Tiết lộ điệp viên khiến CIA kinh ngạc thời Chiến tranh Việt Nam

Thứ sáu, ngày 28/04/2017 20:30 PM (GMT+7)
Điệp viên khiến CIA kinh ngạc thời chiến tranh Việt Nam chính là điệp viên mang bí số H3 với 20 năm sống trong lòng địch.
Bình luận 0

Năm 2006, tại Mỹ diễn ra hội thảo quốc tế về “Tình báo trong chiến tranh Việt Nam”, do Trung tâm Việt Nam, thuộc Đại học Công nghệ Tếch-dớt cùng Trung tâm Nghiên cứu tình báo thuộc CIA phối hợp tổ chức. Một cựu nhân viên CIA đã nhận định rằng: “Đúng là phải có một điệp viên cộng sản từng nằm ngay trong lòng Bộ Tổng tham mưu (ngụy). Dường như không phải là sĩ quan cao cấp, không phải là tùy tùng thân cận của Tổng thống Thiệu, song chắc chắn nhân vật này đã gửi ra Bộ Chính trị Bắc Việt nhiều tin tình báo chiến lược”.

img

Đại tá, Anh hùng LLVT nhân dân Nguyễn Văn Minh.

Thông tin đó về sau đã được giải mật. Đó là điệp viên mang bí số H3 của Phòng Tình báo B2, với hơn 20 năm sống trong lòng địch, 16 năm sống trong sào huyệt của quân đội Sài Gòn, đã thể hiện bản lĩnh kiên cường và mưu trí “siêu việt”. Giữa “biển giáo, rừng gươm”, một mình hoạt động đơn tuyến, tính mạng lúc nào cũng treo “trên miệng cọp” nhưng ông đã bình tĩnh hoạt động, hoàn thành tốt các chức trách mà quân đội ngụy giao cho, tạo nên “tấm bình phong” an toàn để ông hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà cách mạng giao phó. Ông là Nguyễn Văn Minh, Anh hùng LLVT nhân dân.

Nguyễn Văn Minh sinh năm 1933, tại Hưng Yên, trong một gia đình thợ thủ công. Lớn lên, ông vào Sài Gòn tìm việc làm, lòng yêu nước đã thôi thúc ông tìm đến với cách mạng. 20 tuổi, ông đã là một công nhân hoạt động bí mật cho Mặt trận Liên Việt giữa lòng Sài Gòn. Đến năm 1959, ông được Quận ủy Thủ Đức cử làm nhiệm vụ tìm cách lọt vào quân đội ngụy quyền Sài Gòn. Năm 1963, lợi dụng sự kiện chính quyền tay sai Ngô Đình Diệm bị lật đổ, các phe phái ngụy quân, ngụy quyền chèn ép nhau để tranh quyền, đoạt lợi, ông đã tìm cách chui sâu vào hàng ngũ kẻ thù với chức danh nhân viên văn thư của Văn phòng Tổng tham mưu trưởng Nguyễn Hữu Có. Không lâu sau đó, Nguyễn Cao Kỳ lật đổ Nguyễn Hữu Có nhưng với vỏ bọc là một nhân viên quân sự mẫn cán, tận tụy với công việc, được nhiều người trong Văn phòng quý mến nên ông được tân Tổng tham mưu trưởng Cao Văn Viên tiếp tục tin dùng. Từ đó, H3 trở thành một trong 4 nhân viên văn thư của Văn phòng Tổng tham mưu trưởng.

img

Điệp viên H3 và Văn phòng Bộ Tổng tham mưu ngụy, nơi ông hoạt động trong suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Công việc hằng ngày của H3 là tiếp nhận và lưu trữ công văn đi, công văn đến giữa Văn phòng Tổng tham mưu trưởng với các cơ quan, đơn vị trong quân đội ngụy, đặc biệt là trao đổi công văn với Phủ Tổng thống, với các cơ quan Bộ Quốc phòng, các quân đoàn, quân khu. Công việc này tạo cơ hội để H3 tiếp xúc với các tài liệu tối mật của địch. Chính vì vậy, những tài liệu, tin tức mà H3 cung cấp cho ta rất có giá trị, bảo đảm độ chính xác cao. Làm việc trong môi trường tối mật như vậy, H3 luôn bị các cơ quan mật vụ, an ninh của địch để ý, theo dõi nhưng anh đã tìm ra cách hoạt động để che mắt kẻ thù. Không thể tiến hành sao chụp tài liệu vì nếu làm như thế dễ bị lộ, H3 đã rèn luyện để ghi nhớ, chép lại toàn bộ các công văn ông tiếp xúc hằng ngày rồi chuyển về lưới tình báo do đồng chí Hai Kim phụ trách.

Cách làm này đòi hỏi trí não ông hoạt động không ngơi nghỉ. Đôi mắt ông lúc về già bị mờ đi rất nhanh do hoạt động quá tải trong hàng chục năm ròng. Để có thể nắm nhiều tài liệu của địch, ông khéo léo nhận về mình nhiều phần việc trong số 4 nhân viên văn thư. Ngày làm việc cho địch, đêm thức viết lại để báo cho tổ chức, rất nhiều đêm ông đã thức trắng để báo cáo cho hết các nội dung công văn đã nắm được hằng ngày. Các ý đồ lớn của địch, như kế hoạch bình định nông thôn, kế hoạch lấn chiếm, xóa các vùng giải phóng… đều được ông báo cáo chính xác về căn cứ.

Đến đầu năm 1975, ông đã báo cáo tin quan trọng có tính quyết định để ta củng cố quyết tâm giải phóng miền Nam ngay trong năm 1975, đó là tin Mỹ trả lời ngụy quân, ngụy quyền: “Mỹ coi như chiến tranh ở Việt Nam đã kết thúc, Mỹ sẽ không chi viện cho quân ngụy bằng lực lượng chiến đấu của Mỹ”. Cùng với đó, các báo cáo của ông còn phân tích mối tương quan giữa lực lượng địch và viện trợ của Mỹ, giữa viện trợ và mức độ sử dụng bom đạn, phi vụ, cơ động của xe tăng, tàu chiến, việc bố trí binh lực tại các quân khu của quân ngụy…

Trong sự kiện 30.4.1975, khi Quân giải phóng đánh chiếm Bộ Tổng tham mưu ngụy, chính H3 đã động viên các viên chức trong văn phòng của tướng Cao Văn Viên gìn giữ, niêm phong kho tàng, hồ sơ, bảo toàn tài liệu, máy móc trong văn phòng để bàn giao cho quân giải phóng.

Sau ngày đất nước thống nhất, Đại tá Nguyễn Văn Minh tiếp tục công tác trong quân đội một thời gian rồi nghỉ hưu theo chế độ. Ông sống khiêm nhường, giản dị, gần gũi với mọi người. Tháng 9.2009, điệp viên H3-Nguyễn Văn Minh từ trần trong thanh thản, để lại nỗi tiếc thương khôn nguôi trong tâm trí người thân và đồng đội. Ông là một trong những điệp viên mà khả năng giữ bí mật hoạt động đã trở thành huyền thoại, khiến kẻ thù kinh ngạc về bản lĩnh, trí tuệ và tinh thần “thép” của ông.

Thanh Xuân/Nguyễn Hương (Quân đội nhân dân)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem