Tin mới nhất về lũ ở Nghệ An: Mưa rất lớn, lũ hạ lưu sông Cả lên nhanh, gây ngập sâu diện rộng

Khương Lực Thứ sáu, ngày 30/10/2020 10:53 AM (GMT+7)
Thông tin mới nhất về lũ lụt ở Nghệ An, ông Vũ Đức Long, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia cho biết, trên địa bàn tỉnh Nghệ An đang có mưa rất lớn, mực nước lũ vùng hạ lưu sông Cả ở Nghệ An lên rất nhanh - chiều và tối nay có thể lên trên báo động 2.
Bình luận 0

Trao đổi với DANVIET.VN sáng ngày 30/10, ông Vũ Đức Long, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia cho biết, khu vực Nghệ An đang có mưa rất lớn, mực nước lũ trên các sông ở Nghệ An lên rất nhanh. 

Nghệ An: Mưa rất lớn, lũ hạ lưu sông Cả lên nhanh, khả năng gây ngập úng diện rộng  - Ảnh 1.

Ông Vũ Đức Long, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia: "Rất lâu rồi - từ 2013 đến nay, khu vực hạ lưu sông Cả ở Nghệ An mới đạt mức lũ trên báo động 2".

"Từ giờ đến chiều tối nay, mực nước trên các sông tiếp tục lên nhanh và đến chiều tối nay vùng hạ lưu sông Cả ở Nghệ An có thể lên trên mức báo động 2 và còn tiếp tục lên. Bây giờ, rất nhiều khu vực ở vùng hạ lưu đã bị ngập và tiếp tục sẽ lại ngập sâu trên diện rộng trong chiều vào tối nay như: Đô Lương, Thanh Chương, Hưng Nguyên…" - ông Long nhận định.

Theo ông Long, rất lâu rồi - từ 2013 đến nay, khu vực hạ lưu sông Cả ở Nghệ An mới đạt mức lũ trên báo động 2. "Trong ngày hôm nay khu vực nguy hiểm có lũ, ngập lụt cũng như nguy cơ lũ quét, sạt lở sẽ tập trung ở khu vực Hà Tĩnh, Nghệ An. Đặc biệt, ngập lụt ở vùng hạ lưu sông Cả như huyện Đô Lương, Thanh Chương, Hưng Nguyên…" - ông Long lưu ý.

Bão Goni đang hoạt động ở phía Phillipines. Hiện cơn bão này đang diễn biến phức tạp, dự kiến chiều nay Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia sẽ có thông tin chính thức về cơn bão này.

Ông Vũ Đức Long, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia

Theo bản tin của Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia lúc 9h30 ngày 30/10, do ảnh hưởng của không khí lạnh tăng cường kết hợp với nhiễu động gió Đông trên cao nên ngày 30/10 ở các tỉnh Bắc Bộ có mưa, mưa rào. Trời lạnh với nền nhiệt độ thấp nhất phổ biến 18-21 độ, vùng núi có nơi dưới 17 độ.

Trong 7h vừa qua (tính từ 00h ngày 29/10 đến 07h ngày 30/10), ở các tỉnh từ Nghệ An đến Quảng Bình tiếp tục có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến 30-80mm; riêng Nghệ An và phía Bắc Hà Tĩnh có mưa rất to với lượng mưa 100 – 300mm, có nơi trên 300mm. 

Một số nơi có lượng mưa lớn như: Nghi Lộc (Nghệ An) 382.8mm, Hưng Nguyên (Nghệ An) 371.4mm, Yên Thành (Nghệ An) 209mm, Hồng Lĩnh (Hà Tĩnh) 288.4mm, Lộc Hà (Hà Tĩnh) 178.4mm, …

Do ảnh hưởng của không khí lạnh tăng cường kết hợp với nhiễu động gió Đông trên cao, nên từ nay đến ngày 31/10 ở các tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Bình có mưa to đến rất to với tổng lượng mưa phổ biến 80-180mm; riêng Nghệ An và Hà Tĩnh có nơi trên 300mm. 

Ở các tỉnh từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi có mưa to, có nơi mưa rất to với tổng lượng mưa phổ biến 100-200mm, có nơi trên 300mm.

Trước đó, từ đêm ngày 29/10, không khí lạnh tăng cường kết hợp với rìa Bắc của rãnh áp thấp qua khu vực Trung Trung Bộ hoạt động yếu dần và nhiễu động gió đông trên cao tiếp tục gây mưa to đến rất to đến rất to cho khu vực Bắc Trung Bộ.

Sẵn sàng ứng phó với sự cố khi các sông ở Nghệ An, Hà Tĩnh lên trên báo động 2

Trước dự báo mực nước đỉnh lũ sông Cả (Nghệ An), sông Ngàn Sâu và sông La (Hà Tĩnh) lên trên báo động 2 và có khả năng tiếp tục lên, vào lúc 10h ngày 30/10, Ban chỉ đạo TƯ về phòng chống thiên tai - Ủy ban quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và TKCN có công điện gửi Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh tổ chức lực lượng tuần tra canh gác đê theo cấp báo động để kịp thời phát hiện, xử lý các sự cố đê điều ngay từ giờ đầu.

Kiểm tra, rà soát hệ thống đề điều, nhất là các trọng điểm xung yếu; các công trình đang thi công để triển khai phương án bảo vệ, đảm bảo an toàn. Theo dõi chặt chẽ diễn biến của mưa, lũ và tình hình đê điều; báo cáo kịp thời các sự cố đê điều về Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo TƯ về phòng chống thiên tai để phối hợp chỉ đạo.

Đối với dân cư ở các khu vực ngoài bãi sông, vùng ngập lũ, có phương án chủ động sơ tán người và tài sản để đảm bảo an toàn khi có tình huống; rà soát bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện để sẵn sàng triển khai ứng cứu khi xảy ra sự cố.





Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem