Tiết lộ về số phận 2 chiếc máy bay của vua Bảo Đại

Hoàng Thảo Thứ năm, ngày 29/10/2020 20:30 PM (GMT+7)
Hai chiếc máy bay của vua Bảo Đại được chuyển cho Chính phủ Cách mạng với ý định thành lập một câu lạc bộ không quân, huấn luyện phi công.
Bình luận 0

Sinh thời, vua Bảo Đại có mua 2 chiếc máy bay để dùng. Ngoài chiếc Tiger Moth, chiếc còn lại tên là Morane Saulnier.

Vua Bảo Đại tặng máy bay để phục vụ cho kháng chiến

Chiếc Tiger Moth là loại máy bay một động cơ do Anh chế tạo, hai tầng cánh, hai chỗ ngồi, thân bọc vải, tốc độ chậm, có thể hạ cánh ở sân bay ngắn, hẹp, kể cả trên đồng cỏ. Chiếc Morane Saulnier do Pháp chế tạo là loại máy bay thể thao một động cơ, thân kim loại, một tầng cánh, hai chỗ ngồi.

Sau Cách mạnh Tháng Tám, vua Bảo Đại được Bác Hồ mời làm cố vấn Chính phủ Cách mạng lâm thời. Bảo Đại đề nghị đưa 2 chiếc máy bay từ Huế ra Hà Nội. Chính phủ chấp nhận với ý định thành lập một câu lạc bộ không quân, huấn luyện phi công, đặt nền móng cho sự phát triển lực lượng không quân sau này.

Ông Tạ Quang Bửu, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, giao nhiệm vụ cho ông Phan Phác, Cục trưởng Cục Quân huấn, tổ chức đưa máy bay ra bằng tàu hỏa sau khi đã tháo cánh và đưa lên Kim Đái thuộc tổng Sơn Tây.

Kháng chiến toàn quốc bùng nổ, 2 chiếc máy bay tiếp tục được tháo rời, chuyển bằng thuyền lên Bình Ca, rồi lên Soi Đúng (Tuyên Quang). Quá trình vận chuyển máy bay từ Sơn Tây lên Tuyên Quang liên tục bị máy bay Pháp phát hiện và bắn phá.

Chiếc Morane Saulnier bị mất hai mỏm đầu cánh, chiếc Tiger Moth bị thủng nhiều lỗ trên thân cánh và đuôi. Một số bộ phận khác như khung, dây cáp căng cánh... bị đứt. Hai chiếc máy bay đã được đưa vào xưởng ở khu rừng rậm thuộc thôn Soi Đúng để sửa chữa.

Ngày 9/3/1949, Bộ Quốc phòng quyết định thành lập Ban Nghiên cứu Không quân. Ban có nhiệm vụ xây dựng cơ sở nghiên cứu bước đầu về không quân, tìm hiểu hoạt động của không quân Pháp. Ban đã cử người về vùng tạm chiếm để tìm mua phụ tùng như: vải diềm bâu khổ rộng, lụa tơ tằm, sơn loại tốt, dây cáp…

Toàn bộ vải cũ trên máy bay được bóc ra, thay vào đó bằng vải mới và sơn lại. Chiếc Tiger Moth được sơn phù hiệu cờ đỏ sao vàng, các đầu dây cáp bị đứt phải nối lại từng sợi rất tỉ mỉ. Sau gần nửa năm đã sửa chữa xong các bộ phận chủ yếu, còn lại dụng cụ đo độ cao và đèn bay đêm là không sửa được.

Tiết lộ về số phận 2 chiếc máy bay của vua Bảo Đại - Ảnh 2.

Chiếc máy bay Tiger Moth.

2 chiếc máy bay của vua Bảo Đại được đưa vào viện bảo tàng

Tháng 6/1949, chiếc máy bay Tiger Moth hai tầng cánh được bay thử nghiệm. Chuyến bay đã không thành công, máy bay đâm vào bãi ngô bên cạnh đường băng. Một tháng sau, một phi công khác vốn là một hàng binh cùng với ông Nguyễn Văn Đống (người được giao nhiệm vụ trông coi, bảo dưỡng máy bay) thực hiện nhiệm vụ bay thử.

Nói thêm về ông Đống, ông từng học nghề chữa, lắp ráp máy bay tại Pháp với bằng tốt nghiệp hạng nhì cùng với sắc phong cửu phẩm của vua Bảo Đại. Ông đã có thời gian làm việc cho hãng hàng không của Pháp tại các trường bay Tân Sơn Nhất, Gia Lâm, Bạch Mai.

Sau khi thực hiện bay một vòng ở độ cao 800 m, phi công thực hiện động tác biểu diễn. Khi bay thử vòng thứ hai, phi công có ý hạ độ cao gần mặt sông Gâm, từ đó hạ cánh thăng bằng xuống đường băng. Khi phát hiện cánh máy bay chạm mặt nước, phi công vội kéo cần lái bay lên.

Tuy nhiên, phát hiện phía trước là dãy núi cao nên ông Đống ngồi phía trước đã vội ấn cần lái cho máy bay đâm xuống sông, nhờ sức cản của nước giữ an toàn cho cả hai người.

Chiếc máy bay từ khi gặp sự cố nói trên đã không thể cất cánh được nữa và được sử dụng làm buồng tập lái dưới mặt đất, rồi tháo nhỏ ra cùng với xác máy bay Pháp bị bắn rơi làm mô hình học tập cho các học viên.

Sau khi Ban Nghiên cứu Không quân giải thể, các bộ phận của hai chiếc máy bay được đưa vào gửi trong dân, các hiện vật dần bị thất lạc và hư hỏng. Năm 1994, các cựu chiến binh đã thu thập được một ít linh kiện và tư liệu của 2 chiếc máy bay này, trao lại cho Bảo tàng Hàng không dân dụng và Bảo tàng Phòng không - Không quân.

Nói thêm, lúc còn làm vua, Bảo Đại rất quan tâm các hoạt động liên quan đến máy bay, trong đó có việc hỗ trợ tiền cho ông Hồ Đắc Cung chế tạo máy bay, xem các cuộc diễn tập máy bay... Tràng An Báo số 298 (ra ngày 25/2/1938) đưa tin: "Hoàng Thượng ngự xem cuộc thao diễn phi cơ ở Phú Bài" - "Hôm thứ ba vừa rồi, Hoàng Thượng ngự xuống bến tàu bay Phú Bài xem cuộc thao diễn phi cơ. Theo chầu ngự giá, có hoàng thân Vĩnh Cẩn và ông Nguyễn Duy Quan, Bí thơ ngự tiền văn phòng".

Cũng trên Tràng An Báo số 423 (ra ngày 26/5/1939) có đưa tin "Đức Hoàng đế sẽ ngự máy bay sang Pháp. Tùy giá có ông Hoàng Tùng Đệ, Vĩnh Cẩn, ông Nguyễn Duy Quan…".

Chưa rõ có phải đây là lần đầu tiên vua Bảo Đại công du sang Pháp bằng máy bay hay không. Nhưng cũng tờ báo nói trên cho biết đến ngày 30/5 "Đức Nam Phương Hoàng hậu sẽ ngự tàu (tàu thủy - người viết) Paul Doumer sang Pháp với Đức Đông cung Hoàng Thái tử Bảo Long và công chúa Phương Mai, công chúa Phương Liên…"

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem