Tìm thấy chất độc bí ẩn giấu bên trong bức họa nàng Mona Lisa

Thứ ba, ngày 17/10/2023 15:23 PM (GMT+7)
Phát hiện là minh chứng cho khả năng sáng tạo không ngừng nghỉ của Leonardo da Vinci khi ông thậm chí không ngại dùng chất độc để nâng cao giá trị cho tác phẩm của mình.
Bình luận 0
Tìm thấy chất độc bí ẩn giấu bên trong bức họa nàng Mona Lisa - Ảnh 1.

Bức họa nàng Mona Lisa được vẽ từ thế kỷ 16, nhưng vẫn còn ẩn chứa nhiều bất ngờ cho đến tận ngày nay (Ảnh: Le Rocca).

Leonardo da Vinci từ lâu đã được ca ngợi là thiên tài vì không chỉ vẽ đẹp, ông còn thường xuyên sáng tạo ra những phương pháp và chất liệu vẽ hoàn toàn mới trong tác phẩm của mình.

Mới đây, các nhà khoa học đến từ Pháp lại được một phen ngỡ ngàng khi họ tìm thấy hợp chất bí ẩn được giấu bên trong kiệt tác nàng Mona Lisa của Leonardo da Vinci.

Hợp chất bí ẩn được tìm thấy có tên là plumbonacrite (Công thức hóa học: Pb5(CO3)3O(OH)2). Chúng thường được biết đến dưới một dạng một chất độc chì.

Nhiều khả năng, plumbonacrite được hình thành khi dầu vẽ và chì oxit (PbO) phản ứng với nhau. Đây có thể là điều nằm trong dự tính của Leonardo da Vinci, khi ông chủ động điều chế để sử dụng nó như một lớp sơn phủ lên bức họa.

Dẫu vậy, hợp chất bí ẩn này lại không được Leonardo da Vinci nhắc đến trong những ghi chép. Đây là một điều kỳ lạ, vì danh họa người Ý vốn dĩ nổi tiếng là người rất tỉ mỉ, và thường ghi chép đầy đủ những thử nghiệm của mình.

Tìm thấy chất độc bí ẩn giấu bên trong bức họa nàng Mona Lisa - Ảnh 2.

Chất độc plumbonacrite được giấu bên trong bức họa nàng Mona Lisa (Ảnh: Journal of the American Chemical Society).

Các nhà nghiên cứu cho rằng oxit chì được danh họa đun nóng và hòa tan trong dầu hạt, nhằm tạo ra một hỗn hợp đặc hơn và khô nhanh hơn so với các loại sơn dầu truyền thống.

Hợp chất liên quan đến chì oxit cũng được đề cập trong những trang ông viết về phương pháp chữa trị bệnh da và tóc.

Điều thú vị là plumbonacrite cũng đã được phát hiện trong bức tranh "The Night Watch" của Rembrandt, một danh họa người Hà Lan, vào năm 1642 - gần một thế kỷ rưỡi sau bức tranh Mona Lisa.

Điều đó cho thấy bậc thầy người Hà Lan đã sử dụng kỹ thuật tương tự như da Vinci, bất chấp việc plumbonacrite được xem là có độc tính cao.

Theo Science Alert, phát hiện trên là minh chứng cho khả năng sáng tạo không ngừng nghỉ của Leonardo da Vinci, người không chỉ là danh họa mà còn nổi tiếng trong nhiều lĩnh vực khác, với những phát minh hoặc ý tưởng đột phá làm thay đổi nhân loại.

Nghiên cứu này đã được công bố trên tạp chí Journal of the American Chemical Society.

Minh Khôi (dantri.com.vn)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem