Tín dụng tăng 2,13%, chưa bằng một nửa so với năm ngoái

Quốc Hải Thứ ba, ngày 16/06/2020 14:29 PM (GMT+7)
Tính đến 16/6, tăng trưởng tín dụng của ngành ngân hàng đã tăng 2,13% so với đầu năm, nhưng con số này vẫn giảm hơn một nửa so với cùng kỳ năm 2019.
Bình luận 0

Thông tin trên được Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng, đưa ra tại buổi họp báo thông tin hoạt động ngân hàng 6 tháng đầu năm 2020, diễn ra sáng nay, tại TP.HCM.

Tín dụng tăng 2,13%, nhưng chưa bằng một nửa so với năm ngoái - Ảnh 1.

Bà Nguyễn Thị Hồng, Phó Thống đốc NHNN chia sẻ tại buổi họp báo về tình hình điều hành chính sách tiền tệ 6 tháng đầu năm 2020 (Ảnh: Quốc Hải)

Theo bà Hồng, dưới tác động của dịch Covid-19, do cầu tín dụng tăng thấp nên đến ngày 29/5, tín dụng mới tăng 1,96% so với cuối năm 2019. Còn đến ngày 16/6, tăng trưởng tín dụng ngành ngân hàng (NH) lên mức 2,13% so với đầu năm nay. Nhưng nếu so với cùng kỳ năm 2019, tăng trưởng tín dụng chỉ bằng 1/2 (6 tháng đầu năm 2019 tín dụng ngành NH tăng 5,7%), do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Covid-19 ảnh hưởng mạnh đến tăng trưởng tín dụng

Báo cáo về kết quả điều hành chính sách tiền tệ 5 tháng đầu năm, ông Nguyễn Quốc Hùng, Vụ trưởng Vụ tín dụng các ngành kinh tế (NHNN) cho hay, dù bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, NHNN vẫn điều hành linh hoạt, đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ để ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối, kiểm soát lạm phát, đảm bảo thanh khoản cho nền kinh tế, hỗ trợ tăng trưởng…

Cụ thể, tính đến ngày 29/5, tổng phương tiện thanh toán M2 tăng 3,4% so với cuối năm 2019; thanh khoản của hệ thống tổ chức tín dụng (TCTD) thông suốt.

Trong điều hành lãi suất, từ đầu năm 2020 đến nay, NHNN đã điều chỉnh giảm 2 lần các mức lãi suất điều hành, với tổng mức giảm 1-1,5%/năm để hỗ trợ thanh khoản cho TCTD, tạo điều kiện cho TCTD tiếp cận nguồn vốn chi phí thấp từ NHNN; giảm 0,6-0,75%/năm trần lãi suất tiền gửi các kỳ hạn dưới 6 tháng và giảm 1%/năm trần lãi suất cho vay ngắn hạn đối với các lĩnh vực ưu tiên, hiện ở mức 5,0%/năm, để hỗ trợ giảm chi phí vay vốn của DN và người dân. Nhờ đó, mặt bằng lãi suất thị trường có xu hướng giảm so với đầu năm.

Tín dụng tăng 2,13%, nhưng chưa bằng một nửa so với năm ngoái - Ảnh 2.

ông Nguyễn Quốc Hùng, Vụ trưởng Vụ tín dụng các ngành kinh tế (NHNN) chia sẻ về kết quả điều hành chính sách tiền tệ 6 tháng đầu năm (Ảnh: Quốc Hải)

Về điều hành tỷ giá, mặc dù thị trường quốc tế diễn biến phức tạp, nhưng tỷ giá và thị trường ngoại tệ trong nước ổn định, thanh khoản thông suốt, TCTD mua ròng từ khách hàng, các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp của nền kinh tế được đáp ứng đầy đủ, kịp thời.

Đồng thời, NHNN đã kịp thời ban hành Thông tư 05/2020/TT-NHNN ngày 7/5/2020 để cụ thể hóa Nghị quyết 42/NQ-CP và Quyết định 15/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ trong việc hướng dẫn cho vay tái cấp vốn, lãi suất 0%, số tiền 16.000 tỷ đồng để Ngân hàng Chính sách Xã hội (NHCSXH) cho người sử dụng lao động gặp khó khăn về tài chính vay với lãi suất 0% trả lương cho người lao động bị ngừng việc do ảnh hưởng của dịch.

"Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, của NHNN, hệ thống các TCTD đã tích cực triển khai các chương trình tín dụng hỗ trợ người dân, DN bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 với lãi suất cho vay giảm mạnh từ 0,5 - 2,5%, thậm chí có NHTM còn giảm lãi suất cho vay tới 3-4%/năm. Đặc biệt, sau hơn 2 tháng triển khai quyết liệt, tất cả các TCTD, kể cả công ty tài chính, NH nước ngoài đều vào cuộc mạnh mẽ khiến các chương trình tín dụng hỗ trợ người dân, DN bị ảnh hưởng bởi dịch đều đạt hiệu quả", ông Hùng nói.

Cụ thể, ông Hùng dẫn chứng, tính đến 8/6, các TCTD đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho 249.108 khách hàng với dư nợ 172.365 tỷ đồng, miễn, giảm, hạ lãi suất cho 403.177 khách hàng với dư nợ 1.227.349 tỷ đồng, cho vay mới lãi suất ưu đãi với doanh số lũy kế từ 23/1 đến nay đạt 978.529 tỷ đồng cho 225.514 khách hàng vay lãi suất thấp hơn phổ biến từ 0,5 - 2,5% so với trước dịch.

Tín dụng của NHCSXH cũng tăng để hỗ trợ cho người nghèo. Theo ông Hùng, tính đến hiện tại, NHCSXH đã gia hạn nợ 3.856,2 tỷ đồng cho 152.796 khách hàng, điều chỉnh kỳ hạn trả nợ 1.567,6 tỷ đồng cho 75.209 khách hàng, cho vay mới 826.473 khách hàng với dư nợ 31.149,2 tỷ đồng.

Ngoài ra, toàn hệ thống NH cũng đã tích cực trong việc miễn, giảm phí một số dịch vụ thanh toán để hỗ trợ người dân và DN bị ảnh hưởng do Covid-19. Ước tính, tổng số tiền phí dịch vụ thanh toán mà các NH miễn, giảm cho khách hàng đến hết năm 2020 sau 2 đợt giảm phí là khoảng 1.004 tỷ đồng.

Ngân hàng kiên quyết không "hạ chuẩn" cho vay

Đánh giá thêm về vai trò của các TCTD trong hỗ trợ DN và người dân trong và sau dịch Covid-19, bà Nguyễn Thị Hồng, Phó Thống đốc NHNN cho hay, ngành NH đã sớm vào cuộc khi ban hành Thông tư 01/2020/TT-NHNN để tái cơ cấu và giãn nợ cho khách hàng; giảm phí cho khách hàng… Tất nhiên, tăng trưởng tín dụng 6 tháng đầu năm nay không bằng năm trước là bởi vì cầu vốn tín dụng của khách hàng khó có thể tăng cao trong bối cảnh dịch bệnh chưa biết khi nào sẽ kiểm soát được.

"Trong bối cảnh dịch Covid-19 chưa chấm dứt, hoạt động sản xuất - kinh doanh của DN bị ảnh hưởng, cầu vốn của khách hàng khó tăng. Vì vậy, con số tăng trưởng tín dụng 2,13% là phù hợp với diễn biến của nền kinh tế hiện nay", bà Hồng nói.

Dù tăng trưởng tín dụng thấp hơn so với cùng kỳ, song theo bà Hồng, hiện thanh khoản của NH đang khá dồi dào, dư thừa. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa, NH sẽ hạ chuẩn cho vay để đẩy tín dụng tăng. Vì vậy, tối thiểu khách hàng phải đảm bảo được an toàn hệ thống thì mới được vay.

"Để hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, ngành NH cũng đã nỗ lực trong việc xúc tiến, gặp gỡ DN để chia sẻ khó khăn. Đến thời điểm này, các ngân hàng đã bị tác động đến lợi nhuận, cắt giảm chi phí... Vì thế, thời gian tới, NHNN tiếp tục sẽ điều hành linh hoạt, đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ để ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối, kiểm soát lạm phát, đảm bảo thanh khoản cho nền kinh tế, hỗ trợ tăng trưởng", bà Hồng chia sẻ.

Ngoài ra, bà Hồng cũng chỉ đạo, việc cho vay mới phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh sẽ do các TCTD chủ động triển khai trên cơ sở đánh giá và chia sẻ với khách hàng, phù hợp với quy định của pháp luật, khả năng tài chính và cân đối vốn của TCTD; tạo thuận lợi cho khách hàng vay vốn, nhưng không nới lỏng, hạ thấp điều kiện tín dụng để đảm bảo chất lượng tín dụng, duy trì tính lành mạnh, an toàn của hoạt động NH trong những năm tới.

Về cơ cấu tín dụng, tính đến thời điểm hiện tại, tín dụng nông thôn tăng 0,3% so với đầu năm nay; tín dụng xuất khẩu tăng 4,94% (6 tháng đầu năm 2019 tín dụng xuất khẩu tăng trên 10% trong); tín dụng lĩnh vực công nghệ tăng 2,92% so với đầu năm; công nghiệp phụ trợ 2,27%; SMS giảm 0,7% và tín dụng tiêu dùng cũng giảm…

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem