Giữa khuya, chia sẻ của doanh nhân Nguyễn Thị Thành Thực trên mạng xã hội FB vẫn thu hút được rất nhiều người like, chia sẻ. Thực sự, đó là những lời trách, nhẹ nhàng nhưng vô cùng đáng để suy nghĩ:
“Dân gian ta có câu " Đẹp đẽ phô ra - xấu xa đậy lại" . Nhưng trong cơn bão thanh long ( vẫn chưa qua) , có sự góp gió không nhỏ của truyền thông.
Thanh long trồng bên Trung Quốc theo quy trình kỹ thuật bài bản. Ảnh: Thành Thực.
Các bạn hàng bên kia biên giới ngày ngày buồn bã hỏi mình " Tại sao báo và ti vi Việt Nam ngày nào cũng cứ nói thanh long đổ cho bò ăn... bây giờ không ai bán được hàng, các kho lạnh đầy hết hàng, vườn hết rồi nhưng hàng trong kho không bán được, rồi cũng đổ đi hết ... "
Vì ai cũng không dám mua nữa, sợ bị mua hớ , giá còn rẻ nữa ... Và rất nhiều xe chở hàng giá cước cả trăm triệu ... nhưng chủ hàng bỏ luôn , nhà xe đem đi đâu ? mất cả chì lẫn chài ... Thực trạng ngành Thanh long sẽ đi về đâu chưa có báo cáo phù hợp , đúng thực tế.
Thanh long trắng - xu hướng thị trường không ưa chuộng , tuy nhiên vỏ dày, cứng , người buôn an toàn hơn trong việc bảo quản, vận chuyển. Thanh long ruột đỏ đang được ưa chuộng , vỏ mỏng, mềm lại chủ yếu ở miền tây nhiều nước, vỏ trái mỏng, yếu , mùa mưa bệnh nhiều, dễ hư hỏng.
Hiện, thị trường Trung Quốc chỉ phát triển thanh long ruột đỏ và vỏ vàng , xu hướng trồng hữu cơ , kỹ thuật canh tác khác hẳn Việt Nam , chi phí đầu tư thấp hơn, cây ít bệnh hơn, năng suất cao, chịu lạnh tới 0 độ, vỏ dày và dai hơn... giá thành sản xuất rẻ hơn Việt Nam và chi phí vận chuyển, trung gian thấp hơn 5.000-7.000 đồng/kg so với mua từ Việt Nam.
Sản lượng thanh long Trung Quốc sẽ vượt Việt Nam hiện tại trong khoảng 3 -5 năm tới. Vì vậy, rất nhiều thông tin cần thiết về công nghệ, kỹ thuật, thị trường, đối tác, các khoản chi phí ảnh hưởng đến hiệu quả kinh tế của ngành thanh long nói riêng và nông sản Việt Nam nói chung , rất cần báo chí truyền thông phản ánh. Hãy giảm bớt và có thể dừng ngay việc đưa tin kiểu "giật gân - giải cứu", lợi bất cập hại”.
Thanh long được bao trái để đảm bảo chất lượng. Ảnh: Thành Thực.
Được biết, đây không phải là lần đầu tiên truyền thông “lên đồng” vì những cuộc giải cứu nông sản, trước đó là nhiều loại sản phẩm khác đã điêu đứng chỉ sau một con chữ lạnh lùng, “giá giảm phải đổ bỏ”. Thì cũng đúng là nơi này, nơi kia có hiện tượng đó, nhưng phần lớn đó là loại kém chất lượng, không đạt tiêu chuẩn xuất khẩu, còn hàng chất lượng giá vẫn ổn và giao thương bình thường.
Trở lại với thanh long, theo Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường, ngay sau khi xuất hiện một số tin đồn trên báo, lãnh đạo Bộ NNPTNT đã yêu cầu Cục Bảo vệ thực vật lên xác minh tại các cửa khẩu phía Bắc. Ghi nhận tại các cửa khẩu cho thấy, mọi hoạt động giao thương, xuất khẩu thanh long giữa hai bên vẫn diễn ra bình thường.
Và được đo độ đường. Ảnh: Thành Thực.
Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, đúng là Trung Quốc đang có ý định mở rộng diện tích trồng thanh long, chủ yếu ở đảo Hải Nam và tỉnh Quảng Tây, hiện đã đạt 20.000 ha. Nhưng chúng ta không quá lo ngại về điều này.
Trong giai đoạn hội nhập, thế giới không cấm được điều gì, nhưng chúng ta phải sản xuất theo những lợi thế thiên nhiên ban tặng. Rõ ràng, Trung Quốc không thể có cái nắng đặc trưng của Bình Thuận, không có cát giúp thanh long ngọt hơn. Trong khi chúng ta đang có những điều kiện trời ban đó.
"Nhưng có một điều phải thay đổi, đó là phải thay đổi phương thức quản trị, riêng tỉnh Bình Thuận có 27.000ha thanh long mà chưa có nhà máy chế biến là không được. Phải có nhà máy chế biến để nâng cao giá trị gia tăng. Đồng thời, phải đẩy mạnh xúc tiến thương mại để mở rộng thị trường, "không để trứng vào một giỏ". Ngoài ra, phải đẩy mạnh xuất khẩu chính ngạch đàng hoàng, hạn chế và dần dần xóa bỏ xuất khẩu tiểu ngạch", Bộ trưởng Cường nói.
Qua sự việc này có thể thấy, đã đến lúc nông dân, các địa phương, ngành chức năng cùng vào cuộc thay đổi phương thức sản xuất; và cũng cần có một chế tài hợp lý cho những thông tin gây nhiễu loạn, nhất là cho mặt hàng nông sản, thứ vốn rất nhạy cảm với tin đồn.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.