Tiểu sử vua Càn Long: 4 bí quyết trường sinh "kỳ lạ"

Thứ hai, ngày 13/09/2021 18:32 PM (GMT+7)
Hoàng đế Càn Long là ai mà những bí quyết trường sinh kỳ lạ, bí ẩn về lăng mộ của ông khiến khoa học hiện đại cũng phải ngả mũ bái phục.
Bình luận 0

Tiểu sử vua Càn Long và 4 cái "nhất" trong lịch sử Trung Hoa

Với những kỷ lục "vô tiền khoáng hậu" từ chính trị cho đến hậu cung, từ "việc nước" cho đến "việc nhà", chắc chắn không một ai không biết đến ông vua nổi danh thiên cổ này của triều đình phong kiến Trung Quốc – hoàng đế Càn Long. Vậy vua Càn Long là ai? Tiểu sử vua Càn Long như thế nào?

Tên thật của Càn Long đế là Ái Tân Giác La Hoằng Lịch, sinh vào ngày 13/8 (tức ngày 25/9 dương lịch) năm 1711. Cha ông là hoàng đế Ung Chính, khi ấy còn là Ung Thân vương. Còn mẹ ông là thê thiếp của Ung Thân vương - Nữu Hộ Lộc thị.

Tiểu sử vua Càn Long: 4 bí quyết trường sinh "kỳ lạ" - Ảnh 1.

Bức vẽ chân dung vua Càn Long. Hình ảnh: Wikipedia

Về sinh mẫu của vua Càn Long, có rất nhiều lời đồn đoán được thêu dệt trong các bộ tiểu thuyết và các bộ phim truyền hình. Được lan truyền nhiều nhất là câu chuyện Càn Long đế là con cháu của dòng họ Trần – quan chức đã về hưu ở thời Khang Hy đế, bị đánh tráo với 1 vị cách cách được sinh ra trong phủ Ung Thân vương.

Còn có 1 truyền thuyết dân gian khác, thân mẫu Càn Long thực chất là Lý Kim Quế - 1 cung nữ may mắn được Ung Chính đế sủng hạnh trong 1 lần say rượu. Vì xuất thân bần hàn, nhan sắc tầm thường nên không được phong hàm phi vị, sau khi sinh ra hoàng tử Hoằng Lịch thì phải giả điên để không làm mất thể diện của hoàng gia. Tuy nhiên đến nay chưa có 1 bằng chứng lịch sử nào chứng minh cho bí ẩn về sinh mẫu của vua Càn Long.

Vào ngày 23/8/1735, Ung Chính đế qua đời. Nội thị lấy chỉ dụ đã được soạn sẵn, công bố trước triều đình: Bảo Thân vương Hoằng Lịch kế thừa Đế vị. Ngày 3/9, Hoằng Lịch lên ngôi ở điện Thái Hòa, lấy năm sau là năm đầu niên hiệu Càn Long. Ngày 27/9, chuyển đến ở Dưỡng Tâm điện.

Thời kỳ trị vì của vua Càn Long là thời cực thịnh về kinh tế cũng như quân sự của Đại Thanh. Vào thời này, lãnh thổ nhà Thanh kéo dài đến Châu thổ sông Y Lê và Tân Cương, lãnh thổ Trung Quốc mở rộng đến tối đa, khoảng hơn 13.000.000 km² (so với 9.600.000 km² hiện nay).

4 cái "nhất" của vua Càn Long

Được mệnh danh là một trong những hoàng đế vĩ đại nhất thời kỳ phong kiến Trung Quốc, vua Càn Long có 4 cái "nhất" nào?

1. Ông vua sống thọ nhất

Càn Long đế trước nay vẫn luôn được biết đến là vị vua phong lưu, đa tình với nhiều phi tần thê thiếp. Mà tục ngữ vốn có câu: "Rượu là thuốc độc của gan, phong lưu, háo sắc là con dao sắc cắt gân, cưa xương con người." Ý nói rằng 1 người quá phong lưu, háo sắc sẽ có ảnh hưởng xấu tới sức khỏe và làm giảm tuổi thọ. Ấy vậy mà, Càn Long đế qua đời ở tuổi 88, trở thành ông vua sống thọ nhất trong lịch sử Trung Hoa.

2. Vị hoàng đế sống xa hoa nhất

Hoàng đế Càn Long nổi tiếng là vị vua "chịu chơi" nhất Thanh triều. Ông hay tổ chức đại tiệc trong cung, còn thường xuyên ra ngoài Tử Cấm Thành đi tìm thú vui ở những nơi có ca kĩ. Theo sử liệu ghi chép, chi phí ước tính cho hai lần mừng thọ 60 tuổi và 80 tuổi lên đến mười triệu lạng bạc lúc bấy giờ.

Một lần Càn Long đế tuần du xuống phía nam, chỉ riêng thuyền to đã huy động hơn 1000 chiếc. Những nơi đi qua đều cho xây dựng sân khấu để hát xướng. Riêng ngựa được huy động đến 6.000 con, lạc đà 600 con, phu dịch gần 1000 người…Từ Hàng Châu đến Bắc Kinh, vua cho xây dựng 36 hành cung, cứ cách một đoạn ngắn lại có một nhà nghỉ và đoạn đường đi qua đều phải trải thảm, che nắng bằng lụa.

Tiểu sử vua Càn Long: 4 bí quyết trường sinh "kỳ lạ" - Ảnh 2.

Tranh vẽ 1 chuyến Nam tuần của vua Càn Long. Hình ảnh: Sina

3. Thời gian cai trị lâu nhất

Thời kì trị vì của vua Càn Long kéo dài hơn 60 năm từ năm 1735 đến năm 1796.

Năm 1796, ông nhường ngôi cho con là Gia Khánh đế, không phải do qua đời hay sức khỏe quá suy yếu mà chỉ là ông không muốn vượt quá số năm trị vì của ông nội Khang Hi (61 năm) - người mà Càn Long Đế vô cùng kính trọng. Sau khi lên làm thái thượng hoàng, Càn Long vẫn quyết định mọi chuyện quốc gia đại sự, trong cung đình vẫn dùng Càn Long niên hiệu. Vì vậy, lúc bấy giờ, triều Thanh tồn tại cùng lúc "hai vị hoàng đế".

4. Ông vua phong lưu bậc nhất

Không chỉ có tam cung lục viện với hơn 40 phi tần và hàng ngàn cung tần mỹ nữ, mà trong dân gian còn có khá nhiều truyền thuyết về sự đa tình của hoàng đế Càn Long. Những người vợ vua Càn Long thì mỗi người lại có một vẻ đẹp mỹ miều khác nhau nên hậu cung Càn Long luôn là nguồn cảm hứng bất tận cho những bộ phim cung đấu với những màn tranh chấp nức tiếng trên màn ảnh Hoa ngữ.

Tiểu sử vua Càn Long: 4 bí quyết trường sinh "kỳ lạ" - Ảnh 3.

Hậu cung với trăm ngàn phi tần xinh đẹp của vua Càn Long. Hình ảnh: QQ

Tiết lộ bí quyết trường sinh của Càn Long đế

Theo lời sứ thần Macartney của Anh đã viết trong nhật ký: "Dù Hoàng đế Càn Long đã 83 tuổi nhưng trông ông như mới hơn 30 tuổi. Ông ấy có thần thái và phong thái vượt trội so với những người trẻ tuổi." Vậy bí quyết trường sinh của vua Càn Long là gì?

1. Chăm chỉ vận động thể thao

Hoàng đế Càn Long luôn dành sự quan tâm lớn đến vận động xương khớp, ở đây là chỉ việc thể dục thể thao. Ông nhấn mạnh 4 việc không được làm: Ngồi lâu, đứng lâu, nằm lâu, nhìn lâu. Ngoài ra, vị vua này đế còn vô cùng chăm chỉ tham gia vào nhiều cuộc tập trận, săn bắn và đi tuần. Điều này giúp nâng cao khả năng chống lại bệnh tật một cách tự nhiên.

Tiểu sử vua Càn Long: 4 bí quyết trường sinh "kỳ lạ" - Ảnh 4.

Tranh vẽ 1 buổi săn bắn của vua Càn Long. Hình ảnh: Wikipedia

2. Thói quen sinh hoạt và ăn uống

Cuộc sống của hoàng đế Càn Long rất quy củ: Không ngủ nướng, thức dậy lúc tờ mờ sáng, ra ngoài trời luyện tập hít thở.

Về chế độ ăn uống, theo ghi chép lịch sử, vua Càn Long nhất định phải ăn sáng lúc 7 giờ hàng ngày, đi dạo trong vườn sau bữa ăn, ăn trưa vào khoảng 1 hoặc 2 giờ trưa và sau đó đọc sách, viết văn, làm thơ và vẽ tranh. Ông luôn duy trì chỉ ăn hai bữa một ngày và không bao giờ ăn quá no. Đặc biệt là luôn bổ sung các loại thuốc bổ mỗi ngày.

3. Phác đồ dưỡng sinh "Mười có, bốn không"

Đây là chế độ chăm sóc sức khỏe riêng của vua Càn Long.

"Mười có" bao gồm:

· Răng gõ

Môi phải mím nhẹ, răng trên và dưới gõ vào nhau phát ra âm thanh. Mỗi ngày không dưới 2 lần, mỗi lần khoảng 100 lần. Kiên trì thực hiện có thể tăng cường lưu thông máu của nướu, giúp răng chắc khỏe và thúc đẩy quá trình tiết nước bọt.

· Nuốt nước bọt

Nước bọt có chức năng khử trùng và tiêu hóa mạnh. Nuốt nước bọt giúp trung hòa axit dịch vị, bảo vệ niêm mạc dạ dày, thúc đẩy quá trình tiêu hóa thức ăn.

· Kéo vuốt tai

Thường xuyên dùng ngón tay búng hoặc xoa bóp tay có thể ngăn ngừa tắc động mạch tai và xơ cứng động mạch não, chống ù, điếc tai, giúp thông khí huyết, cải thiện chức năng của nội tạng.

· Xoa bóp mũi

Thường xuyên dùng ngón tay giữa xoa hai bên cánh mũi, từ trên xuống dưới rồi ngược lại dọc theo sống mũi, lặp đi lặp lại cả chục lần, ít nhất hai lần một ngày. Tuân thủ thường xuyên có thể ngăn ngừa các bệnh cảm cúm, viêm mũi, viêm xoang, chảy máu cam….

· Xoay chuyển mắt

Di chuyển mắt lên, xuống, trái và phải, có thể cải thiện lưu thông máu xung quanh nhãn cầu, tăng cường chức năng của dây thần kinh thị giác và cơ mắt, loại bỏ mệt mỏi thị giác.

· Xoa mặt

Xoa tay thường xuyên rồi xoa lên mặt, lặp lại hơn 10 lần để da mặt ấm. Nó thúc đẩy tuần hoàn máu, giảm nếp nhăn, điều chỉnh huyết áp và loại bỏ sự mệt mỏi của não bộ.

· Xoa chân

Dùng lòng bàn tay ấn và xoa vào lòng bàn chân nóng lên, giúp làm ấm kinh lạc thận, xoa dịu gan và cải thiện thị lực, hạ huyết áp… Ngoài ra còn bổ thận tráng dương.

· Xoa bụng

Trước khi đi ngủ xoa hai bàn tay vào nhau, dùng tay trái ấn vào tay phải rồi ấn vào rốn, xoa theo chiều kim đồng hồ, mở rộng ra toàn bộ vùng bụng. Như vậy giúp thúc đẩy quá trình phục hồi các bệnh nội tạng, giúp tiêu hóa và hấp thu tốt, phòng ngừa các bệnh dạ dày.

· Co duỗi tứ chi

Co duỗi tứ chi giúp thúc đẩy vi tuần hoàn, làm cho chân tay thư thái, các khớp xương linh hoạt.

· Siết hậu môn

Thường xuyên siết cơ vòng hậu môn một cách có ý thức giúp thúc đẩy tuần hoàn máu quanh bụng, bổ sung sức sống cho đường ruột, phòng ngừa đáng kể bệnh trĩ, táo bón, đại tiện không tự chủ và tăng sản tuyến tiền liệt.

Tiểu sử vua Càn Long: 4 bí quyết trường sinh "kỳ lạ" - Ảnh 5.

Vua Càn Long rất chú trọng đến việc hít thở và tập luyện khí công. Hình ảnh: Kknews

"Bốn không" bao gồm:

· Không nói chuyện khi ăn

· Không nói chuyện khi nằm

· Không say khi uống

· Không sa đà vào sắc dục

4. Dưỡng tâm

Bí quyết trường thọ của Càn Long là ông rất chú trọng đến việc "dưỡng tâm" bao gồm các hoạt động như đọc thơ và làm thơ, thư pháp, chơi nhạc khí, đánh cờ hay thưởng trà. Hoàng đế Càn Long tổng cộng có hơn 40.000 bài thơ và bài văn.

Tiểu sử vua Càn Long: 4 bí quyết trường sinh "kỳ lạ" - Ảnh 6.

Bài thơ nổi tiếng của vua Càn Long mà người dân Trung Quốc ai cũng thuộc làu làu. Hình ảnh: Trainghiemsong.vn

3 bí ẩn mà khoa học chưa thể giải đáp về lăng mộ Càn Long đế

Hoàng đế Càn Long cho khởi công xây cất Dụ lăng làm nơi an nghỉ ngàn thu của mình từ năm Càn Long thứ 8 (1743) tới năm Càn Long thứ 17 (1752) thì hoàn công. Trong địa cung chôn cất 6 người, ngoài Càn Long Đế còn có Hiếu Hiền Thuần Hoàng hậu và Hiếu Nghi Thuần Hoàng hậu, cùng 3 vị Triết Mẫn, Tuệ Hiền và Thục Gia Hoàng quý phi.

1. Chiếc quan tài tự "di chuyển"

Năm 1928, đám quân phiệt Tôn Điện Anh tiến hành đào bới Dụ Lăng của Càn Long bằng một lượng thuốc nổ có sức công phá lớn.

Điều vô cùng kinh ngạc và sợ hãi là trong địa cung có đến 05 chiếc quan tài đều đặt ngay ngắn kiên cố trên thạch sàng (giường đá), chỉ duy nhất 1 chiếc quan tài "di chuyển" từ thạch sàng chắn ngang cửa đá. Điều này khiến cho mọi người không thể giải thích bởi vì 4 góc của quan tài đều được tán đinh móc chặt vào đá long sơn nặng đến hàng trăm cân.

Tiểu sử vua Càn Long: 4 bí quyết trường sinh "kỳ lạ" - Ảnh 7.

Lối vào Thanh Dụ lăng. Hình ảnh: Soha

Năm 1975 khi cục văn vật quốc gia Trung Quốc bắt đầu tiến hành khai quật Dụ lăng bằng cách mở đỉnh lăng, và điều kinh ngạc tột độ là chiếc quan tài đó lại "tự di chuyển" từ giường đá xuống chặn ngang cửa giống như 60 năm về trước.

2. Thi thể của Lệnh phi không bị thối rữa

Lệnh nghi hoàng quý phi (sau được truy phong là Hiếu Nghi hoàng hậu) mẹ đẻ của hoàng đế Gia Khánh mất năm 49 tuổi. Sau 153 năm thi thể của bà vẫn nguyên vẹn không thối rữa, mặt mũi vẫn còn nhìn rõ nếp nhăn trong khi thi thể của các phi tần khác đều đã thối rữa.

3. Lời nguyền chết chóc của thanh kiếm trong mộ Càn Long

Cửu long bảo kiếm chính là một vật phẩm được coi là cổ vật đáng sợ trong lăng mộ của Càn Long. Về lịch sử của thanh bảo kiếm này, cho đến nay vẫn không có ai biết được nguồn gốc của nó. Người ta chỉ biết rằng đây là một vũ khí rất đáng sợ, những ai mà tiếp xúc với nó gần như đều có kết cục bi thảm, không có trường hợp nào ngoại lệ.

Tiểu sử vua Càn Long: 4 bí quyết trường sinh "kỳ lạ" - Ảnh 8.

Thanh bảo kiếm trong lăng mộ vua Càn Long. Hình ảnh: Kknews

Với tư duy đường lối cai trị đất nước tuyệt vời, luôn luôn tiếp thu cái mới đặc biệt là khoa học phương Tây cùng với những giai thoại hậu cung phi tần và những bí ẩn xoay quanh mình, vua Càn Long xứng đáng là một trong những vị đại đế vĩ đại nhất lịch sử Trung Hoa.


Diệu Thúy (Theo Tổ Quốc)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem