Tình báo công nghệ Trung Quốc: Khi gái bar làm điệp viên

Chủ nhật, ngày 27/10/2013 07:35 AM (GMT+7)
Nhân viên các công ty công nghệ cao hàng đầu Nhật Bản đang trở thành mục tiêu lấy bí mật thông tin của tình báo Trung Quốc. Họ rơi vào bẫy tình của các “đào” làm việc tại một quán bar thời thượng ở cố đô Kyoto.
Bình luận 0
Vụ bẫy tình này chỉ được phát hiện sau cuộc điều tra những vụ hôn nhân giả được mở hồi tháng 9. Tờ tạp chí Shukan Jitsuwa số ra ngày 17.10 nêu các kiểu bẫy tình này không là âm mưu bình thường để đánh cắp bí mật thông tin. Giám đốc điều hành và các kỹ sư của hơn 5 công ty hàng đầu chuyên sản xuất các linh kiện điện tử và thiết bị chính xác thích “vui vẻ” ở một quán bar (được giấu tên) nhưng được cho là gần đền Yasaka ở quận Higashiyma.

Trang bìa tạp chí Shukan Jitsuwa

“Đổi tin lấy tình”


Quán bar này có vé vào cửa là 20.000 yen, khách được 8 “đào” người Trung Quốc xinh đẹp giỏi pha chế đồ uống và tiếp chuyện, tâng bốc phục vụ. Bà “má mì” - quản lý “đào” - ở quán bar này thừa nhận các “em” sẵn sàng đáp ứng “từ A đến Z” mọi nhu cầu của khách, nhưng “Các cán bộ và kỹ sư sau khi quan hệ tình dục với các “đào” sẽ bị ép buộc tiết lộ thông tin. Các khách “ham dzui” này được cho là đã trao đổi những công nghệ mới và chiến lược làm ăn ở thị trường Trung Quốc, ngay trước mặt các “đào” và bà “má mì“.

Một nhân viên điều tra nói: “Các kỹ sư còn mở bản vẽ thiết kế ra xem, ngay trước mặt các đào”, và anh nói tiếp: “Vài năm gần đây, chính quyền Trung Quốc xem trọng việc thu thập thông tin khoa học và kỹ thuật. Mảng tư nhân là một mục tiêu để lấy tin, và các hộp đêm, quán bar hạng sang là nơi dễ lấy được các thông tin cần thiết”.

Quán bar này mở cửa cách đây 6 năm nhưng đến tháng 6.2013 thì đóng cửa, các “đào”, nhân viên và “má mì” biến mất. Nhiều khả năng họ đã có chỗ làm mới ở các công ty tại các thành phố Osaka, Kobe và Osaka của Nhật. “Má mì” còn được cho là có họ hàng với một đảng viên cấp cao của Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Khi bị điều tra, tay giám đốc quán bar khăng khăng khẳng định khách hàng của ông ta không nói chuyện làm ăn tại quán. Một nữ tiếp viên cũng nói thế khi cảnh sát Nhật thẩm vấn. Nhưng cô cho tờ tạp chí Shukan Jitsuwa biết: các “đào” sẵn sàng “chiều các anh giai tới bến” ở ngoài quán bar, và rất có thể ở những nơi riêng tư kín đáo, khách hàng dễ bị cám dỗ, nói toẹt những bí mật thông tin cho “người tình một đêm” của họ. Cô tiếp viên khẳng định cô chẳng hề làm gì liên quan hoạt động tình báo, nhưng nói: “Em có nghe loáng thoáng công việc của mình giống như làm điệp viên”.

Trước khi “má mì” Trung Quốc biến mất, bà ta đã có giấy tờ hôn nhân giả. Trong số nhân viên quán bar có một nữ tiếp viên 32 tuổi Trung Quốc đã kết hôn với một thành viên 52 tuổi của Cục Phòng vệ Nhật Bản (SDF) hồi tháng 6.2013. Ông này đã bị sa thải và đang bị truy tố hình sự vì vụ làm hôn nhân giả, cũng “khách ruột” của quán bar. Hôn nhân là một trong những thủ đoạn của tình báo Trung Quốc để có được thông tin về hạm đội tàu ngầm Nhật Bản.

Trung Quốc đang cố gắng có được các thông tin về công nghệ tàu ngầm từ Nhật Bản thông qua các hoạt động tình báo, gián điệp của họ. Hoạt động thu thập tin tức của tình báo Trung Quốc còn phát triển mạnh cùng với những yêu sách chủ quyền ở biển Đông. Tạp chí trên nêu nguồn tin của họ ở SFD nói Trung Quốc muốn tìm thông tin đầy đủ về cách làm giảm tiếng ồn của động cơ và thiết bị dò sóng sonar của hạm đội tàu ngầm Nhật Bản: “Trung Quốc rất cần các thông tin này nên tình báo của họ tăng cường các hoạt động phối hợp để có được thông tin”.
Quán bar Gion ở Kyoto bị nghi là nơi các “đào” Trung Quốc cướp bí mật thông tin của Nhật Bản
Quán bar Gion ở Kyoto bị nghi là nơi các “đào” Trung Quốc cướp bí mật thông tin của Nhật Bản


Vay nợ, phải “xì” tin

Theo nhà văn Mitsunori Saito, các bí mật thông tin mà các “đào” thu thập được sẽ không nộp về Sứ quán Trung Quốc tại Tokyo hoặc Lãnh sự quán của họ ở Osaka, vì nguy cơ có thể cảnh sát chìm thuộc Bộ Ngoại giao Nhật Bản được cài vào: “Nhưng có thể các thông tin này sẽ chuyển cho những người có chức vụ cao ở Trung Quốc khi các lao động nữ này về nước thăm gia đình”. Còn theo một nhà báo Nhật Bản, chuyện sử dụng “đào” ở quán bar để lấy tin tình báo không là lựa chọn duy nhất của tình báo Trung Quốc: “Các kỹ sư thường gặp các đào Trung Quốc ở những quán bar và sau đó là những cuộc đi khách sạn, nơi các bí mật thông tin bị xì ra. Cũng có những kỹ sư lâm cảnh vay nặng lãi nên bị đe dọa và bị buộc phải cung cấp thông tin”.

Trong khi đó, hai cựu sĩ quan Đài Loan đã bị buộc tội giúp Trung Quốc mở một mạng lưới điệp viên ở Đài Loan: Chien Ching-kuo (rời hải quân năm 2009) và Lu Chun-chun (làm việc ở Trung tâm chỉ huy tên lửa đến năm 2005) bị buộc tội vi phạm Luật an ninh và Luật chống tham nhũng. Viện công tố quận Cao Hùng nêu trong cáo trạng: sau khi xuất ngũ, Lu lập công ty làm ăn ở Trung Quốc, nơi anh ta làm bạn với nhiều cán bộ trước khi được tình báo Trung Quốc tuyển dụng.
Tàu ngầm Nhật Bản: mục tiêu đánh cắp thông tin của tình báo Trung Quốc
Tàu ngầm Nhật Bản: mục tiêu đánh cắp thông tin của tình báo Trung Quốc

Hồi tháng 5-2009, Lu bao Chien một chuyến du lịch hạng sang đến Bali (Indonesia) để Chien gặp các chỉ huy tình báo Trung Quốc. Họ yêu cầu Chien cung cấp thông tin về quân đội Đài Loan và trả công từ 1.000 - 2.000 tệ (164 - 328USD) cho anh ta. Khi trở về, Lu và Chien mời Chang Chih-hsin (một sĩ quan chỉ huy ở Ban khí tượng hải quân) và vợ tay này đi du lịch ở Cebu (Philippnes), sau đó Chang đồng ý giúp các sĩ quan tại ngũ lấy thông tin cho Trung Quốc, đổi lại các tay này được đi du lịch nước ngoài miễn phí.

Chang bị nghi đã nhận thù lao 2.000USD, đã xuất ngũ hồi năm ngoái và đang đối mặt với tội danh làm điệp viên. Chien cũng bị buộc tội đã mời ông tướng một sao có tên họ là Jsu đi ăn tại một nhà hàng ở Đài Bắc hồi tháng 9.2011. Ở đó, ông ta dụ Jsu làm điệp viên cho Trung Quốc. Hsu không chịu nhưng vợ và chị vợ của ông ta lại nhận lời mời du lịch Trung Quốc của Chien. Tòa án quận Cao Hùng đang xem xét vụ này.

Ngày 21.10, một sĩ quan hải quân Mỹ giấu tên cho biết: Công ty Glenn Defense Marine Asia Ltd (GDMA) đã bị cấm làm ăn với chính phủ Mỹ, và bị hủy 9 hợp đồng trị giá 205 triệu USD với hải quân Mỹ. Công ty này cũng bị cấm không được nhận sự hỗ trợ nào từ chính phủ Mỹ.

GDMA có trụ sở ở Singapore, đã liên quan một vụ đưa-nhận hối lộ ở hải quân Mỹ. Hồi tháng 9, một cấp tòa ở California đã cáo buộc giám đốc Francis hối lộ công chức Mỹ, để lấy bí mật thông tin liên quan các hợp đồng với hải quân Mỹ. Ông ta bị bắt ngày 16.9 cùng hai sĩ quan Michael Misiewicz và John Beliveau. Bộ ba này bị buộc tội âm mưu hối lộ. Ngoài ra, đại úy Daniel Dusek (chỉ huy tàu tấn công đổ bộ Bonhomme Richard) bị truất quyền ngày 2.10 do bị mất tín nhiệm chỉ huy tàu. Dusek chưa bị buộc tội danh nào, vụ việc đang được điều tra.

Misiewicz 46 tuổi (chào đời ở Campuchia khi Mỹ đang tiến hành cuộc chiến xâm lược Việt Nam) đã leo đến lon đại úy chỉ huy một chiếc khu trục hạm, bị buộc tội nhận quà - chuyến du lịch do GDMA chiêu đãi - thậm chí có cả gái để anh ta được “vui vẻ” miễn phí. Đổi lại, ông ta trao thông tin mật cho Francis, gồm hoạt động của các tàu chiến, các chuyến thăm những quân cảng ở các nước mà GDMA có ký hợp đồng cung cấp nhiên liệu, thực phẩm, nước... Lúc đó, ông ta đang là phó chỉ huy tác chiến thuộc Hạm đội 7 ở Thái Bình Dương.

Francis 58 tuổi cũng bao “gái gú”, du lịch, ăn chơi và quà cáp với Beliveau 44 tuổi, đổi lại là nhận thông tin về cuộc điều tra của NCIS đối với công ty của ông ta. Cả 3 người này đều có thể ngồi tù 5 năm ở nhà tù liên bang nếu bị tòa tuyên có tội.

Trần Trí (Thế giới & Hội nhập) (Trần Trí (Thế giới & Hội nhập))
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem