Trò chuyện với PV trong ngôi nhà gỗ nhỏ mát lạnh ở Đà Lạt, ông Nguyễn Thế Vinh (62 tuổi), bố của chàng trai 9X Quốc Huy cho biết: “Giờ tôi nghĩ lại, thấy từ nhỏ nó đã có năng khiếu về ngành điện, chế tạo máy”. Ông Vinh kể, ngày xưa khi được mua cho chiếc ô tô điều khiển từ xa, chỉ chơi được mấy ngày, Huy đã tháo bung ra và lấy bộ điều khiển từ xa.
Quốc Huy thường xuyên mày mò, chế tạo nhiều loại máy móc từ các vật liệu cũ của gia đình. Ảnh: Văn Long.
Thấy thợ khoan giếng bằng máy dầu, Huy đã học theo và chế tạo được chiếc máy khoan bằng điện. “Nó làm hay lắm, mình chả hiểu được, làm xong nó cùng em chơi ngoài sân, em đổ nước anh bấm nút, vậy mà cũng khoan sâu được hàng mét đất”, bố Huy kể lại.
Huy cho biết, từ nhỏ mình cũng đã có đam mê ngành điện, khi học xong lớp 9 thì Huy đã nghỉ học để ở nhà phụ giúp bố mẹ. Thế nhưng một thời gian sau đó, 9X đã quyết định học ngành Kỹ thuật điện lạnh tại trường Cao đẳng nghề TP. Hồ Chí Minh.
Điện là ngành mà Huy đam mê từ nhỏ. Ảnh: Văn Long.
Trong khi đang học năm 2 thì Huy đã có ý tưởng thực hiện một mô hình tưới cây bằng smartphone, bởi khi còn làm ở nhà chàng trai này đã phải thường xuyên kéo ống, kéo máy, lắp ráp rất cực nhọc cho mỗi lần tưới. “Ngày trước, những ngày được nghỉ học em lại muốn đi học vì ở nhà kéo ống tưới và kéo máy nổ rất cực, nhưng giờ em đã làm được hệ thống tưới thông minh này nên gia đình rất khỏe”, Huy chia sẻ.
Tưới thông minh bằng Smartphone
Hiện nay với 3000m2 của gia đình trồng cà rốt Huy sử dụng hệ thống 4 van để tưới đủ cho cả vườn.
Quốc Huy cho biết, khi mới bắt tay vào thực hiện ý tưởng, em gặp rất nhiều khó khăn. Vốn đầu tư phải năn nỉ, thuyết phục bố mẹ rất nhiều để có tiền mua vật tư. “Mới đầu nó nói tôi đâu có tin, làm sao mà bấm điện thoại có thể tưới được. Không làm được đâu con ạ! Lỡ đêm đang tưới mà ống nó nổ ai dậy lắp. Đến bây giờ tôi mới tin rằng không có gì là không thể”, ông Vinh tự hào nói.
Quốc Huy bên hệ thống tưới thông minh của mình. Ảnh: Văn Long.
Không giấu nổi niềm vui, bà Phạm Thị Vân, mẹ của Quốc Huy cho biết: “Giờ tưới sướng lắm, có khi mình đang đi đám cưới hay chữa bệnh dưới thành phố cũng có thể tưới được vườn ở nhà mặc dù chỉ bằng chiếc điện thoại đen trắng”.
Quốc Huy cho biết thêm, nguyên lý hoạt động của hệ thống khá đơn giản. Với 4 van tưới trong vườn thì tương ứng trong bảng điều khiển hệ thống của Huy có 4 chiếc đồng hồ hẹn giờ tưới cho từng van.
Quốc Huy giới thiệu hệ thống tưới của mình. Ảnh: Văn Long.
“Đầu tiên, người sử dụng cần xoay chỉnh đồng hồ để hẹn giờ tưới, sau đó nhập cú pháp gửi tin nhắn cho hệ thống hoạt động. Trong quá trình vận hành, hệ thống nếu gặp một số sự cố như phin lọc bẩn, vỡ đường ống, hết nước, động cơ không hoạt động, quá tải hay mất pha thì hệ thống tự động ngắt và gửi tin nhắn báo động về cho người dùng. Khi đó đèn báo động lắp trên hệ thống sẽ tự sáng để cảnh báo người dùng”, Quốc huy giải thích thêm.
Thời gian mới vận hành hệ thống, Huy thường mắc vào sự cố hết nước trong bể chứa dẫn đến việc không chủ động trong thời gian tưới. Sau đó Huy đã nghiên cứu lắp thêm hai chiếc đồng hồ để hẹn giờ cho hỏa tiễn tự động hút nước từ giếng khoan lên bể chứa. Cụ thể, hỏa tiễn cứ hút nước 20 phút thì nghỉ 15 phút, chỉ khi nào người dùng nhắn tin ngừng hoạt động thì hệ thống sẽ tự ngắt.
Ông Vinh tự hào khi nói về đam mê của mình. Ảnh: Văn Long.
Năm 2017, Quốc Huy tham dự Hội thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh Lâm Đồng lần thứ 8, và đã đạt giải ba, là niềm tự hào của bố mẹ và gia đình. Huy cho biết trong thời gian tới sẽ chế tạo thêm hệ thống làm cỏ, khoan hố cây trồng và nhiều tính năng khác giúp đỡ cho người làm nông nhàn hạ hơn.
Hiện nay, đã có nhiều khách hàng đặt mua và thuê Huy lắp đặt hệ thống trong vườn. Chàng trai 9X này cho hay, với mỗi bộ điều khiển như vậy giá thành trên 30 triệu cho mỗi ha.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.