Sau khi một tờ báo phát hiện và đăng tải thông tin tòa nhà 8B Lê Trực vi phạm trong xây dựng gây ảnh hưởng an ninh, quốc phòng, hàng loạt những văn bản, ý kiến chỉ đạo được đưa ra để xử lý những sai phạm của tòa nhà. Đến thời điểm hiện tại, tòa nhà đang bị cơ quan chức năng cưỡng chế tháo dỡ sau 6 tháng sai phạm được phát hiện.
XEM THÊM: Gần trăm phóng viên bao vây toà nhà 8B Lê Trực
Khoảng 7 giờ sáng ngày 15.9.2015, báo điện tử Petrotimes.vn đăng tải bài viết "Kỳ lạ "pháo đài" dòm xuống Lăng Bác". Nội dung bài viết phản ánh tòa nhà của Dự án Trung tâm Thương mại - Văn phòng - Nhà ở để bán và cho thuê tại số 8B phố Lê Trực, quận Ba Đình, Hà Nội đang uy hiếp và gây ảnh hưởng lớn đến an ninh, quốc phòng. Không những vậy, tòa nhà này nằm tại vị trí trung tâm hành chính - chính trị, thể thao, văn hóa của thủ đô Hà Nội: Quảng trường Ba Đình, Hồ Tây, Trung tâm hội nghị Quốc tế, sân vận động Cột Cờ, Di sản văn hóa thế giới Hoàng Thành Thăng Long, Văn miếu Quốc Tử Giám, Bệnh viện Xanh Pôn,... và có dấu hiệu sai phạm trong kết cấu công trình. Ngay khi bài viết được đăng tải, hàng ngàn ý kiến phản hồi của độc giả phẫn nộ, bức xúc với chủ đầu tư xây dựng công trình và dư luận dấy lên làn sóng phản đối việc tiếp tục xây dựng công trình này.
Tòa nhà 8B Lê Trực bị phát hiện có nhiều sai phạm trong kết cấu công trình và ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh quốc phòng.
Được biết, đầu năm 2014, ông Nguyễn Quốc Tuấn, nguyên Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội đã cấp giấy phép cho Công ty CP may Lê Trực xây dựng trung tâm thương mại, văn phòng, nhà ở với chiều cao hơn 50m, tại số 8B Lê Trực (Q. Ba Đình). Căn cứ theo giấy phép xây dựng ông Tuấn ký ngày 24.3.2014, Công ty cổ phần may Lê Trực được phép xây dựng trên lô đất này 3 công trình, gồm 1 trung tâm thương mại, văn phòng, nhà ở để bán hoặc cho thuê và 2 nhà vườn. Dự án có tên là Discovery Complex II, chủ đầu tư là Công ty CP Đầu tư xây dựng phát triển Kinh Đô. Tổng diện tích mặt sàn tòa nhà rộng gần 30.000m2 (chưa kể 4 tầng hầm), trong đó, 5 tầng làm trung tâm thương mại, từ tầng 6 trở lên là căn hộ để bán hoặc cho thuê.
Trước phản ánh về những sai phạm nghiêm trọng của công trình này, ngày 25.9.2015, ông Vũ Quốc Hùng - Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội đã ra văn bản chỉ đạo kiểm tra dự án Trung tâm thương mại, văn phòng, nhà ở tại số 8B Lê Trực, phường Điện Biên, quận Ba Đình, Hà Nội.
Sáng ngày 28.9.2015, đoàn kiểm tra liên ngành thành phố Hà Nội do ông Trần Việt Trung, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội dẫn đầu cùng các lực lượng thanh tra xây dựng, các đơn vị liên quan kiểm tra từng tầng của tòa nhà.
Sáng 29.9.2015, UBND TP.Hà Nội đã tổ chức họp khẩn cùng các sở ngành liên quan về kết quả rà soát thực hiện quy hoạch và quy trình xây dựng tòa nhà 8B Lê Trực, Q.Ba Đình để báo cáo Thủ tướng Chính phủ theo yêu cầu.
Những ngày đầu tháng 10.2015, Công ty Cổ phần May Lê Trực chính thức có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo Thành phố Hà Nội, với 3 nội dung: Nhận lỗi và xin lỗi trước Thủ tướng và lãnh đạo Thành phố về những sai phạm tại dự án 8B Lê Trực; Công ty Cổ phần May Lê Trực hứa tự khắc phục những sai phạm đã thực hiện như xây cao quá phép, thừa diện tích; Cuối cùng chủ đầu tư cam kết thực hiện nghiêm túc khắc phục các sai phạm.
Cũng trong thời gian này, UBND TP.Hà Nội đã báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ về kết quả kiểm tra công trình số 8B Lê Trực, phường Điện Biên, quận Ba Đình. Trong báo cáo, UBND TP.Hà Nội khẳng định chủ đầu tư đã mắc nhiều sai phạm, ngay từ khi chưa có giấy phép. Cụ thể, từ giai đoạn dự án đang làm thủ tục để xin chấp thuận quy hoạch, kiến trúc, cơ quan chức năng đã phạt chủ đầu tư 3 lần vào các năm 2010, 2012 do thi công khoan cọc nhồi; tháng 3.2014 phạt vì thi công 4 tầng hầm khi chưa có giấy phép xây dựng. Chỉ trong vòng 1 năm, từ tháng 7/2014 – 7/2015, công trình này đã bị kiểm tra, lập biên bản xử lý vi phạm 5 lần. Các sai phạm còn tồn tại ở công trình 8B Lê Trực đến nay là không thực hiện xây giật cấp từ tầng 8 - phải có khoảng lùi khối cao tầng 3,36 m so với khối đế từ phía đường Lê Trực sang phía đường Kim Mã. Phần giật cấp đầu hồi phía đông theo thiết kế độ cao 44 m công trình phải giật cấp vào 15 m; tại độ cao 50 m, công trình tiếp tục phải giật cấp thêm 5,3 m về phía tây. Tuy nhiên, chủ đầu tư không thực hiện giật cấp để tăng diện tích sàn xây dựng, tăng lợi nhuận kinh doanh. Về chiều cao công trình, giấy phép xây dựng quy định cao không quá 53 m ở đỉnh tum thang. Tuy nhiên, chủ đầu tư đã tự ý điều chỉnh tăng chiều cao các tầng, xây dựng thêm tầng 19 khiến tổng chiều cao công trình thực tế hiện nay là 69 m, vượt 16 m, tương đương 5 tầng.
Khi bị cưỡng chế dỡ bỏ phần vi phạm, chủ đầu tư thực hiện rất chậm chạp.
Ngày 9.10.2015, Bộ Xây dựng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo UBND TP Hà Nội 3 vấn đề: Thứ nhất, kiên quyết xử lý nghiêm việc xây dựng sai phép đối với chủ đầu tư theo đúng quy định của pháp luật; Thứ hai, xem xét, xử lý trách nhiệm đối với các tổ chức, cá nhân được giao nhiệm vụ quản lý trật tự xây dựng đô thị trên địa bàn đã để xảy ra vi phạm trong quá trình xây dựng công trình; Thứ ba, có kế hoạch, phương án, tiến độ cụ thể để sớm xử lý dứt điểm các sai phạm tại dự án này, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Sáng 13.10.2015, tại hội nghị lần thứ 23, Ban chấp hành Đảng bộ Hà Nội khóa XV, Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị khẳng định sẽ "cắt ngọn" 16m công trình 8B Lê Trực.
Ngày 26.10, thường trực Chính phủ đã họp với sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ nghe báo cáo về sai phạm trong xây dựng công trình 8B Lê Trực, trong đó có Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Xây dựng và UBND TP. Hà Nội. Sau khi nghe báo cáo của UBND TP. Hà Nội, ý kiến của các Bộ trong đó có đó có Bộ Xây dựng thì Thủ tướng đã có kết luận.
Thứ nhất, khẳng định vụ việc sai phạm ở 8B Lê Trực là vi phạm pháp luật rất nghiêm trọng. Thể hiện sự hạn chế yếu kém trong công tác quản lý trật tự xây dựng. Khẳng định sai phạm của chủ đầu tư.
Thứ hai, Thủ tướng cũng yêu cầu giữ nghiêm kỷ cương, rà soát kiểm tra đánh giá đúng mức độ vi phạm và xử phạt nghiêm minh. Yêu cầu chủ đầu tư trình cơ quan có thẩm quyền phương án và nêu thời gian cụ thể khắc phục sai phạm. Yêu cầu phá dỡ công trình nhưng đảm bảo an toàn, mỹ quan và đảm bảo những yêu cầu trong quá trình thực hiện
Ngày 28.10.2015, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ đã có văn bản yêu cầu UBND TP.Hà Nội chỉ đạo cơ quan chức năng khẩn trương xử lý sai phạm đã nêu tại 8B Lê Trực.
Ngày 30.10.2015, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên cho biết đã có kết luận của Thủ tướng về công trình 8B Lê Trực (Ba Đình, Hà Nội). Thủ tướng có 5 kết luận như sau:
Thứ nhất, để một tòa nhà to, xây dựng ở một vị trí trung tâm Thành phố như thế mà chúng ta mới phát hiện vi phạm để xử lý thì thấy rằng hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước ở đây là yếu kém, cần phải sớm có biện pháp khắc phục.
Thứ hai, Thủ tướng kết luận sau khi xem xét thủ tục cấp giấy phép và ý kiến của cơ quan chức năng đối với toà nhà này, thấy rằng UBND TP. Hà Nội và Bộ Xây dựng đã có nghiên cứu kỹ, chặt chẽ, đúng chức năng, đúng thẩm quyền, đúng quy định pháp luật trong việc cấp phép.
Thứ ba, chủ đầu tư đã cố tình vi phạm pháp luật, tính chất vi phạm nghiêm trọng, cần phải xử lý nghiêm minh.
Thứ tư, đình chỉ ngay các hoạt động xây dựng. Chủ đầu tư phải có phương án khắc phục sai phạm. UBND TP. Hà Nội duyệt phương án này một cách chặt chẽ và theo dõi việc khắc phục, trong đó phải theo đúng giấy phép khắc phục nhưng chú ý đến an toàn, kiến trúc, an ninh và một số vấn đề có liên quan khác.
Thứ năm, UBND TP. Hà Nội tiếp tục chỉ đạo thanh tra trách nhiệm đối với những tổ chức, cá nhân có liên quan nếu có phát hiện vi phạm thì cũng xử lý nghiêm minh.
Thủ tướng Chính phủ có kết luận tại Thông báo số 351/TB-VPCP ngày 02.11.2015 về những sai phạm tại tòa nhà 8B Lê Trực.
Chỉ sau gần 6 tháng bị phát hiện sai phạm, tòa nhà này liên tục bị cưỡng chế tháo dỡ phần kết cấu sai phạm.
Ngày 9.11.2015, Sở Xây dựng Hà Nội chủ trì cuộc họp với các bên liên quan để rà soát nội dung vi phạm và tiến độ xử lý công trình và yêu cầu chủ đầu tư nộp phương án phá dỡ theo các cam kết trên trước 17h ngày 15.11 tại UBND phường Điện Biên. Sau thời hạn trên, nếu chủ đầu tư không nộp phương án phá dỡ hoặc có nộp nhưng không đảm bảo theo đúng các yêu cầu và các quy định của pháp luật thì quận Ba Đình sẽ tổ chức cưỡng chế.
Ngày 21.11.2015, chủ đầu tư tòa nhà 8B Lê Trực (quận Ba Đình, Hà Nội) bắt đầu cho tiến hành "cắt ngọn" phần xây dựng sai phép. Tuy nhiên, việc thực hiện dỡ bỏ phần xây dựng sai kết cấu công trình của chủ đầu tư thực hiện rất chậm chạp, 3 ngày (từ 21- 23.11.2015) mới cắt được 23 mét vuông với số lượng công nhân tại công trường rất ít ỏi: 3 người, 3 máy khoan.
Ngày 28.11.2015, Sở Xây dựng Hà Nội yêu cầu chủ đầu tư khẩn trương bổ sung nhân lực, thiết bị máy móc thi công để đẩy nhanh tiến độ phá dỡ tòa nhà 8B Lê Trực.
Sáng 8.12.2015, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội, ông Nguyễn Ngọc Tuấn cho biết, nếu chủ đầu tư nhà 8B Lê Trực thực hiện tháo dỡ phần vi phạm không đảm bảo tiến độ, TP sẽ giao cho Sở Xây dựng, UBND quận Ba Đình thực hiện.
Ngày 5.1.2016, do tiến độ phá dỡ các phần kết cấu sai phạm tại tòa nhà 8B Lê Trực của chủ đầu tư không được thực hiện nhanh chóng và khẩn trương, Văn phòng UBND TP Hà Nội phát đi thông báo ý kiến chỉ đạo của Phó chủ tịch Nguyễn Quốc Hùng liên quan đến xử lý sai phạm xây dựng tại địa chỉ 8B Lê Trực. Theo đó, UBND thành phố chỉ đạo quận Ba Đình xây dựng kế hoạch và tổ chức cưỡng chế giai đoạn 1 (tum thang và tầng 19) theo phương án phá dỡ chủ đầu tư đã trình các cơ quan chức năng.
8h sáng 6.3.2016, UBND phường Điện Biên (Ba Đình, Hà Nội) tiếp tục thực hiện cưỡng chế phần xây dựng sai phạm của tòa nhà 8B Lê Trực, ngày 4.3, đã có thông báo gửi Công ty cổ phần may Lê Trực (chủ đầu tư) về việc áp dụng các biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt hành chính trong xây dựng tại dự án 8B Lê Trực.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.