, dài 2,08 mét, rộng 1,08 mét, nặng 169kg.

img

 Mọi bộ phận như xương, diềm mai, tứ chi, bộ phận sinh sản… của rùa đều được giữ nguyên.

Để thực hiện phương pháp nhựa hóa cần thời gian làm khô mẫu, khô nước trong tế bào, bơm và chờ dung dịch thấm vào tế bào, thời gian khô hoàn toàn mẫu… Thêm nữa, mẫu rùa Hồ Gươm quá lớn nên không có tủ nào vừa, vì vậy, chúng tôi phải đặt tủ riêng từ nước ngoài.

Ngoài ra, khu vực Đền Ngọc Sơn cũng mới hoàn thành việc tu sửa và phải bổ sung các hạng mục theo điều kiện bảo quản mẫu vật rùa Hồ Gươm được an toàn nhất gồm điều hòa, hút ẩm cho khu vực trưng bày nên thời điểm bàn giao hiện nay là phù hợp. Việc tiêu bản rùa Hồ Gươm được chế tác giữ nguyên trạng mẫu vật có ý nghĩa trong việc nghiên cứu hình thái và mẫu ADN phục vụ cho nghiên cứu giám định loài. Hơn nữa, rùa Hồ Gươm mang giá trị tâm linh, giữ được rùa một cách sống động nhất sẽ giúp cho thế hệ sau hiểu rõ hơn về truyền thống đấu tranh dựng nước và giữ nước của cha ông.

Ngắm tiêu bản cụ rùa Hồ Gươm được ”bảo vệ” trong tủ kính bạc tỷ

Sáng nay 16/3, tiêu bản rùa Hồ Gươm đã được bàn giao cho nhà trưng bày đền Ngọc Sơn (Hà Nội). Đông đảo người dân,...

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem