Vừa dạy nghề, vừa chuyển giao nông nghiệp công nghệ cao

Trần Đáng Thứ tư, ngày 25/04/2018 19:42 PM (GMT+7)
TP.HCM đang tăng tốc cho nông nghiệp công nghệ cao bằng cách đẩy mạnh đào tạo và hỗ trợ nông dân trên địa bàn thành phố.
Bình luận 0

Theo Sở NNPTNT TP.HCM, trong giai đoạn 2017 – 2020, thành phố đặt mục tiêu đào tạo nghề cho 13.000 lao động nông thôn để phục vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Trong đó, 70% số lao động nông thôn sẽ học các nghề nông nghiệp để phục vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp và góp phần xây dựng nông thôn mới, 20% cho lao động tham gia sản xuất nông nghiệp công nghệ cao.

Chen chân vào nông nghiệp công nghệ cao

img

Đoàn Hội Nông dân TP.HCM thăm HTX Thủy sản Tương Lai (Củ Chi) để tìm hiểu nhu cầu hỗ trợ để ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất. Ảnh: TRẦN ĐÁNG

Theo Sở NNPTNT TP.HCM, từ khi thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, đến nay thành phố đã hỗ trợ đào tạo nghề cho hơn 53.360 lượt lao động nông thôn; trong đó, số lao động có việc làm mới và tiếp tục làm nghề cũ đạt trên 80%.

Ông Trần Tử Bình (xã Long Thới, huyện Nhà Bè) – nông dân đang trồng 800m2 hoa lan cắt cành, cho biết, ông được Trung tâm Khuyến nông TP.HCM chuyển giao kỹ thuật và cây giống nhằm thực hiện xây dựng mô hình sản xuất hoa lan cắt cành. Với sự hỗ trợ này, sau hơn một năm đưa vào trồng các giống lan như mokara, dendro, vũ nữ, cattleya… đã cho thấy những tín hiệu kinh tế khá tích cực. “Qua thời gian triển khai, thực hiện mô hình, tôi đã rút ra những kinh nghiệm về trồng, chăm sóc và xử lý ra hoa để có thể nâng cao chất lượng hoa cũng như mở rộng mô hình” - ông Bình chia sẻ. Với số vốn ban đầu 100 triệu đồng, hiện ông Bình đã có lãi từ việc cung cấp hoa cho các cửa hàng hoa trên địa bàn. Ông tính, thu nhập trồng lan hàng năm là hơn 200 triệu đồng.

Cùng với chương trình hỗ trợ đào tạo nghề làm nông công nghệ cao của thành phố, Hội ND TP.HCM cũng triển khai kế hoạch hỗ trợ nhu cầu trang bị công nghệ cao vào sản xuất của nông dân. Vừa qua, Hội đã đưa đoàn doanh nghiệp sản xuất công nghệ cao tiếp cận với nông dân để tìm hiểu nhu cầu của 2 bên.

Giám đốc HTX Chăn nuôi lợn an toàn Tiên Phong - ông Trần Quốc Thắng cho biết, ông cần được trang bị hệ thống quản lý tự động cho đàn heo, trước mắt nhằm hạ thấp số lượng và chi phí nhân công. Hiện HTX có khoảng 5.000 nái và 40.000 lợn thịt. “Với 1.000 lợn nái, một công ty chăn nuôi ở châu Âu chỉ cần 3 - 4 nhân công quản lý, nhưng HTX của tôi phải cần gấp 10 lần số nhân công này” - ông Thắng cho biết.

Theo ông Trần Kim Vũ – Phó Giám đốc Công ty CP Global Cybersoft, nếu trang bị hệ thống quản lý chăn nuôi tự động của nước ngoài, HTX Tiên Phong phải đầu tư số tiền rất lớn. “Tùy theo túi tiền của HTX mà doanh nghiệp chúng tôi sẽ thiết kế hệ thống quản lý tự động chăn nuôi heo với mức chi phí hợp lý” - ông Vũ thổ lộ.

Hiện Hội ND TP.HCM đang xây dựng chương trình đưa nông dân thành phố tiếp cận những thành tựu công nghệ thông tin vào sản xuất nông nghiệp đô thị, như: Hệ thống quản lý nông nghiệp công nghệ cao Smart Agri trong trồng trọt, chăn nuôi hay nuôi trồng thủy sản; phần mềm ứng dụng công nghệ thông tin cũng như công nghệ cao vào sản xuất và cung ứng thức ăn thô xanh ủ chua và Chip thông minh ứng dụng trong việc kết nối giữa các thành phần theo nhu cầu của người đặt hàng…

Nâng cao chất lượng đào tạo nghề

Theo ông Trần Ngọc Hổ - Phó Giám đốc Sở NNPTNT TP.HCM, nhằm nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn, sở cùng các địa phương tổ chức khảo sát về dự báo nhu cầu đào tạo nghề nông nghiệp cho lao địa đại bàn thành phố. Từ đó có giải pháp điều chỉnh, bổ sung, tổ chức dạy nghề cho lao động nông thôn nhằm nâng cao hiệu quả, chất lượng và tỷ lệ lao động qua đào tạo.

Đánh giá của Chi cục Phát triển nông thôn TP.HCM cho thấy, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn thời gian qua đã có chuyển biến tích cực và mang lại một số hiệu quả mới. Một bộ phận lao động nông thôn sau khi học nghề đã chuyển sang phát triển những mô hình đạt hiệu quả kinh tế cao phù hợp với định hướng phát triển nông nghiệp đô thị trên địa bàn thành phố.

Trong năm 2017, tại địa phương có đào tạo nghề nông nghiệp đã phát triển được những mô hình nông nghiệp công nghệ cao có hiệu quả, điển hình là mô hình trồng rau theo tiêu chuẩn VietGAP, các học viên sau khi học xong đã phát triển sản xuất theo định hướng chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên địa bàn. Ngoài ra, còn có các mô hình khác, như: trồng hoa lan cắt cành, chăm sóc bon sai, cây kiểng, nấm dược liệu, cá kiểng... Theo ông Trần Trường Sơn – Phó Chủ tịch Hội ND TP.HCM, hiện nhiều nông dân đã nhận thấy lợi ích việc tiếp nhận kỹ thuật và đầu tư công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, với doanh nghiệp, HTX việc đầu tư công nghệ cao khá bài bản do có vốn. Riêng nông hộ nhỏ, lẻ thực hiện còn hạn chế, chưa đồng bộ.

“Để khuyến khích nông dân phát triển công nghệ cao, thành phố cần có nhiều chính sách hỗ trợ nông dân tiếp cận vốn vay ưu đãi và đẩy mạnh đào tạo nghề nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao” - ông Sơn chia sẻ.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem