Tiết lộ gây sốc về cánh gà, chân gà tạm nhập tái xuất

Thiên Hương Thứ tư, ngày 08/03/2017 20:00 PM (GMT+7)
Trước một số thông tin về việc giá đùi gà Mỹ nhập vào Việt Nam có giá siêu rẻ, chỉ chưa đến 10.000 đồng/kg, trao đổi với phóng viên Dân Việt, TS. Trần Duy Khanh – Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam cho rằng đó là mức giá rất bất thường.
Bình luận 0

Theo khảo sát của Hiệp hội Chăn nuôi Gia cầm Việt Nam, tại Đồng Nai giá gà công nghiệp lông trắng chỉ còn 15.000 – 16.000 đồng/kg; gà lông màu giá từ 20.000 – 25.000 đồng/kg, việc tiêu thụ cũng rất chậm khiến người nuôi vừa lỗ nặng, vừa hoang mang lo lắng. TS. Trần Duy Khanh cho rằng, việc thị trường gà trong nước rơi vào cảnh lộn xộn là do nhiều nguyên nhân.

Thứ nhất là do thị trường giảm tiêu dùng thịt gà. Vào dịp Tết Nguyên đán, người dân Việt Nam thường sử dụng nhiều thịt gà vào việc cúng bái, biếu tặng, liên hoan… và có xu hướng trữ đông sản phẩm thịt gà để ăn dần. Khi hết tết cũng là lúc người ta chán ăn thịt gà.

Thứ hai là do cung đang vượt cầu. Lâu nay người dân thường chăn nuôi theo thói quen, cứ bán hết lứa gà này là nuôi lứa gà khác mà ít tìm hiểu thông tin thị trường. Trong khi đó, nuôi gà công nghiệp cứ đến lứa là phải bán. Để trong chuồng thêm ngày nào, tốn tiền thức ăn ngày đó, vì vậy dù giá có giảm sâu, bà con cũng phải chấp nhận bán rẻ để cắt lỗ.

Thứ ba là do sản phẩm thịt gà nhập khẩu vào Việt Nam có giá rẻ. Ông Khanh cho biết, trung bình mỗi năm nước ta nhập khẩu khoảng 100.000 tấn thịt gà theo đường chính ngạch. Giá dao động trong khoảng 1,2 USD/kg, sau khi cộng thuế nhập khẩu, phí vận chuyển, lưu kho, bốc dỡ…, giá gà khi ra thị trường ít nhất phải trên 30.000 đồng/kg.

img

Lực lượng chức năng kiểm tra kho lạnh tại một công ty kinh doanh, chế biến thực phẩm ở Hà Nội. Ảnh: I.T

“Vậy mà trên thị trường hiện nay, lại có loại thịt gà giá dưới 10.000 đồng/kg. Đó là điều không bình thường. Không loại trừ đó là sản phẩm thịt gà thuộc hàng tạm nhập tái xuất. Hầu hết số hàng này là cổ, cánh, chân gà, nội tạng (tim, gan, mề) đã quá hạn sử dụng, các nước chỉ làm thức ăn cho gia súc. Thậm chí có lô hàng lưu kho tới 20 - 40 năm, không đủ tiêu chuẩn để làm thức ăn cho gia súc bởi sản phẩm gần như chỉ còn hình dáng, xương đen xì” – ông Khanh nói.

img

Cận cảnh một lô chân gà bị lực lượng chức năng kiểm tra tại một kho hàng đông lạnh trên địa bàn Hà Nội. Ảnh: I.T

Cũng theo ông Khanh, chỉ cần 1/3 lượng hàng này rò rỉ ra thị trường, trà trộn với hàng nhập khẩu chính ngạch cũng đã đủ gây thiệt hại đến ngành chăn nuôi trong nước. Được biết, năm 2014 nước ta nhập 3 triệu tấn sản phẩm thịt gà dạng tạm nhập, tái xuất; năm 2015 là 2,5 triệu tấn.

“Chắc chắn Trung Quốc cũng không có những sản phẩm giá rẻ như vậy, đó toàn là hàng đông lạnh để nhiều năm, thậm chí trên 20 năm của các nước châu Âu, châu Mỹ… Năm 2015, hàng tạm nhập tái xuất mang lên cửa khẩu nhưng Trung Quốc cấm biên, không xuất đi được nên mới quay ngược lại bán cho thị trường trong nước” – ông Khanh tiết lộ.

img

Sản phẩm đùi gà không đóng gói, không nhãn mác, xuất xứ được bày bán công khai tại một số chợ trên địa bàn Hà Nội. Ảnh: I.T

Vấn đề đặt ra hiện nay là cả Bộ NNPTNT và ngành hải quan đều không nắm được cụ thể số liệu sản phẩm thịt gà tạm nhập tái xuất. “Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam đã nhiều lần đề nghị các ngành chức năng phải công khai con số, nhưng đến nay chúng tôi cũng chỉ biết sơ sơ về số lượng hàng gia cầm tạm nhập qua Việt Nam, còn có tái xuất hay không, tái xuất bao nhiêu thì… chịu” – ông Khanh thẳng thắn nói. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem