Theo 19 Fortyfive, trong một cuộc phỏng vấn gần đây với tờ Telegraph của Anh, ông Vadym Skibitsky, Phó Cục trưởng Cục tình báo quân sự Ukraine đã thừa nhận rằng, Ukraine thường xuyên tham vấn các quan chức Mỹ trước các cuộc tấn công vào các vị trí của quân đội Nga. Thậm chí, Nhà Trắng còn có quyền quyết định tấn công hay không các mục tiêu đó.
Ông Skibitsky nhấn mạnh, mặc dù Mỹ cung cấp vũ khí cho Ukraine thực hiện các cuộc tấn công đó, nhưng họ không cung cấp thông tin cụ thể giúp Ukraine xác định mục tiêu. Vì thế, Mỹ không can dự trực tiếp vào cuộc chiến.
Tuy nhiên, Điện Kremlin không nghĩ như vậy. Các quan chức ở Moscow đã mô tả việc Mỹ hỗ trợ Ukraine là "sự can dự trực tiếp" vào cuộc chiến.
Bộ Quốc phòng Nga đã ra tuyên bố cáo buộc Washington đang "trực tiếp tham gia vào cuộc xung đột ở Ukraine" và cảnh báo chính quyền Biden sẽ phải chịu trách nhiệm về điều đó.
"Chính quyền Biden phải chịu trách nhiệm trực tiếp cho tất cả các cuộc tấn công bằng tên lửa của Kiev vào các khu dân cư và cơ sở hạ tầng dân sự ở các khu vực đông dân của vùng Donbass và các khu vực khác, dẫn đến hàng loạt cái chết của dân thường", tuyên bố của Bộ Quốc phòng Ukraine nhấn mạnh.
Cả Lầu Năm Góc và Nhà Trắng đều chưa phản hồi về những cáo buộc của Nga, nhưng theo 19 Fortyfive, hậu quả của những bình luận trên có thể rất lớn.
Một câu hỏi đặt ra là đó liệu có phải là dấu hiệu mới nhất cho thấy Điện Kremlin muốn tuyên chiến với Mỹ?
Vào tháng 4, Bộ Ngoại giao Nga tuyên bố, các đoàn xe vũ khí của NATO và Mỹ ở Ukraine là "mục tiêu hợp pháp" của quân đội Nga. Nga đã nhiều lần bày tỏ sự tức giận về việc Mỹ và NATO tiếp tục cung cấp vũ khí và đạn dược cho Ukraine.
Sergei Koshelev, một quan chức Bộ Ngoại giao Nga nói rằng Moscow có quyền coi các đoàn vận tải vũ khí của Mỹ và NATO là mục tiêu hợp pháp. Điều đó đặt ra câu hỏi về việc liệu Điện Kremlin quyết định đi xa đến mức tấn công các đoàn xe này trước khi chúng tiến vào lãnh thổ Ukraine hay không?
Nếu Điện Kremlin đưa ra quyết định như vậy, đây thực sự sẽ là một lời tuyên chiến chống lại NATO và có thể là sự khởi đầu của Thế chiến thứ ba.
Cho đến nay, Nga đã không tấn công các đoàn xe của NATO trên lãnh thổ NATO. Họ chỉ tấn công một số kho chứa vũ khí và đạn dược của NATO trên lãnh thổ Ukraine trong những tháng gần đây, tuyên bố phá hủy các xe tăng, bệ phóng tên lửa và hệ thống pháo mà phương Tây cung cấp cho Kiev.
Tuy nhiên, nếu Điện Kremlin hứng chịu những tổn thất lớn hơn trên chiến trường do hệ thống tên lửa HIMARS mà Mỹ cung cấp cho Ukraine, lo ngại rằng, Nga có thể tung đòn trả đũa trực tiếp lên Mỹ ngày càng tăng lên.
Vào ngày 30/7 mới đây, một đoàn tàu đặc biệt gồm hơn 40 toa chở đầy binh sĩ, đạn dược và thiết bị quân sự của Nga đã bị hệ thống HIMARS do phương Tây cung cấp cho Ukraine phá hủy. Các hệ thống tên lửa tầm xa cũng cho phép quân đội Ukraine phá hủy một cây cầu tiếp tế quan trọng trong khu vực Kherson mà Nga đang kiểm soát, đưa Ukraine tiến gần hơn tới mục tiêu tái chiếm khu vực vào tháng 9.
Theo 19 Fortyfive, nếu Nga không giữ được động lực ở Donbass và nếu vũ khí của Mỹ là thứ ngăn cản chiến thắng của Nga, thì không thể đoán trước được những gì Tổng thống Nga Putin có thể làm.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.