Nữ lao động Triều Tiên biểu diễn tại một nhà hàng Triều Tiên ở thị trấn Đan Đông (Trung Quốc) nằm gần biên giới giữa hai nước. Ảnh: IC.
Chính phủ Hàn Quốc vào hôm qua (11.5) cho biết nước này sẽ điều tra sự việc nhóm 12 phụ nữ Triều Tiên nhập tịch vào Hàn Quốc hồi năm 2016 bị truyền thông cho là “không hề tự nguyện” mà bị tình báo Hàn Quốc “lừa”.
Cụ thể, trước đó kênh truyền hình JTBC đã công bố một phóng sự về chủ nhà hàng nơi nhóm phụ nữ này từng làm việc tại Bắc Kinh (Trung Quốc). Trả lời phỏng vấn với phóng viên JTBC, chủ nhà hàng này – hiện đang ở thủ đô Seoul - tiết lộ rằng ông đã bố trí kế hoạch đào thoát cho 12 nữ lao động Triều Tiên dưới sự trợ giúp của Cơ quan Tình báo Hàn Quốc (NIS) và nhóm phụ nữ nói trên không hề biết mình bị đưa đến đâu.
JTBC đồng thời cũng phỏng vấn 4 phụ nữ trong nhóm này và họ đều khẳng định không hề biết việc mình bị đưa đến Đại sứ quán Hàn Quốc tại Malaysia – trái với tuyên bố hồi năm 2016 của Seoul rằng những người phụ nữ này đã “tự nguyện”. Tâm sự với phóng viên JTBC, những phụ nữ này đều bày tỏ mong muốn được gặp lại gia đình của mình tại Triều Tiên.
Như vậy, lời của các nữ lao động Triều Tiên đã khớp với cáo buộc trước đó của Bình Nhưỡng rằng Hàn Quốc đã “bắt cóc” công dân nước này.
Trong lần phỏng vấn với CNN hồi năm 2016, những người bạn của nhóm 12 phụ nữ Triều Tiên cũng khẳng định người chủ nhà hàng và chính phủ Hàn Quốc đã đánh lừa họ. Nguồn: CNN.
Về phía mình, người phát ngôn Bộ Thống nhất Hàn Quốc Baik Tae-hyun thừa nhận rằng các quan chức của bộ này chưa bao giờ có cơ hội nói chuyện trực tiếp với nhóm 12 phụ nữ Triều Tiên khi ấy đang được bảo vệ bởi tình báo Hàn Quốc. Trong khi đó, một quan chức NIS giấu tên cho biết cơ quan này chưa thể lập tức xác nhận hoặc phủ nhận thông tin của đài JTBC.
Hiện tại, vẫn chưa rõ liệu Hàn Quốc có đem trả lại 12 phụ nữ Triều Tiên này trong trường hợp phóng sự của JTBC là chính xác hay không.
Vào hồi năm 2016, việc có tới 12 người Triều Tiên đồng thời đào thoát tới Hàn Quốc được đánh giá là một tin tức gây chấn động bởi đây là nhóm người đào thoát đông nhất kể từ khi nhà lãnh đạo Kim Jong-un lên nắm quyền vào năm 2011. Seoul tuyên bố lý do nhóm phụ nữ nói trên đào thoát là do họ không kiếm đủ ngoại tệ về cho chính quyền trong bối cảnh các nhà hàng Triều Tiên ở nước ngoài đang lao đao vì các lệnh cấm vận kinh tế.
Tuy nhiên, khi Bình Nhưỡng đề nghị Seoul cho gia đình các nữ lao động Triều Tiên qua thăm người thân, chính phủ nước này đã từ chối!
Vui lòng nhập nội dung bình luận.