Tìm HLV trưởng hay cuộc "nội chiến" VFF?

Thứ sáu, ngày 11/01/2013 10:40 AM (GMT+7)
Tháng 6 tới, Đại hội VFF nhiệm kỳ VII sẽ diễn ra. Và cuộc chọn thầy cho tuyển lần này có vẻ như thành một cuộc chiến để những ứng cử viên sáng giá của đại hội hoặc là ghi điểm, hoặc là hạ điểm đối phương.
Bình luận 0

Cuộc chọn thầy của VFF lần này giống như một vở kịch có nhiều lớp lang, nhiều nút thắt và cả cách gỡ nút thắt không giống ai. 

img
Việc ông Hùng từ chức đã mở đầu cho một cuộc tìm thầy mỏi mệt của bóng đá Việt.

Màn 1: Kiên quyết không sa thải HLV Phan Thanh Hùng, vì nếu sa thải thì ai còn dám ngồi lên ghế nữa (lời Chủ tịch VFF Nguyễn Trọng Hỷ sau khi tuyển Việt Nam thất bại tại AFF Cup 2012). Nhưng trong cuộc "mổ xẻ" đội tuyển và "mổ xẻ" cả ông Hùng thì người ta lại hướng về phía ông những lời nói rất nặng, rồi sau đó dễ dàng để ông Hùng ra đi.

Màn 2: Ngay sau khi ông Hùng đi, một nhân vật quyền lực lại bảo "giờ đừng nói tới thầy nội, mà chỉ nói tới thầy giỏi nhất. Bất luận nội - ngoại thế nào, cứ giỏi nhất là OK". Nhưng rồi chỉ vài ngày sau, một nhân vật quyền lực khác lại bảo "phải kiên quyết thầy nội" vì một mặt nó là "ý chỉ" từ trên xuống, một mặt nó phù hợp với xu thế của sự phát triển.

Người ta còn nói rõ, phải ký hợp đồng lâu dài với thầy nội, chứ không thể ký hợp đồng theo kiểu… tạm quyền, làm 2, 3 trận rồi thôi.

Màn 3: Công cuộc lùng sục, thương thuyết một thầy nội dám nhận đội tuyển lập tức được vạch ra, và thầy nội nhanh chóng được "dựng lên". Nhưng người "dựng" HLV Hoàng Anh Tuấn không ngờ rằng gần như tức thời lại có người đồng cấp với mình công khai hoài nghi ông Tuấn, và đến lúc này thì chính vị HLV người Khánh Hòa cũng phải… tự ái mà rút lui.

img
Vị HLV người Khánh Hòa rút lui.

Màn 4: Tất cả cùng ngồi lại với nhau trong một cuộc họp với hy vọng giải quyết cặn kẽ mọi bất đồng, nhưng rốt cuộc thì trong cuộc họp chỉ thấy "bất" chứ không thấy "đồng". Và thế là một giải pháp tạm thời được đưa ra: Lại chọn thầy nội làm tạm quyền dẫn dắt đội tuyển 2, 3 trận rồi về sau tính tiếp - cái giải pháp quay về đúng vạch xuất phát ban đầu.

Tại sao một cuộc chọn thầy lại diễn ra như một mớ bung xung, bùng nhùng, quanh đi quẩn lại khiến cả người trong cuộc lẫn ngoài cuộc đều thấy khó chịu, mệt mỏi như vậy nhỉ?

Tại vì thầy giỏi bây giờ hiếm quá, thầy nội giỏi càng hiếm? Hay tại vì những thầy giỏi (nếu có) đều không đủ dũng cảm để ngồi lên một cái ghế mà chắc chắn mình phải chịu rất nhiều áp lực?

Lại nhớ tháng 6 tới, Đại hội VFF nhiệm kỳ VII diễn ra, và cuộc chọn thầy lần này dường như trở thành một cơ hội - một cuộc chiến để những ứng cử viên sáng giá của Đại hội hoặc là ghi điểm, hoặc là hạ điểm đối phương (?!)

Nếu đúng thế thì ngay cả khi có thầy rồi, những vở kịch phía sau chuyện chọn thầy và "dựng thầy lên ghế" vẫn chưa kết lại. Bây giờ mới là tháng 1. Còn tháng 2, tháng 3, tháng 4, tháng 5 nữa.., để kịch lên tới cao trào!

Theo bạn, nên gọi đấy là chính kịch, hài kịch hay… bi hài kịch?

Theo Công an Nhân dân
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem