Tôi có niềm tin khi tự ứng cử vào T.Ư Đảng

Thứ ba, ngày 11/01/2011 11:56 AM (GMT+7)
"Tôi tin rằng trong bối cảnh dân chủ hiện nay, đảng viên và người dân trông chờ những ứng cử viên có khao khát và bản lĩnh", ông Nguyễn Xuân Kiên, người đầu tiên tự ứng cử vào Ban chấp hành Trung ương khóa XI, chia sẻ.
Bình luận 0

Ông Nguyễn Xuân Kiên (45 tuổi) hiện là Phó giám đốc Trung tâm nghiên cứu khoa học nghiệp vụ và tư liệu Ban Tuyên giáo Trung ương. Chiều 10-1, tại phòng làm việc khá đơn giản của mình, ông đã có cuộc trò chuyện với phóng viên.

- Vì sao ông quyết định tự ứng cử vào Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa tới?

- Tôi viết đơn ngày 8-12-2010, ứng cử vào vị trí ủy viên trung ương. Tôi là người đam mê nghiên cứu khoa học kinh tế trong suốt 20 năm qua từ khi còn là sinh viên đến cán bộ giảng dạy hay lúc công tác tại Ban Khoa giáo trung ương (nay là Ban Tuyên giáo trung ương).

Khi nộp đơn, tôi muốn đóng góp một chút công sức, trí tuệ của mình vào tiến trình đổi mới của đất nước. Tôi rất trăn trở về triển vọng phát triển kinh tế của nước ta. 30-50 năm tới Việt Nam có thể là một cường quốc kinh tế vì chúng ta hội đủ các điều kiện đó.

Nhưng trong ngắn hạn, chúng ta phải mạnh dạn bứt phá, đổi mới trong điều hành để các nguồn lực được tái cấu trúc một cách hiệu quả. Nếu chúng ta không quyết liệt đổi mới điều hành trong ngắn hạn thì những khó khăn có thể sẽ còn kéo dài bởi áp lực của khủng hoảng kinh toàn cầu, áp lực của nền kinh tế thị trường.

img

Ông Nguyễn Xuân Kiên: "Tôi muốn đóng góp công sức, trí tuệ khiêm nhường của mình vào tiến trình đổi mới của đất nước".

- Đồng nghiệp và lãnh đạo cơ quan chia sẻ gì khi biết ông nộp đơn tự ứng cử?

- Anh em đồng nghiệp lúc đầu ngạc nhiên nhưng sau rất ủng hộ, lãnh đạo cũng rất chia sẻ. Sự ngạc nhiên của đồng nghiệp lúc ban đầu cũng dễ hiểu thôi, đó là thói quen tư duy. Tuy trong điều lệ hoàn toàn cho phép đảng viên tự ứng cử nhưng điều tôi làm vẫn là mới so với hành động thông thường.

- Nộp đơn chỉ một tháng trước khi đại hội XI khai mạc, ông có lo ngại thời gian quá ngắn khiến các đại biểu đại hội thiếu thông tin về ông?

- Thời gian chỉ là một yếu tố nhất định còn nếu thực sự mọi người muốn tìm hiểu và chia sẻ ý tưởng của tôi thì có thể tham khảo những cuốn sách mà tôi viết để thấy có tính xuyên suốt những ý tưởng về cải tiến nền kinh tế. Tôi tin rằng trong bối cảnh dân chủ hiện nay, đảng viên và người dân trông chờ những ứng cử viên có khao khát, bản lĩnh.

- Là một tiến sĩ Kinh tế chính trị, nhiều năm nghiên cứu, nhưng ông sẽ nói gì nếu có ý kiến lo ngại về khả năng hoạt động thực tiễn của ông?

- Đúng là có người băn khoăn thế. Nhưng thực ra tôi không đơn thuần là một người nghiên cứu lý luận. Tôi từng hoạt động Đoàn, từng là phó bí thư đoàn trường, phó bí thư đoàn khối. Tôi cũng là người nghiên cứu say mê nhưng cũng hành động gắn với thực tiễn.

Điểm thứ hai, thực ra, không phải những người say mê nghiên cứu không gắn với thực tiễn. Mà những người đó thường xuyên trăn trở, quan sát thực tiễn và khi có điều kiện thuận lợi thì sẽ ứng dụng những trăn trở ấy vào thực tế.

- Trong những đại hội Đảng gần đây, số người tự ứng cử được bầu vào Ban chấp hành trung ương khá thấp. Ông suy nghĩ như thế nào về cơ hội của mình?

- Tôi hoàn toàn biết điều ấy và đã tham khảo, đọc lại các dữ liệu của các kỳ đại hội trước. Nhưng mỗi thời điểm một khác. 5 năm trước khác và bây giờ khác. Tôi tin ở sự đổi mới mạnh mẽ trong Đảng. Niềm tin đó thôi thúc tôi đóng góp ý tưởng để đưa Việt Nam trở thành một nền kinh tế năng động và đóng góp vào kinh tế toàn cầu. Niềm tin đó xuyên suốt trong rất cả các cuốn sách tôi viết và thể hiện trong lá đơn của tôi.

Tôi nghĩ rằng các đảng viên sẽ chia sẻ với tôi về khát vọng muốn thúc đẩy hơn nữa sự đổi mới nền kinh tế đất nước và tôi tin rằng tất cả cũng thực sự trăn trở trước cơ hội vàng của đất nước đang diễn ra. Hơn lúc nào hết phải sát cánh hơn nữa, phải đổi mới hơn nữa phương thức điều hành. Cần dũng cảm, tự chịu trách nhiệm và mạnh dạn đề xuất hơn nữa để có một nền kinh tế năng động, bứt phá trong bối cảnh áp lực của nền kinh tế toàn cầu.

Tiến sĩ Nguyễn Xuân Kiên sinh ngày 1-8-1966, quê Gia Bình - Bắc Ninh. Ông tốt nghiệp khoa Giáo dục Chính trị - ĐH Sư phạm I Hà Nội sau đó giảng dạy 8 năm tại đây trước khi trở thành Tiến sĩ chuyên ngành Kinh tế chính trị. Vợ ông cũng là một tiến sĩ khoa học.

Ông Kiên cho biết, ông thích đọc sách về kinh tế chính trị, tâm lý, tiểu thuyết.

Theo Vnexpress
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem