Tôi hối hận vì đã tung hê chuyện mẹ nợ nần

Hạ Vy Thứ hai, ngày 19/12/2016 19:46 PM (GMT+7)
Tôi dìu mẹ vào nhà rồi khóc như một đứa trẻ. Mẹ như ngày hôm nay có lẽ cũng một phần là do tôi. Nếu tôi quan tâm hơn đến mẹ, chịu khó chuyện trò tâm sự cùng mẹ có lẽ mẹ tôi đã không lao điên cuồng vào cờ bạc như vậy. Tôi thật sự đã rất hối hận.
Bình luận 0

Sau khi đọc bài viết của tác giả Nguyên Thảo “Nguy cơ mất nhà vì mẹ chồng đam mê cờ bạc, nợ nần chồng chất”, tôi đã thực sự rất đồng cảm với bạn. Không ai trên đời này muốn người thân vướng vào lô đề cờ bạc nợ nần, và tôi cũng vậy. Nhưng quả thực cuộc đời này quá nhiều trớ trêu. Tôi – một người tạm gọi là thành công (công việc ổn định, thu nhập khá, gia đình hạnh phúc với người chồng chiều vợ, thương con và cậu con trai kháu khỉnh) nhưng mỗi khi nhắc đến mẹ, tôi đều quay sang chuyện khác.

img

Ảnh  minh họa

Chắc có lẽ các bạn sẽ ngạc nhiên nhưng đó là sự thật. Tôi rất xấu hổ với mọi người xung quanh về mẹ đẻ của mình, bởi bà là nguồn cơn của mọi bất hạnh xảy ra trong cuộc đời tôi.

Ngày nhỏ, khi tôi mới khoảng 3, 4 tuổi, bố tôi chẳng may bị bệnh nặng qua đời, để lại cho mẹ tôi một nách hai con (tôi và cô em gái). Thời gian đầu mẹ cố gắng bươn chải kiếm tiền nhưng vẫn không đủ cho tiền sinh hoạt, tiền học hành của hai chị em tôi. Sau khi nghe lời rủ rê của hội các bà buôn bán cùng chợ, mẹ tôi bắt đầu lao vào con đường cờ bạc, lô đề.

Tôi vẫn còn nhớ như in những lần chủ nợ đến nhà siết nợ đập phá đồ đạc. Khi ấy, tôi đã chạy đến ôm mẹ nhưng bà đẩy tôi ra rồi tát liên tiếp vào mặt tôi và hét lên: “Lũ ăn hại, chúng mày là cục nợ của đời tao. Vì chúng mày mà tao sống khổ sở”. Từ giây phút ấy, tôi trở nên căm ghét mẹ.

Đến khi vào đại học, tôi như con chim được sổ lồng, cả năm tôi không về quê thăm nhà, và mẹ tôi cũng chẳng bao giờ gọi điện hỏi han. Rồi khi ra trường, lập gia đình, mẹ tôi đã yếu hơn lại còn mắc bệnh vì vậy tôi buộc phải đưa mẹ lên Hà Nội ở cùng.

Trước khi đưa mẹ lên, tôi đã yêu cầu bà phải hứa không chơi lô đề, cờ bạc, không nợ nần làm mất mặt vợ chồng tôi và mẹ đã đồng ý. Mẹ tôi hứa với vợ chồng tôi sẽ không trở lại con đường lô đề cờ bạc, một lòng dưỡng bệnh, vui tuổi già với con cháu.

Thời gian đầu ở với vợ chồng tôi, hàng ngày mẹ chăm bẵm thằng cu con, chiều tới lại chợ búa cơm nước tinh tươm, tuyệt nhiên không màng đến giấy, bút, tính toán lô đề. Tôi thực sự rất vui. Nhưng rồi một hôm bất chợt đi làm về sớm, tôi bắt gặp cảnh mẹ và vài người bạn đang đánh bạc giữa nhà. Đến nước này thì tôi không thể nhịn được nữa. Tôi đã kéo tay mẹ ra ngoài đường và bảo bà đừng bao giờ bước vào nhà nữa. Nhưng rồi bà khóc lóc van xin thảm thiết tôi lại mềm lòng.

Cho đến một hôm, khi đang họp ở công ty, bất ngờ một nhóm côn đồ xông đến, đặt giấy nợ có ghi tên tôi trên bàn khiến tôi choáng váng. Tôi đã nhìn rõ số 5 và tám con số 0 tròn chĩnh phía sau. Trời ơi, tôi đâu có vay tiền, tại sao lại mọc ra khoản nợ lớn như thế này. Tôi nghĩ ngay đến mẹ, chắc chắn đây là tác phẩm của bà.Xấu hổ rời khỏi cơ quan, tôi mang tờ giấy ghi nợ về truy hỏi, sau một hồi quanh co, cuối cùng mẹ tôi cũng khai nhận đó là số tiền bà vay nợ dưới tên tôi để đánh đề. 

Lần này, tôi quyết định đuổi bà ra khỏi nhà, cho dù bà có van xin thế nào đi chăng nữa tôi. Tôi đến từng nhà người thân kể câu chuyện nợ nần của bà và cảnh báo họ không được cho bà vay cũng như cho bà ở nhờ.

Một tuần sau, khi tôi dọn dẹp phòng ngủ của bà thì bất ngờ đọc được cuốn sổ ghi chép bà vẫn giấu dưới gối. Hóa ra, bấy lâu nay mẹ tôi vẫn luôn day dứt về việc không lo cho chị em tôi cuộc sống đầy đủ, sung túc. Việc mẹ tôi lao như thiêu thân vào cờ bạc, lô đề cũng chỉ vì bà muốn kiếm được nhiều tiền, muốn thay đổi cuộc sống. Và như trang cuối cùng bà tâm sự “muốn có tiền để mua đồ chơi cho cháu”.

Tôi đã khóc khi đọc những dòng tâm sự ấy, bởi lâu nay tôi vẫn nghĩ rằng bà ghét tôi. Bất chợt có chuông gọi cửa. Tôi chạy xuống mở cửa, thấy bác Liên (hàng xóm) đang dìu mẹ tôi ngất lịm, quần áo lếch thếch, người gầy như thanh củi khô. Chưa kịp nói câu nào thì bác Liên đã nói đỡ: “Khổ thân, chắc mấy hôm vừa rồi không được ăn gì, đói lả đi rồi. Thôi cháu ạ, mẹ dù thế nào vẫn là mẹ. Hãy tha thứ cho bà ấy. Sau lần này chắc bà ấy chẳng dám nữa đâu”.

Tôi dìu mẹ vào nhà rồi khóc như một đứa trẻ. Mẹ như ngày hôm nay có lẽ cũng một phần là do tôi. Nếu tôi quan tâm hơn đến mẹ, chịu khó chuyện trò tâm sự cùng mẹ có lẽ mẹ tôi đã không lao điên cuồng vào cờ bạc như vậy. Tôi thật sự đã rất hối hận.   

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem