Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng hiến kế tái cơ cấu nông nghiệp

Khương Lực Thứ tư, ngày 31/01/2018 19:39 PM (GMT+7)
Ngày 31.1, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Xuân Cường đã có buổi làm việc với Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ để bàn về định hướng cơ cấu lại ngành nông nghiệp, trong đó có vấn đề phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Bình luận 0

Tái cơ cấu kinh tế bắt đầu từ nông nghiệp

Nghe báo cáo và phần trình bày trực tiếp của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT về kết quả thực hiện cơ cấu lại nông nghiệp giai đoạn 2013-2016 và Kế hoạch cơ cấu lại ngành giai đoạn 2017-2020, các thành viên của Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ đều đánh giá cao vai trò của nông nghiệp đối với sự phát triển kinh tế - xã hội chung của đất nước.

img

TS. Vũ Viết Ngoạn, nguyên Chủ tịch Uỷ ban Giám sát tài chính Quốc gia, Tổ tưởng Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng phát biểu.

TS. Vũ Viết Ngoạn, nguyên Chủ tịch Uỷ ban Giám sát tài chính Quốc gia, Tổ tưởng Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng cho biết, trong chương trình công tác năm 2018, Tổ sẽ tư vấn cho Thủ tướng Chính phủ chính sách, biện pháp tạo động lực tăng trưởng, nâng cao chất lượng nền kinh tế từ nay cho đến năm 2020, tầm nhìn 2025, trong đó có lĩnh vực nông nghiệp – một lĩnh vực không chỉ có Tổ tư vấn mà cả xã hội đang quan tâm.

Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rằng, ngành nông nghiệp đã đạt được nhiều thành tựu to lớn trong 30 năm đổi mới, đặc biệt từ năm 1993 khi chúng ta có chủ trương giao 10 triệu ha đất nông nghiệp, 4 triệu ha đất rừng cho nông dân. Nhờ chính sách này, ngành nông nghiệp đã có bước phát triển ngoạn mục, từ chỗ thiếu đói chúng ta đã đáp ứng đủ lương thực, thực phẩm cho hơn 90 triệu dân và xuất khẩu đạt mức kỷ lục 36,57 tỷ USD trong năm 2017, thặng dư thương mại 8,78 tỷ USD. Về xây dựng nông thôn mới, chúng ta đã có 2.884 xã (32,3%) và 43 huyện đạt chuẩn nông thôn mới.

img

Ông Trương Đình Tuyển, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại.

TS. Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, chu trình 30 năm đổi mới đang tái khởi động lại từ lĩnh vực nông nghiệp. 30 năm trước, nông nghiệp đã tiên phong đi đầu trong đổi mới và quá trình cơ cấu lại nền kinh tế lại đang khởi động từ nông nghiệp. Về vấn đề này, TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý Kinh tế Trung ương nhận định, cơ cấu lại ngành nông nghiệp đang có chuyển biến tích cực, khác biệt so với rất nhiều ngành kinh tế khác. Ông Cung cho rằng, trong lĩnh vực công nghiệp, cơ cấu lại rất khó do chúng ta không thể quyết định sự chi phối trong chuỗi giá trị toàn cầu. Thế nhưng, với lĩnh vực nông nghiệp và du lịch thì Việt Nam hoàn toàn có thể cơ cấu lại ngành thành công. 

Theo Bộ Nông nghiệp và PTNT, sau gần 5 năm thực hiện chủ trương cơ cấu lại ngành nông nghiệp, ngành đang tạo được những chuyển biến tích cực, rõ nét, đó là: đã tạo sự thống nhất cao của toàn xã hội về tính tất yếu khách quan và yêu cầu cấp bách phải thay đổi căn bản nền sản xuất nông nghiệp nước ta theo hướng chất lượng, hiệu quả và phát triển bền vững. Chất lượng tăng trưởng tiếp tục được cải thiện, thu nhập và đời sống cư dân nông thôn được nâng cao, thu nhập bình quân đầu người/năm ở nông thôn đã tăng từ 18,6 triệu đồng năm 2012 lên khoảng 29,2 triệu đồng năm 2016.

img

TS. Nguyễn Đình Cung, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng.

Hóa giải “nút thắt” để phát triển bền vững

Theo đánh giá của Bộ trưởng, nhờ thực hiện cơ cấu lại ngành mà sức sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp hiện nay là rất lớn, thậm chí có mặt hàng còn dư thừa.

Tuy nhiên, ngành nông nghiệp đang phải đối mặt với những khó khăn, thách thức lớn, đó là áp lực cạnh tranh khi nhiều nước lớn quan tâm, đầu tư cho nông nghiệp trong khi một số thị trường lại dựng lên các rào cản đối với nông sản Việt Nam. Bên cạnh đó, nước ta đang có hơn 8,6 triệu hộ dân và 78 triệu miếng ruộng, trong khi ngành nông nghiệp định hướng sản xuất hàng hóa lớn, tập trung và tỷ lệ lao động trong nông nghiệp đang chiếm tới 42% là những lực cản rất lớn, cần phải có giải pháp tháo gỡ.

Chính vì thế, Bộ trưởng mong muốn các thành viên của Tổ tư vấn Kinh tế của Thủ tướng Chính phủ nghiên cứu, đề xuất cách thức giảm nhanh tỷ lệ lao động trong nông nghiệp; tham mưu chính sách cụ thể để thúc đẩy phát triển công nghiệp phụ trợ; chính sách thu hút nguồn lực để tái cơ cấu hạ tầng, đặc biệt thủy lợi, điện, logistic...; chính sách phát triển thị trường; đặc biệt hoàn thiện các chính sách về đất đai để tạo điều kiện thu hút doanh nghiệp đầu tư phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, hiện đại.

img

Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường phát biểu với các thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng.

Ông Trương Đình Tuyển, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại cho rằng, Việt Nam nên định hướng phát triển công nghiệp sản xuất lương thực, thực phẩm, tuy vậy không phải sản phẩm nông sản nào cũng chế biến mà phải có sự lựa chọn, vì có nông sản bán tươi thì giá rất cao. Về phát triển thị trường, theo ông Tuyển, muốn xuất khẩu nông sản đạt giá trị cao thì chúng ta phải có hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn và phải áp dụng các tiêu chuẩn, quy chuẩn này vào trong sản xuất kinh doanh, đồng thời chúng ta phải tiến hành sản xuất theo chuỗi, ổn định cung và kiểm soát chất lượng.

Trao đổi tại buổi làm việc, nhiều thành viên của tổ tư vấn cho rằng cần có chính sách để tháo gỡ nút thắt về hạn điền đất đai. TS. Nguyễn Đình Cung nêu cụ thể: “Để lấy được 100-200 ha đất, phải mất đến 7-8 tháng và chúng ta phải huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc mới xong. Làm như vậy quá tốn kém, doanh nghiệp và người dân đầu tư vẫn không yên tâm do có rất nhiều rủi ro”.

Chính vì thế, TS. Nguyễn Đình Cung kiến nghị, cần phải mở thị trường, tăng cầu sử dụng đất, đa dạng hóa cung và xây dựng hệ thống hỗ trợ giao dịch ít tốn kém và rủi ro.Các thành viên Tổ tư vấn cũng nhấn mạnh đến việc tổ chức lại sản xuất trong nông nghiệp, phát triển công nghiệp phụ trợ và phát triển thị trường nông sản cả trong và ngoài nước.

Trong khi đó, TS. Trần Du Lịch, chuyên gia kinh tế đặc biệt nhấn mạnh đến việc hình thành các HTX để kết nối nông dân với các doanh nghiệp, hình thành chuỗi sản xuất khép kín, qua đó mang lại hiệu quả cao hơn cho nông dân./.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem