Cục Đường thủy nội địa đề nghị xử lý thuyền trưởng chiếc ca nô bị chìm 17 người chết
Ngày 2/3, Cục Đường thủy nội địa VN thông tin luồng Cửa Đại - Cù Lao Chàm đáp ứng cho phương tiện lưu thông an toàn, phương tiện có đăng ký, đăng kiểm; thuyền trưởng và thuyền viên có chứng chỉ chuyên môn phù hợp.
Theo chứng nhận đăng kiểm, tàu QNa-1152 (tàu cao tốc chở khách du lịch bị lật trên tuyến đường thủy từ bờ ra đảo Cửa Đại - Cù Lao Chàm) được trang bị thiết bị liên lạc vô tuyến VHF và thiết bị giám sát hành trình AIS (giám sát tọa độ, tốc độ di chuyển). Tuy vậy, ông Lê Minh Đạo, Phó cục trưởng Cục Đường thủy nội địa VN cho biết, tàu QNa-1152 không bật thiết bị giám sát hành trình AIS nên Trạm thu phát tín hiệu AIS trên bờ không bắt được tín hiệu phương tiện.
Sau khi xảy ra tai nạn, thuyền trưởng tàu QNa-1152 quay lại tàu để lấy thiết bị vô tuyến
Tuy nhiên, thuyền trưởng đã quay lại ca nô bị nạn lấy thiết bị vô tuyến điện khỏi phương tiện. Cục Đường thủy nội địa VN đã đề nghị Sở GTVT Quảng Nam liên hệ với cơ quan công an của địa phương để xử lý việc trên.
Bé gái hơn 2 tuổi được phát hiện dưới cống nước ngập đến cổ
Chiều 1/3, một sinh viên phát hiện cháu L. hơn 2 tuổi nằm dưới cống nước trên đường Đông Khê 2 (phường Đằng Giang, quận Ngô Quyền, Hải Phòng). Thời điểm này, nước trong cống ngập đến cổ cháu bé. Sự việc này đã được người dân báo lực lượng chức năng.
Cháu bé được đưa về trụ sở công an phường, được cán bộ y tế kiểm tra sức khoẻ, test COVID-19. Đến tối 1/3, lực lượng chức năng đã bàn giao cháu cho người nhà. Hiện, sức khoẻ cháu L. ổn định.
Cháu L. được người thân đến đón về.
Theo lãnh đạo UBND phường Đằng Giang, hình ảnh camera an ninh quanh khu vực phát hiện cháu L. ghi lại, khoảng 14h30 ngày 1/3, một phụ nữ đi xe đạp, mặc áo khoác sáng màu, đội mũ chở một bé gái giống cháu L. đi vào khu vực cống nước. Sau đó khoảng 5 phút, người phụ nữ này đi ra một mình. Tuy nhiên, camera an ninh không ghi được cảnh vì sao cháu bé ở dưới cống nước.
Trả phí chênh lệch giá dịch vụ xét nghiệm test nhanh COVID-19 cho người dân Kon Tum
Ngày 2/3, Sở Y tế tỉnh Kon Tum cho biết, Bệnh viện Đa khoa tỉnh này vừa thông báo hoàn trả kinh phí chênh lệch giá dịch vụ xét nghiệm test nhanh COVID-19 thu từ 1/7-9/11/2021.
Theo Sở Y tế Kon Tum, để nhận lại tiền hoàn trả chênh lệch, người dân cần mang theo hoá đơn thu phí xét nghiệm test nhanh COVID-19 do Bệnh viện Đa khoa tỉnh Kon Tum phát hành từ 1/7-9/11/2021. Khi đi, người dân cần mang theo giấy tờ tùy thân như chứng minh nhân dân hoặc căn cước công dân, hộ chiếu.
Mức hoàn trả là khoản chênh lệch giữa giá thu và giá test mua vào; giá thu thực hiện xét nghiệm test nhanh (đối với đối tượng miễn phí test). Địa chỉ nhận hoàn trả ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh Kon Tum, số 224 đường Bà Triệu, TP Kon Tum.
Bệnh viện này cũng cho biết, thời gian thực hiện hoàn trả từ 23/2-23/5/2022. Quá thời hạn trên sẽ không thực hiện hoàn trả chi phí xét nghiệm test nhanh COVID-19. Bởi vậy, bệnh viện đề nghị các sở, ban, ngành, địa phương các cấp phối hợp, thông báo đến các cá nhân trên địa bàn thuộc đối tượng hoàn trả kinh phí chênh lệch giá dịch vụ xét nghiệm test nhanh COVID-19 biết để được giải quyết.
Dừng hỗ trợ cho đoàn viên, người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19
Ngày 2/3, Bộ Y tế công bố 110.280 ca COVID-19 trong nước. Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay) số ca nhiễm ghi nhận trong nước là 3.702.080 ca, trong đó có 2.513.968 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
Đoàn chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã quyết định, dừng thực hiện Quyết định 3749/QĐ-TLĐ ngày 15/1/2021 về việc chi hỗ trợ cho đoàn viên và người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 kể từ ngày 1/3/2022.
Cho ý kiến về dự thảo phương án mở cửa đón khách du lịch trong điều kiện bình thường mới, Bộ Y tế đề nghị hành khách thực hiện nghiêm quy định trong 24 giờ đầu nhập cảnh ở lại nơi lưu trú, thực hiện xét nghiệm SARS-CoV-2 và theo dõi sức khoẻ.
Đến trưa 1/3, khoảng 200 người Việt đã được hỗ trợ sơ tán khỏi vùng chiến sự Ukraine
Ngày 1/3, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng đã phản hồi câu hỏi về tình hình người VN tại Ukraine và công tác bảo hộ. Hiện có khoảng 7000 người Việt Nam sinh sống, làm việc và học tập tại Ukraine và chưa có thiệt hại.
Với chủ trương dành ưu tiên bảo vệ an toàn cao nhất về tính mạng, tài sản, lợi ích hợp pháp, chính đáng của công dân và pháp nhân Việt Nam ở Ukraine, ngay khi xuất hiện những diễn biến căng thẳng, Bộ Ngoại giao đã chủ động khẩn trương triển khai công tác bảo hộ công dân.
Cho đến trưa 1/3/2022, đã có khoảng 200 người được Đại sứ quán và các hội đoàn tại Ukraine hướng dẫn và hỗ trợ sơ tán ra khỏi vùng chiến sự, người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.