“Tôi bị Ủy viên Bộ Chính trị-Trưởng Ban Tổ chức T.Ư 2 lần phê bình”

PVCT Thứ năm, ngày 07/11/2019 17:00 PM (GMT+7)
Theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân, về thí điểm thi tuyển chức danh lãnh đạo quản lý cấp vụ, cấp phòng triển khai chậm.
Bình luận 0

img

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân trả lời chất vấn trước Quốc hội (ảnh quochoi.vn).

Chiều nay (7/11), Quốc hội tiếp tục phiên chất với với Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân. Trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội (ĐBQH) về thí điểm thi tuyển chức danh lãnh đạo quản lý cấp vụ, cấp phòng, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cho biết, đây là chủ trương của Bộ Chính trị và Bộ Nội vụ đã triển khai chủ trương này chậm. Lý do vì Bộ yêu cầu các bộ ngành, địa phương đăng ký nhưng rất ít nơi đăng ký.

Bộ Nội vụ chỉ nhận được đăng ký của 14 bộ và 22 địa phương, sau đó mới chính thức báo cáo cho phép thí điểm. “Về vấn đề này, đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương phê bình tôi 2 lần”, Bộ trưởng Tân nói và cho biết trong số 14 bộ, 22 địa phương đăng ký thì mới làm được hơn một nửa. Trong khi đó có hai đơn vị tiên phong làm trước là Ban Tổ chức Trung ương và Bộ Nội vụ, đến giờ làm đã làm xong kế hoạch thí điểm. Còn các bộ khác chưa làm, có bộ mới chuẩn bị làm.

Theo ông, sắp tới Bộ Nội vụ sẽ phối hợp với Ban Tổ chức Trung ương sơ kết 2 năm thí điểm thi tuyển cán bộ cấp vụ, cấp phòng để tìm cơ chế nhân rộng.

Ở góc độ khác, ĐBQH Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn) trong chất vấn đã nhắc đến báo cáo của Bộ Nội vụ là cả nước chỉ có 0,63% công chức không hoàn thành nhiệm vụ.  “Con số 0,63% trên có phản ánh đúng tình hình thực tế thực thi công vụ của công chức hay không? Nếu không đúng, nguyên nhân là do quy định không phù hợp hay do có sự nể nang, dĩ hoà vi quý trong quá trình đánh giá phân loại công chức”, ĐB Nguyễn Thị Thuỷ chất vấn.

Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân dẫn báo cáo tổng hợp từ 40 tỉnh, thành và các bộ, ngành. Theo đó, tỷ lệ cán bộ, công chức hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ là 27,7%; hoàn thành tốt là 67,3%; hoàn thành nhiệm vụ nhưng năng lực còn hạn chế 6,3% và không hoàn thành 0,63%.

Người đứng đầu ngành Nội vụ cũng thẳng thắn, con số 0,63% là “chưa chính xác”. Theo ông, nguyên nhân do các địa phương khi xây dựng tiêu chí đánh giá chưa xây dựng tiêu chuẩn, điều kiện và mức độ hoàn thành nhiệm vụ công việc được phân công nên đánh giá một cách chung chung, còn cảm tính, nể nang.

Ông cho hay, ở Bộ Nội vụ có kiểm tra, ghi chép công việc hàng tháng và công khai ai hoàn thành, ai chưa, lý do vì sao. Đây là căn cứ để đánh giá thi đua cuối năm. Nghĩa là giao việc thì phải đi kèm kiểm tra, giám sát.

“Thường là các đồng chí lãnh đạo ít khi nào được đánh giá là hoàn thành nhiệm vụ, hoàn thành tốt lắm. Tôi hơn 10 năm làm lãnh đạo từ cấp tỉnh trở lên, tôi chưa có bản tự kiểm nào tự đánh giá là hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ cả. Nhưng anh em nói nếu Chủ tịch, Bí thư, Bộ trưởng mà không tự xếp loại như vậy thì chúng em làm gì có hoàn toàn xuất sắc được. Tư tưởng còn nể nang là ở chỗ này”, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân nói và cho biết thấy áy náy vì đơn vị mình có hoàn thành xuất sắc đâu mà mình hoàn thành xuất sắc…

Ông khẳng định, tới đây Bộ này sẽ tham mưu Chính phủ ban hành nghị định mới thay thế quy định hiện tại theo hướng "đánh giá ngang, dọc, đa chiều, đánh giá bằng những sản phẩm cụ thể ". Với từng đơn vị, địa phương, phải chấn chỉnh, tránh tình trạng đánh giá cán bộ đến mức “không tìm ra được người để tinh giản biên chế".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem