Dự kiến năm 2014 , địa phương sẽ được cấp nhãn hiệu chứng nhận “Mật ong Tiên Yên”.
Để giúp người nuôi ong ổn định đầu ra cho sản phẩm, UBND huyện Tiên Yên (Quảng Ninh) xây dựng Dự án Tạo lập, quản lý và phát triển nhãn hiệu chứng nhận mật ong Tiên Yên.
Ông Phạm Văn Mạnh ở thôn Tài Tùng, xã Yên Than (Tiên Yên) đã nuôi ong từ 10 năm nay cho biết: “Nuôi ong nếu biết cách thì rất đơn giản, lúc đầu, tôi chỉ vào rừng bắt ong chúa về nuôi chơi, sau đó ong thợ theo về, thế là có mật để ăn. Tuy nhiên, cũng phải biết thời điểm nào lấy được mật, qua nhiều năm, tôi đúc rút được kinh nghiệm là vào các tháng 7, 8, ong làm tổ đẻ con, nếu lấy mật ong sẽ bỏ đi ngay”. Cũng giống như ông Mạnh, nhiều hộ khác ở Tiên Yên ban đầu chỉ lấy ong ở rừng về nuôi lấy mật ăn, nhưng khi có người hỏi mua mật, bán ra tiền nên phong trào nuôi ong ở đây dần hình thành.
Theo thống kê, toàn huyện Tiên Yên hiện có hơn 200 hộ nuôi ong với gần 2.000 đàn, sản lượng mật bình quân khoảng 10 tấn/năm.
Theo ông Lê Văn Hùng ở xã Tiên Lãng, người có hơn 30 năm kinh nghiệm nuôi ong thì muốn lấy được mật ong tốt, phải tính đúng chu kỳ làm mật của ong, tức là khi ong đã làm đầy mật, đậy nắp mới lấy, nếu thu mật non thì chất lượng sẽ kém, không bảo quản được lâu. Có lúc, đàn ong của ông lên tới hơn 40 đàn, nhưng hiện nay do tuổi cao nên ông Hùng chỉ nuôi hơn 10 đàn, mỗi lần thu được gần 200 lít mật.
Ông Vũ Hùng Thắng - Phó Chủ tịch UBND huyện Tiên Yên cho biết, toàn huyện hiện có hơn 35.000ha rừng, gồm cả rừng trồng và rừng tự nhiên, cùng với nhiều diện tích trồng cây ăn quả nên nghề nuôi ong lấy mật có nhiều tiềm năng, thuận lợi để phát triển, góp phần tạo công ăn việc làm cho người dân lúc nông nhàn. Theo thống kê, toàn huyện hiện có hơn 200 hộ nuôi ong với gần 2.000 đàn, tập trung chủ yếu ở các xã Yên Than, Đại Dực, Tiên Lãng, Phong Dụ..., sản lượng mật bình quân khoảng 10 tấn/năm.
Mặc dù có nhiều thuận lợi để phát triển, nhưng nghề nuôi ong ở Tiên Yên cũng đang gặp khó khăn về đầu ra, hầu như hộ nào cũng bị tồn hàng trăm lít mật, đơn cử như gia đình ông Phạm Văn Mạnh, tuy chỉ nuôi hơn 10 đàn ong nhưng trong nhà vẫn còn 200 lít mật chưa bán được. “Lâu nay chúng tôi chỉ biết sản xuất ra mật và chờ thương lái vào thu mua. Do mật ong Tiên Yên được lấy từ hoa rừng nên giá bán khá cao, năm 2012 dao động từ 230.000 - 250.000 đồng/lít, do vậy cũng khó cạnh tranh được với các sản phẩm mật ong giá rẻ”, ông Mạnh nói.
Theo ông Thắng, nghề nuôi ong trên địa bàn hiện vẫn mang tính tự phát, việc tiêu thụ và sản xuất chủ yếu ở dạng tự cung, tự cấp, chất lượng mật không đồng đều. Ngoài ra, do chưa có chai đựng, tem nhãn nên sản phẩm cũng khó tham gia rộng rãi vào thị trường, dẫn đến tình trạng ứ đọng mật từ 3-4 tấn/năm.
Thanh Xuân (Thanh Xuân)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.