Các quan chức cấp cao về tài chính, ngân hàng cũng như giới chuyên gia của 188 nước thành viên sẽ thảo luận những giải pháp khôi phục nền kinh tế toàn cầu.
Giám đốc điều hành IMF Christine Lagarde cho biết, IMF muốn tạo ra một nền tảng cho cả các nước thành viên mới nổi và các nước phát triển truyền thống, nhằm tìm ra đường hướng để các bên cùng có lợi và tạo ra các điều kiện lành mạnh cho tăng trưởng kinh tế trong tương lai.
Theo bà, thế giới hiện vẫn đang đối mặt với nhiều thách thức và để tiến về phía trước cần phải vượt qua khủng hoảng, khôi phục tăng trưởng, cần có một hệ thống tài chính tốt hơn thông qua cải cách. Bà cho rằng tăng trưởng là cần thiết cho kinh tế toàn cầu trong tương lai, nhưng phải là tăng trưởng chất lượng và toàn diện.
|
Giám đốc điều hành IMF Christine Lagarde cảnh báo suy giảm kinh tế thế giới đang lan rộng. |
Bà Lagarde cũng cảnh báo về việc suy giảm kinh tế đang lan rộng từ các nước công nghiệp phát triển sang các nước có nền kinh tế mới nổi. Chủ tịch WB Jim Yong Kim cũng bày tỏ quan ngại về những tác động to lớn đối với nền kinh tế của các nước đang phát triển do sự suy giảm kinh tế ở các nước phát triển. Theo ông Kim, cuộc sống của người dân ở các nước đang phát triển vốn thiếu nguồn lực và cơ chế tự bảo vệ sẽ ngày càng không ổn định khi các yếu tố bất ổn của nền kinh tế lan rộng.
Ông Jim Yong Kim nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xây dựng kế hoạch dài hạn cho một nền nông nghiệp bền vững và cho rằng giá lương thực tăng cao như hiện nay đang đẩy các gia đình nghèo khó vào sự lựa chọn khó khăn giữa thực phẩm và học hành cho trẻ em.
Chủ tịch WB Jim Yong Kim cũng đã có bài phát biểu trước các cổ đông, bày tỏ ý chí và quyết tâm của ông trong công cuộc loại bỏ tình trạng nghèo đói bằng cách đưa định chế này trở thành một ngân hàng giải pháp, bất chấp những thách thức to lớn đối với nền kinh tế toàn cầu, thông qua việc hợp tác chặt chẽ với tất cả các đối tác. Ông cho rằng bất ổn kinh tế và tài chính hiện nay ở châu Âu tiếp tục đe dọa tăng trưởng và việc làm ở các nước đang phát triển, giá lương thực tăng đang tạo sức ép cho ngân sách của những nước nghèo.
Trước đó, trong báo cáo mới nhất của mình, IMF đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2012 xuống còn 3,3% (giảm 0,2%) do sự phục hồi yếu kém hơn dự kiến.
Quang Minh (tổng hợp)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.