Tổ chức bộ máy của Ban Nội chính Trung ương sau khi tinh gọn

PV Thứ ba, ngày 31/12/2024 06:33 AM (GMT+7)
Ban Nội chính Trung ương chịu sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp, toàn diện của Bộ Chính trị, Ban Bí thư trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao.
Bình luận 0

Theo Quyết định số 215-QĐ/TW, ngày 28/12/2024 về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của Ban Nội chính Trung ương như sau: Ban Nội chính Trung ương có chức năng là cơ quan tham mưu, giúp việc của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, trực tiếp và thường xuyên là Bộ Chính trị, Ban Bí thư về chủ trương và các chính sách lớn thuộc lĩnh vực nội chính, phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực và cải cách tư pháp; đồng thời là cơ quan chuyên môn, nghiệp vụ về công tác nội chính của Đảng, cơ quan Thường trực của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực và Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương.

Tổ chức bộ máy của Ban Nội chính Trung ương sau khi tinh gọn - Ảnh 1.

Tổng Bí thư Tô Lâm trao Quyết định của Bộ Chính trị về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của Ban Nội chính Trung ương cho ông Phan Đình Trạc, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương. Ảnh Ban Nội chính T.Ư

Ban Nội chính Trung ương có nhiệm vụ: (1) Nghiên cứu, tham mưu; (2) Hướng dẫn, kiểm tra, giám sát; (3) Thẩm định: Thẩm định hoặc tham gia ý kiến đối với các đề án, các chủ trương thuộc lĩnh vực nội chính, phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực và cải cách tư pháp trước khi trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư; (4) Tham gia về công tác tổ chức, cán bộ; (5) Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn Cơ quan Thường trực của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, Cơ quan Thường trực của Ban Chi đạo Cải cách tư pháp Trung ương theo quy định của Bộ Chính trị, Quy chế làm việc của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực và Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương; 

(6) Tiếp công dân; tiếp nhận, xử lý khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh gửi đến Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương và Ban Nội chính Trung ương theo quy định. (7) Hợp tác quốc tế về lĩnh vực nội chính, phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực và cải cách tư pháp theo quy định và phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và thẩm quyền. (8) Thực hiện các nhiệm vụ khác do Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương giao.

Quyền hạn của Ban Nội chính Trung ương gồm: Yêu cầu các cơ quan nội chính, tư pháp Trung ương, các ban, cơ quan, đơn vị cùa Đảng ở Trung ương, các cấp ủy, tổ chức đảng trực thuộc Trung ương báo cáo định kỳ hoặc đột xuất để thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao; yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có liên quan làm việc, báo cáo, cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến việc thực hiện nhiệm vụ. Tham dự các cuộc họp, hội nghị của các ban, cơ quan, đơn vị của Đảng ở Trung ương, các cấp ủy, tổ chức đảng trực thuộc Trung ương có nội dung liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của Ban Nội chính Trung ương, các cuộc họp của Thường trực Ban Chỉ đạo và các phiên họp của Ban Chi đạo phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực cấp tỉnh.

Ban Nội chính Trung ương có các đơn vị trực thuộc, gồm: (1) Vụ Tham mưu xử lý vụ án, vụ việc; (2) Vụ Pháp luật; (3) Vụ Nghiên cứu tổng hợp; (4) Vụ Theo dõi công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; (5) Vụ Cơ quan nội chính; (6) Vụ Cải cách tư pháp; (7) Vụ Địa phương I (tại Hà Nội); (8) Vụ Địa phương II (tại Đà Nẵng); (9) Vụ Địa phương III (tại TP.HCM); (10) Văn phòng. 

So với tổ chức bộ máy cũ, Ban Nội chính Trung ương giảm 2 đầu mối (từ 12 xuống còn 10 đầu mối; tương đương 16,67%); giảm 4 đơn vị cấp phòng (từ 8 xuống còn 4 đầu mối; tương đương 50%).

Ban Nội chính Trung ương chịu sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp, toàn diện của Bộ Chính trị, Ban Bí thư trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao; chịu sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực và Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương trong thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn Cơ quan Thường trực của các Ban Chỉ đạo này; thực hiện chế độ báo cáo định kỳ, đột xuất với Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các Ban Chi đạo theo quy định.

Quan hệ giữa Ban Nội chính Trung ương với các ban, cơ quan, đơn vị của Đảng ở Trung ương, các cấp ủy, tổ chức đảng trực thuộc Trung ương là quan hệ phối hợp, trao đổi, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát về công tác nội chính, phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực và cải cách tư pháp; thực hiện theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Ban, quy chế phối hợp với các cơ quan liên quan và theo các quy định của Bộ Chính trị, Ban Bí thư.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem