Tình già thắp hy vọng

Thứ ba, ngày 01/10/2013 06:41 AM (GMT+7)
Họ là những người chịu nhiều bi kịch của số phận, đến với nhau khi cả hai đều đã bước sang tuổi ông, tuổi bà. Tình yêu thắp lên nơi họ niềm tin, sự hy vọng để vượt qua hoàn cảnh ngặt nghèo…
Bình luận 0
Làm tròn chữ hiếu

Chiều mưa rả rích. Tôi đang ngồi nhâm nhi ly cà phê tại một quán cóc ở phố cổ Bao Vinh (xã Hương Vinh, thị xã Hương Trà, Thừa Thiên - Huế), thì gặp hai ông bà già dắt nhau đi bán vé số. Bà thân thể gầy gò nhưng đôi mắt sáng, ông trông nhanh nhẹn nhưng cả hai mắt đều mù...

Tôi sẽ nghĩ hai ông bà già này như bao người bán vé số bình thường khác nếu chị chủ quán vui tính không kể câu chuyện cảm động về họ. Thì ra họ là cặp vợ chồng đặc biệt. Chồng là Nguyễn Trai (63 tuổi), vợ là Nguyễn Thị Thương (64 tuổi), đến với nhau cách đây 4 năm. Nhà của vợ chồng ông Trai nằm sâu trong con hẻm nhỏ ngoằn ngoèo ở thôn Địa Linh, xã Hương Vinh. Đó là ngôi nhà trống hoác, tài sản giá trị nhất trong nhà là 2 chiếc giường gỗ ải mục, xỉn màu.

Nghèo khổ, công việc cực nhọc so với tuổi tác nhưng vợ chồng ông Trai - bà Thương luôn hạnh phúc bên nhau.
Nghèo khổ, công việc cực nhọc so với tuổi tác nhưng vợ chồng ông Trai - bà Thương luôn hạnh phúc bên nhau.

Người dân xã Hương Vinh hầu như ai cũng rõ câu chuyện hiếu thảo hiếm có của bà Thương. Gia đình nghèo khó, bố mất sớm, mẹ đau yếu, nên dù thông minh nhưng bà phải nghỉ học từ rất sớm để kiếm tiền lo cho mẹ và em trai. Ngoài việc đồng áng, bà còn bươn chải làm thuê làm mướn khắp nơi để mẹ và em không bị đói. Để chia sẻ gánh nặng với chị, người em trai Nguyễn Văn Sinh học đến lớp 6 thì vào miền Nam học nghề thợ mộc. Nhưng vào Nam được vài năm thì Sinh trở về quê với căn bệnh tâm thần, suốt ngày chửi bới, phá phách. Một thời gian sau thì mẹ bà ngã bệnh nặng rồi bị mù mắt. Bệnh tật của mẹ và em khiến sức ép cơm áo càng đè nặng lên đôi vai bà Thương...

Nổi tiếng chăm chỉ lại nết na đức hạnh nên khi đến tuổi đôi mươi, bà được nhiều chàng trai theo đuổi. Nhưng trước cảnh ngộ éo le của gia đình, bà quyết định hy sinh hạnh phúc riêng tư để lo cho em và làm tròn chữ hiếu với mẹ. Biết việc đó, mẹ bà kiên quyết ngăn cản nhưng không thể làm bà lay chuyển quyết định. Có chàng trai mê mẩn bà, hứa sẽ hết mình chăm sóc cho người thân của bà nếu nhận lời làm vợ anh ta, nhưng bà vẫn không đồng ý. Lúc đó bà nghĩ, nếu mình vướng bận chuyện chồng con thì không thể toàn tâm toàn ý lo cho mẹ, cho em, mà người ta nói lời chắc gì đã giữ lấy lời.

Thời gian như bóng câu qua cửa, tuổi xuân của bà qua nhanh theo những ngày tháng cực nhọc. Khi mẹ bà qua đời thì bà gần 60, mái tóc đen mượt một thuở đã điểm bạc...

Tình yêu không có tuổi

Ông Trai sinh ra trong một gia đình nghèo ở xã Bình Thành, thị xã Hương Trà. Ông bị mù từ nhỏ nên không thể đến trường. Năm 1992, khi Hội Người mù thị xã Hương Trà thành lập, ông xin vào hội kiếm việc nuôi thân. 6 năm trước, ông chuyển đến Hội Người mù xã Hương Vinh làm tăm tre, chổi đót. Bà Thương quen ông trong những lần đến đây nhận quà hỗ trợ. Những lần gặp gỡ tuy ngắn ngủi nhưng cũng đủ giúp hai người hiểu về hoàn cảnh của nhau để rồi trở nên thân thiết.

Thương ông Trai mù lòa và muốn giúp ông kiếm thêm thu nhập, bà tự nguyện dẫn đường đưa ông đi bán vé số. Những lần cầm tay ông Trai dẫn đường, bà cảm nhận được sự chân thành và nghị lực sống mãnh liệt ở người đàn ông mù lòa này. Con tim tưởng chừng như đã héo úa vì tuổi tác của bà đã rung động khi cảm nhận sức ấm từ đôi bàn tay ông. Muốn được chăm sóc ông như chăm sóc người mẹ quá cố mù lòa của mình, bà chủ động ngỏ lời nhưng bị ông Trai từ chối.

Lúc đó, ông Trai thành thật: “Tui rất thương bà, nhưng nếu tui đến với bà thì chỉ khiến cho bà thêm khổ. Bà sáng mắt nên chăm sóc được tui, còn tui mù lòa mần răng chăm sóc bà. Hơn nữa, bà còn phải lo cho em trai nữa…”. Nhưng rồi lời nói tận đáy lòng của bà khiến hai người trở thành vợ chồng: “Tui thương mẹ tui như răng thì thương anh như rứa”.

Ngày ông Trai dẫn vợ về quê ra mắt, bà con lối xóm ai cũng vui mừng. Họ mừng vì cuối cùng ông cũng có một bờ vai để chia sẻ yêu thương, cho dù cả ông và vợ đều đã ở bên kia dốc cuộc đời. Làng xóm mỗi người góp dăm ba chục ngàn tổ chức đám cưới ấm cúng cho ông bà. Nhưng bên cạnh sự vui mừng ấy, cũng không ít người ái ngại cho bà Thương. Ái ngại vì thấy bà đã già yếu nhưng vẫn phải chăm sóc cho người em không hơn gì đứa trẻ lên ba, nay lại “đèo bòng” thêm người đàn ông mù nữa. Nhưng bà Thương gạt đi: “Đã yêu thương nhau thì nào ai so tính thiệt hơn. Tui làm bờ vai cho ông ấy, còn ông ấy cho tui niềm tin và nghị lực…”.

Cặp đôi hạnh phúc

Ngày nắng cũng như ngày mưa, từ tờ mờ sáng, ông Trai và bà Thương đã dìu dắt nhau đi kiếm sống. Bàn tay gầy gò, đen đúa của bà luôn nắm chặt bàn tay chắc nịch, chai sạn của ông. Họ dắt nhau đi khắp xã Hương Vinh và nhiều tuyến đường ở TP.Huế để bán vé số. Công việc vất vả so với tuổi tác nhưng trên khuôn mặt của hai người lúc nào cũng thường trực nụ cười. “Vì rứa mà mọi người thường gọi vợ chồng tui là “cặp đôi hạnh phúc”- ông Trai ngượng ngùng nói.

"Lạ lắm. Cứ xa bà ấy một lúc là tui nhớ, nên lúc nào tui cũng muốn ở bên cạnh bà ấy”.
Ông Nguyễn Trai


Tiếp lời chồng, bà Thương bảo, thực ra công việc bán vé số chỉ cần một mình bà làm cũng được, vì ông Trai bị mù không thể nhận biết vé số cũng như tiền của khách trả. Thương chồng, rất nhiều lần bà bảo ông ở nhà nhưng ông không chịu. Một lần, trước sự năn nỉ của bà Thương, ông Trai gượng gạo đồng ý ở nhà, nhưng khi vợ vừa mang vé số rời khỏi nhà vài chục phút thì ông đã nhờ hàng xóm dẫn đến chỗ vợ. Ông Trai bảo, ông đi cùng chỉ khiến cho vợ thêm vất vả, nhưng lúc nào ông cũng muốn đi bên vợ. “Lạ lắm. Cứ xa bà ấy một lúc là tui nhớ, nên lúc nào tui cũng muốn ở bên cạnh bà ấy”- ông bộc bạch.

Nhiều người dân xã Hương Vinh kể rằng, cuộc sống của vợ chồng ông Trai thuộc diện cùng cực nhất xã Hương Vinh, nhưng từ ngày lấy nhau đến nay hai người chưa từng lời qua tiếng lại hay đơn giản chỉ là thể hiện sự buồn phiền trên khuôn mặt. Một người hàng xóm của cặp vợ chồng già này tấm tắc: “Thời đại ni, nhiều gia đình nghèo đói vợ chồng “choảng” nhau như cơm bữa, nhưng vợ chồng ông Trai nghèo rớt mùng tơi mà luôn quấn quýt bên nhau, suốt ngày thủ thỉ tâm sự. Tuổi gần đất xa trời rồi mà trông họ lúc nào cũng lạc quan như cặp tình nhân trẻ tuổi”.

Chính tình yêu đã đưa lại cho vợ chồng ông Trai nghị lực và niềm lạc quan để vượt qua những khó khăn, bi kịch. Đã rất nhiều lần hai vợ chồng bị kẻ gian lợi dụng sơ hở cuỗm mất hàng trăm tờ vé số trên đường mưu sinh. Mỗi lần như vậy ông bà đều phải đền cho chủ đại lý hàng triệu đồng. Không có tiền đền ngay nên vợ chồng phải trích tiền lời ít ỏi từ bán vé số hàng ngày để trả nợ từ từ... “Sau những lần đó nhiều khi hai vợ chồng không có tiền mua gạo, lo thuốc thang cho em. Nhưng rồi mọi chuyện cũng qua, vẫn được yêu thương nhau là nhất rồi”- bà Thương chia sẻ.

An Sơn (An Sơn)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem