Tìm cách đo lường dấu chân carbon của sản phẩm cá tra, dấu chân carbon là gì?
Tìm cách đo lường dấu chân carbon của sản phẩm cá tra, dấu chân carbon là gì?
K.Nguyên
Thứ ba, ngày 19/11/2024 06:01 AM (GMT+7)
Đó là một trong những mục tiêu của ngành hàng cá tra năm 2025 để giúp doanh nghiệp xác định được các điểm phát thải và đưa ra các giải pháp giảm phát thải hiệu quả.
Báo cáo tại Hội nghị tổng kết ngành hàng cá tra năm 2024 và bàn giải pháp triển khai nhiệm vụ năm 2025 do Bộ Nông nghiệp và PTNT phối hợp với UBND tỉnh Đồng Tháp tổ chức mới đây, đại diện Cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và PTNT) cho biết, năm 2024 ngành hàng cá tra phải đối mặt với không ít khó khăn và thách thức như giá cả một số hàng hóa, vật tư đầu vào phục vụ phát triển thủy sản vẫn còn ở mức cao. Xung đột chính trị khiến chi phí logistic tăng; cùng với sự cạnh tranh từ một số quốc gia đang chiếm thị phần tại thị trường Hồi giáo; sự tự chủ trong cung cấp thực phẩm có nguồn gốc từ cá tra tại các quốc gia láng giềng khiến nhu cầu tiêu dùng chững lại tại nhiều quốc gia nhập khẩu. Tuy vậy, ngành hàng cá tra vẫn đạt được những kết quả khả quan.
Theo báo cáo từ Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), kim ngạch xuất khẩu cá tra tính đến 15/10/2024 đạt 1,56 tỷ USD, tăng 8,9% so với cùng kỳ năm 2023. Tổng diện tích thả nuôi cá tra phát sinh trong năm 2024 ước đạt 5.370 ha (bằng 95% so với cùng kỳ năm 2023).
Tổng sản lượng cá tra thu hoạch trong năm 2024 ước đạt 1,67 triệu tấn, bằng 99% so với cùng kỳ năm 2023. Giá thu mua cá tra nguyên liệu trong 11 tháng đầu năm 2024 luôn duy trì ở mức 26.000-27.000 đồng/kg.
Cả nước có 1.920 cơ sở sản xuất, ương dưỡng giống cá tra, trong đó có 2 cơ sở sản xuất, ương dưỡng giống bố mẹ; 76 cơ sở sản xuất giống và 1.842 cơ sở ương dưỡng cá tra bột lên cá giống. Công suất sản xuất cá bố mẹ đạt trên 30.000 con/năm, đáp ứng nhu cầu cho sản xuất giống. Trong năm 2024, ngành thủy sản đã kiểm tra duy trì điều kiện sản xuất cho 38/61 cơ sở sản xuất giống và 81/97 cơ sở ương dưỡng giống.
Tính đến hết tháng 9 năm 2024, có tổng số 1.129 giấy chứng nhận VietGAP thủy sản đã được cấp với diện tích nuôi 10.419 ha tại 62 tỉnh, thành phố trên cả nước. Trong đó, cá tra chiếm 32,3% về số giấy chứng nhận và 31,9% về diện tích được chứng nhận.
Theo ông Trần Đình Luân, Cục trưởng Cục Thủy sản (Bộ NNPTNT), dù đạt được nhiều kết quả nhưng sản phẩm giá trị gia tăng trong ngành hàng cá tra còn chiếm tỷ trọng nhỏ, chủ yếu vẫn là sản phẩm đông lạnh.
Hơn nữa, việc phụ thuộc vào một số thị trường xuất khẩu lớn như Mỹ, Trung Quốc và một số quốc gia trong khối ASEAN khiến ngành hàng cá tra có thể gặp bất lợi nếu các thị trường này có thay đổi về chính sách hoặc yêu cầu khắt khe hơn về chất lượng, an toàn thực phẩm. Còn thiếu sự phối hợp và cạnh tranh quá mức giữa các nhà chế biến, xuất khẩu Việt Nam cùng với chất lượng chưa đồng đều đã ảnh hưởng đến uy tín và thương hiệu sản phẩm cá tra Việt Nam.
Tỷ lệ cơ sở ương dưỡng giống cá tra được kiểm tra, cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện còn thấp (chiếm 5.3%); chi phí sản xuất cá tra nguyên liệu ngày càng tăng do giá nguyên liệu đầu vào như thức ăn, nhiên liệu, chi phí cho lao động cao.
Hướng đến mục tiêu giảm phát thải
Năm 2025, ngành hàng cá tra đặt mục tiêu sản lượng cá tra nuôi đạt 1,65 triệu tấn, giá trị kim ngạch xuất khẩu đạt 2 tỷ USD; chủ động sản xuất, cung ứng được trên 70% nhu cầu cá tra bố mẹ chọn giống; xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ, đảm bảo đầu ra ổn định cho trên 30% sản lượng sản phẩm nuôi trồng thủy sản; khuyến khích mở rộng diện tích nuôi theo các tiêu chuẩn để tạo sản phẩm chất lượng cao, đảm bảo an toàn thực phẩm, phù hợp với nhu cầu, yêu cầu thị trường tiêu thụ.
Để đạt được mục tiêu này, ông Trần Đình Luân cho biết, ngành thủy sản tiếp tục các chương trình chọn lọc, nâng cao chất lượng giống cá tra, đặc biệt đối với các tính trạng về chịu mặn, kháng bệnh nhằm cung cấp con giống khỏe mạnh, thích nghi với điều kiện khí hậu thay đổi và cải thiện khả năng chống lại bệnh tật.
Quan tâm nghiên cứu và từng bước thay thế bột cá, dầu cá trong sản xuất thức ăn bằng nhiều loại nguyên liệu thức ăn thay thế có nguồn gốc thực vật, côn trùng, vi tảo, protein vi sinh vật, rong biển có tiềm năng trong tương lai, góp phần giảm dần sự phụ thuộc vào bột cá, cá tạp cũng như cân bằng các axit amin thiết yếu và axit béo trong khẩu phần ăn.
Xây dựng thương hiệu cho sản phẩm cá tra Việt Nam thông qua việc cải tiến công nghệ, kiểm soát chất lượng chặt chẽ từ nuôi trồng đến chế biến và đạt các chứng nhận liên quan đến an toàn thực phẩm, khí nhà kính, an toàn môi trường, tôn giáo (Halal), giúp đảm bảo chất lượng sản phẩm đồng đều, gia tăng giá trị của ngành hàng cá tra.
Nhằm phát triển ngành hàng cá tra bền vững, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Phùng Đức Tiến đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nuôi cá tra tiếp tục quản lý tốt điều kiện nuôi, điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm đối với cơ sở nuôi cá tra thương phẩm, không để xảy ra tình trạng người dân tự ý mua thuốc, hóa chất trên mạng không rõ nguồn gốc, thuốc trị bệnh cho người, gia súc, gia cầm để sử dụng cho thủy sản nuôi.
Các viện nghiên cứu, trường đại học tiếp tục nghiên cứu, nâng cao chất lượng di truyền giống cá tra và phát tán đàn cá tra bố mẹ chọn giống cho các cơ sở sản xuất giống.
Hiệp hội Cá tra Việt Nam, Hiệp hội VASEP chủ động tìm kiếm nguồn lực từ các bên có liên quan để thực hiện nghiên cứu về thị trường tiêu thụ cá tra, thói quen ăn uống của người tiêu dùng, xu hướng tiêu thụ thủy sản và cung cấp cho hội viên để hỗ trợ doanh nghiệp xác định hướng phát triển sản phẩm, tìm kiếm các cơ hội xuất khẩu, cải thiện chất lượng sản phẩm.
Cân nhắc, từng bước thực hiện các biện pháp đo lường dấu chân carbon của sản phẩm cá tra, xác định lượng khí CO2 thải ra trong suốt quá trình sản xuất, chế biến và phân phối. Việc này giúp doanh nghiệp xác định được các điểm phát thải và đưa ra các giải pháp giảm phát thải hiệu quả.
"Bên cạnh các thị trường truyền thống như Mỹ, EU, Trung Quốc, doanh nghiệp cần tìm kiếm và phát triển các thị trường mới tiềm năng như Trung Đông, Đông Âu, và Nam Mỹ. Các sản phẩm cá tra có thể được xuất khẩu vào thị trường Hồi giáo nếu đáp ứng được yêu cầu chứng nhận Halal. Do đó, việc phát triển các sản phẩm Halal sẽ giúp gia tăng thị phần tại các quốc gia Trung Đông, Bắc Phi và Đông Nam Á", Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh.
Carbon footprint (dấu chân carbon) là tổng lượng mức độ của khí thải nhà kính xuất phát từ quá trình sản xuất, sử dụng các sản phẩm công nghiệp hoặc dịch vụ của con người và cũng là vòng đời cuối cùng của một sản phẩm hoặc dịch vụ đó.
Mỗi người và mọi tổ chức, doanh nghiệp đều có dấu chân carbon và điều mà các nhà sản xuất hay chủ doanh nghiệp cần quan tâm đó là làm thế nào để không chỉ giảm lượng khí thải nhà kính mà còn tiết kiệm tiền trong thời gian dài.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.