Tiết lộ vụ tai nạn tàu chiến chở Tổng thống Mỹ Rooseevelt

T.V (theo Global Times) Thứ năm, ngày 01/10/2020 20:30 PM (GMT+7)
Tháng 11/1943, trong hành trình đến dự hội nghị các nước Đồng minh ở Tehran, chiếc quân hạm chuyên chở Tổng thống Roosevelt và các nhà lãnh đạo khác của nước Mỹ đã suýt bị ngư lôi bắn chìm. Điều đáng nói là quả ngư lôi đó được bắn ra từ chính một quân hạm khác của Hải quân Mỹ.
Bình luận 0

Tháng 7/1943, chiếc quân hạm mang số hiệu DD-579 cùng đội ngũ 125 thủy thủ phục vụ trên tàu đều là tân binh sau 4 tháng huấn luyện đã nhận được lệnh tham chiến cùng chiếc tàu chiến USS William D. Porter.

Đây là nhiệm vụ cực kỳ quan trọng và bí mật: một đội tàu hộ tống gồm 3 chiếc khu trục hạm trong đó có chiếc USS William D. Porter và 2 hàng không mẫu hạm thực hiện nhiệm vụ bảo vệ quân hạm Iowa.

Tiết lộ vụ tai nạn tàu chiến chở Tổng thống Mỹ Rooseevelt - Ảnh 1.

Tàu chiến USS William D. Porter.

Khi đội tàu chiến đã tập trung tại vị trí thì từ cửa sông Patomac xuất hiện một chiếc du thuyền - đó chính là du thuyền mang tên Patomac của Tổng thống Mỹ.

Chiếc du thuyền cập mạn tàu Iowa ai cũng có thể nhìn thấy Tổng thống Roosevelt được đưa lên tàu trên chiếc xe lăn quen thuộc của ông, theo sau ông có đến 85 quan chức, tướng lĩnh cao cấp.

Chỉ huy chiếc Iowa, tướng ba sao Ernest J. King quyết định thể hiện khả năng phòng ngự chống tấn công từ trên không của quân hạm để Tổng thống và các quan chức cao cấp đi cùng xem. Sau khi chuẩn bị, những quả khinh khí cầu thời tiết được thả lên không trung.

Tất cả các khẩu pháo trên tàu Iowa đồng loạt nhả đạn tiêu diệt các mục tiêu trên không. Tổng thống Roosevelt và đoàn tùy tùng ở trên boong tàu chứng kiến màn trình diễn này.

Tàu USS William D. Porter khi đó đang ở cách chiếc Iowa khoảng 5 dặm. Thuyền trưởng tàu USS William D. Porter hạ lệnh cho thủy thủ sẵn sàng nhằm bắn vào các khinh khí cầu đồng thời thực hiện diễn tập với ngư lôi.

Thủy thủ Lawton Dawson và Tony Fazio phụ trách khoang ngư lôi. Giống như đã được huấn luyện, các thủy thủ tìm một mục tiêu cho ngư lôi và họ đã chọn chiếc Iowa vì nó vừa có kích thước to lớn vừa hiện rõ trong kính ngắm.

Sau đó các thủy thủ phải bỏ thuốc nổ ra khỏi ống phóng ngư lôi vì đây chỉ là hành động diễn tập và không cần phóng ngư lôi thực sự. Sau khi đã chuẩn bị xong, thuyền trưởng Walter phát lệnh phóng ngư lôi số 1.

Quả ngư lôi thứ hai cũng được phóng theo quy trình tương tự. Tuy nhiên ngay sau mệnh lệnh phóng ngư lôi số 3 thì các thủy thủ trên boong đã nhận thấy điều khác thường: một quả ngư lôi đã thật sự rời khỏi ống phóng và rẽ nước nhằm thẳng hướng tàu Iowa lao đi.

Theo lý thuyết, chỉ cần 2 phút sau quả ngư lôi sẽ trúng mục tiêu là tàu Iowa. Thuyền trưởng Walter ngay lập tức phát tín hiệu báo nguy cho tàu Iowa. Do mệnh lệnh cấm sử dụng tín hiệu liên lạc vô tuyến trong toàn bộ hành trình để tránh bị quân Đức phát hiện. Người lính phụ trách việc phát tín hiệu liên lạc bằng đèn thông báo lần đầu tiên rằng: "Có ngư lôi đang tiến thẳng đến tàu".

Lệnh báo động đã phát ra trên tàu Iowa: "Ngư lôi mạn bên phải. Không phải là diễn tập". Thuyền trưởng Ernest J. King ra lệnh chuyển hướng sang phải và chạy hết tốc lực để thoát khỏi quả ngư lôi đang lao đến.

Như một phép lạ: tàu Iowa đã thực hiện được cú ngoặt phải hoàn hảo và quả ngư lôi lao sượt sát qua mạn tàu trong ngang tấc. Quả ngư lôi phát nổ và tạo ra một cột nước ngay tại vệt nước con tàu Iowa vừa để lại.

Ngay sau đó tàu USS William D. Porter được lệnh rời khỏi đội tàu hộ tống và cập vào căn cứ Hải quân Mỹ trên vùng biển Bermuda để tiến hành điều tra. Kết quả điều tra xác định vụ việc chỉ là sự cố ngoài ý muốn trong khi diễn tập.

Tuy nhiên, tàu USS William D. Porter chỉ được tham gia các nhiệm vụ mà ít có khả năng đe dọa an toàn cho những chiến hạm khác của Mỹ. Tàu USS William D. Porter đã bị máy bay Nhật Bản đánh chìm tháng 5/1945 tại Okinawa, thủy thủ đoàn của con tàu xấu số này đã may mắn được cứu thoát.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem