Tìm mọi nguồn lực xây dựng hạ tầng giao thông

Trần Cửu Long Thứ năm, ngày 08/11/2018 17:15 PM (GMT+7)
Đại hội Đảng bộ tỉnh Long An lần thứ X (nhiệm kỳ 2015-2020) xác định “Huy động mọi nguồn lực xây dựng hệ thống hạ tầng giao thông phục vụ phát triển công nghiệp vùng kinh tế trọng điểm” là 1 trong 2 chương trình đột phá.
Bình luận 0

Chủ tịch UBND tỉnh Long An Trần Văn Cần cho biết, tỉnh tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông hoàn chỉnh, đồng bộ để phục vụ phát triển công nghiệp. Trọng tâm là triển khai thực hiện Chương trình đột phá Huy động mọi nguồn lực xây dựng hệ thống hạ tầng giao thông phục vụ phát triển công nghiệp vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh.

img

Tỉnh lộ 830 hoàn thành đã tạo sự liên kết giao thông giữa Long An và TP.HCM.

Kết nối giao thông

Hiện, trên địa bàn tỉnh Long An, về đường bộ, có các tuyến Quốc lộ 1, Quốc lộ N2, Quốc lộ 50, cao tốc TP.HCM-Trung Lương, cao tốc Bến Lức-Long Thành đi qua. Trong tương lai gần, sẽ có đường Vành đai 3, Vành đai 4 TP.HCM cũng như đường sắt Sài Gòn-Trung Lương. Về đường thủy, có hệ thống sông Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây gắn với Cảng Quốc tế Long An trên cửa sông Soài Rạp đã đi vào hoạt động.

 Các tuyến đường thủy bộ này được xem là lợi thế quan trọng của tỉnh. Có thể thấy, tỉnh Long An đang huy động và sử dụng có hiệu quả nguồn lực từ các thành phần kinh tế, cùng với ngân sách Nhà nước để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, góp phần thực hiện thành công các mục tiêu đẩy mạnh công nghiệp hóa trong thời gian tới.

Theo đó, tỉnh Long An đang đầu tư, kêu gọi đầu tư các tuyến giao thông huyết mạch kết nối các khu, cụm công nghiệp với nhau, kết nối với TP.HCM, cảng Long An, tạo điều kiện đẩy mạnh thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp ở vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh, nhất là tại các huyện: Cần Đước, Cần Giuộc, Bến Lức, Đức Hòa và TP.Tân An. Bên cạnh đó, tỉnh tập trung mọi nguồn lực triển khai 3 công trình trọng điểm theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X, là: Đường tỉnh 830, Đường Vành đai TP.Tân An và Trục hạ tầng giao thông đô thị kết nối Long An-Tiền Giang-TP.HCM.

Tổng nhu cầu vốn để thực hiện 14 công trình của chương trình đột phá về giao thông giai đoạn 2016-2020 là 3.725 tỉ đồng (không kể 3 công trình trọng điểm của Đại hội X và công trình đường Tân Tập-Long Hậu với tổng nhu cầu vốn 4.985 tỉ đồng). Trong đó, chi ngân sách tỉnh cân đối để thực hiện chiếm 27%, ngân sách Trung ương hỗ trợ 48%; vốn huy động từ các doanh nghiệp tham gia đóng góp chiếm 25%.

Theo Phó Bí thư thường trực Huyện ủy Cần Giuộc Trần Thanh Phong, việc xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông rất quan trọng để đạt mục tiêu đến năm 2020 Cần Giuộc trở thành huyện công nghiệp. Vì vậy, huyện tiếp tục phối hợp các sở, ngành tỉnh triển khai thi công các công trình trọng điểm, như: Đường Tân Tập-Long Hậu, Đức Hòa-Tân Tập, Tân Kim-Long Hậu. Đồng thời, kết nối ĐT 835 với ĐT 826C, xây mới cầu Ông Chuồng,... từ đó, tạo thành hệ thống giao thông kết nối các khu, cụm công nghiệp, cảng Long An với TP.HCM và khu vực.

“Làm mới” toàn diện

img

Các đơn vị thi công đang mở rộng, nâng cấp đường tránh TP.Tân An (Long An).

Tại Đại hội Đảng bộ tỉnh Long An lần thứ X, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Phạm Văn Rạnh cho rằng, cùng với việc đẩy mạnh cải cách hành chính, thực hiện cơ chế "tập trung đầu mối", "liên thông" giữa các ngành và địa phương liên quan, Long An cần hoàn thiện kênh cung cấp thông tin cho các nhà đầu tư, nhất là thông tin về môi trường, chính sách đầu tư, trình tự, thủ tục đầu tư,... nhằm tạo môi trường đầu tư thông thoáng, minh bạch, góp phần nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh.

Đặc biệt, tỉnh cũng tập trung rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch hệ thống giao thông đường bộ, đường thủy và các quy hoạch phát triển công nghiệp, thương mại, dịch vụ trên cơ sở bám sát Quy hoạch tổng thể phát triển KT-XH tỉnh đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030. Đồng thời, tỉnh sẽ phối hợp TP.HCM đẩy nhanh tiến độ triển khai các công trình giao thông quan trọng, như: Cầu Rạch Dơi, cầu Thầy Cai, ĐT 823,... nhằm nâng cao tính tiện ích các công trình giao thông đối với các doanh nghiệp trên địa bàn 2 địa phương.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An Nguyễn Văn Được, thời gian qua kết cấu hạ tầng giao thông của tỉnh được quan tâm đầu tư từng bước hiện đại và đồng bộ, nhất là kết cấu hạ tầng giao thông tại các huyện vùng kinh tế trọng điểm phục vụ phát triển công nghiệp. Hiện, các tuyến đường giao thông kết nối với TP.HCM đang được triển khai.

Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem