Như Dân Việt đã phản ánh, trong nhiều năm qua, Công ty Cổ phần Tân Tân (Công ty Tân Tân, đóng tại khu phố Nội Hoá 1, phường Bình An, thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương) đã chây ì nợ gần 50 tỷ đồng tiền thuế gây thất thu nguồn ngân sách lớn của tỉnh Bình Dương. Dù ngành thuế và các cơ quan chức năng đã tiến hành nhiều thủ tục để xử lý nợ xấu từ Công ty Tân Tân nhưng bất thành.
Không những thế, lãnh đạo Công ty Tân Tân còn bị các cổ đông tố cáo vì hành vi bán "khống" hàng triệu cổ phần, không minh bạch trong kinh doanh gây tổn thất hàng chục tỷ đồng.
Công ty Tân Tân nợ chây ì gần 50 tỷ đồng tiền thuế gây thất thoát Ngân sách nhà nước. Ảnh: V.D
Cụ thể, bà Nguyễn Thị Thanh (SN 1962, ngụ TP.HCM) tố cáo ông Trần Quốc Tân - là người đại diện theo pháp luật, giữ chức Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty Tân Tân dù chỉ nắm giữ 6,4 triệu cổ phần nhưng bán "khống" 10,5 triệu cổ phần.
Vụ việc đã được TAND tỉnh Bình Dương và TAND Cấp cao tại TP.HCM đưa ra xét xử và quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời đối với Công ty Tân Tân.
Theo đó, tại quyết định số 31/2019/QĐ-ADBPKCTT ngày 10.1.2019 của TAND Cấp cao tại TP.HCM thể hiện: "Buộc các thành viên Hội đồng quản trị của Công ty Tân Tân gồm: Ông Trần Quốc Tân, Trần Quốc Tuấn và bà Châu Ngọc Phụng giao con dấu của Công ty Tân Tân cho Cục Thi hành án dân sự tỉnh Bình Dương tạm thời quản lý cho đến khi có quyết định của Tòa án".
"Việc đóng dấu vào các văn bản giấy tờ của Công ty Tân Tân kể từ ngày ra quyết định này cho đến khi có quyết định của Tòa án phải được thực hiện tại Cục Thi hành án dân sự tỉnh Bình Dương; đúng theo quy định của pháp luật và đảm bảo các điều kiện sau đây: Phải phù hợp với lợi ích của công ty, không được vụ lợi cá nhân. Người ký tên trên văn bản phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và cổ đông công ty về tính hợp pháp của nội dung văn bản. Phải thông báo cho bà Nguyễn Thị Thanh được biết" văn bản TAND Cấp cao tại TP.HCM nêu rõ.
Căn cứ vào quyết định trên, ngày 14.1.2019, Cục Thi hành án Dân sự tỉnh Bình Dương đã ra quyết định số 155/QĐ-CTHADS, tiến hành cho thi hành án (THA) đối với lãnh đạo Công ty Tân Tân.
Nhưng, điều đáng nói là Công ty Tân Tân không chịu hợp tác nên công tác thi hành án không được thực hiện. Cục thi hành án dân sự tỉnh Bình Dương đã gửi công văn số 454/CTHADS-NV lên TAND Cấp cao tại TP.HCM để xin ý kiến chỉ đạo.
Quá trình tổ chức thi hành Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm, ông Trần Quốc Tân cung cấp mất con dấu và có đơn cớ mất. Do đó, Cục THADS Bình Dương chưa thu hồi con dấu này. Hiện, Công ty Tân Tân đã được cấp lại con dấu.
Đến ngày 27.9.2018, TAND tỉnh Bình Dương ban hành Bản án số 07/2018/KDTM-ST có nội dung: Hủy bỏ Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời số 03/2016 ngày 24.10.2016.
“Hiện nay, TAND Tối cao đang thụ lý giải quyết kháng cáo của ông Trần Quốc Tân, Trần Quốc Tuấn và bà Châu Ngọc Phụng. Như vậy, về nguyên tắc bản án số 07/2018 nêu trên chưa có hiệu lực thì quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời số 03/2016 ngày 24.10.2016 chưa bị hủy bỏ và vẫn tiếp tục có hiệu lực”, văn bản của Cục THADS Bình Dương nêu rõ.
Theo đó, Cục THADS Bình Dương đề nghị TAND Cấp cao tại TP.HCM giải thích Cục THADS Bình Dương thi hành quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời số 31/2019/QĐ-ADBPCTT ngày 14.1.2019 của Tòa án nhân dân cấp cao tại TP.HCM hay quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời số 03/2016/QĐ-ADBPKCTT ngày 24.10.2016 của TAND tỉnh Bình Dương.
Trao đổi với báo chí, đại diện Cục Thuế tỉnh Bình Dương do biết, đến nay Công ty Tân Tân vẫn chưa có động thái nhằm thanh toán số tiền nợ thuế gần 50 tỷ đồng. Điều này không chỉ gây ảnh hưởng xấu đến doanh nghiệp mà còn gây thất thu nguồn ngân sách rất lớn của Nhà nước.
Trong nhiều năm qua, ngành thuế đã tiến hành cưỡng chế hóa đơn của Công ty Tân Tân, thông báo hóa đơn của công ty không có giá trị sử dụng và gửi các quyết định xử phạt nhưng phía Công ty Tân Tân không phản hồi.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.