Tối nay, bão hướng thẳng vào Đà Nẵng - Quảng Ngãi

Đình Thắng Thứ hai, ngày 12/09/2016 18:21 PM (GMT+7)
Chiều nay (12.9) Ban thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai đã tổ chức cuộc họp trực tuyến với 13 tỉnh, thành miền Trung về phòng chống áp thấp nhiệt đới sẽ mạnh lên thành bão trong đêm nay.
Bình luận 0

Tại cuộc họp, TS Hoàng Đức Nghĩa - Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương - cho biết: đến 16h hôm nay, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 14,6 độ Vĩ Bắc; 110,7 độ Kinh Đông, cách bờ biển các tỉnh Quảng Nam - Bình Định khoảng 170km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 7 (50-60km/h), giật cấp 8-9. Dự báo trong 3-6 giờ tới, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 20km và khả năng cao mạnh lên thành bão. Đến 22h cùng ngày, vị trí tâm bão ở vào khoảng 15,0 độ Vĩ Bắc; 109,9 độ Kinh Đông, cách bờ biển các tỉnh Quảng Nam - Bình Định khoảng 100km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75km/h), giật cấp 9-10.

img

Dự báo đường đi của bão. Nguồn: TTKTTVTƯ

Theo TS Hoàng Đức Cường, sáng mai (13.9), bão sẽ đổ bộ, do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới sau mạnh lên thành bão, vùng biển ngoài khơi các tỉnh Quảng Trị đến Bình Định có gió mạnh cấp 6-7, vùng gần tâm bão đi qua (Đà Nẵng-Quảng Ngãi) cấp 8, giật cấp 9-10; sóng biển cao 3-4 mét, biển động mạnh. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 3.

"Siêu bão Meranti đang ở cấp 16 đang di chuyển ở phía Đông Philippines, cơn bão này bắt đầu ảnh hưởng đến biển Đông từ ngày 14.9. Chúng tôi hi vọng cơn bão này di chuyển vào biển Đông khi cơn bão số 4 đã đi qua".

TS Hoàng Đức Nghĩa - Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương

Do ảnh hưởng của hoàn lưu áp thấp nhiệt đới kết hợp với đới gió đông bắc, ở các tỉnh từ Đà Nẵng đến Phú Yên đã có mưa với lượng mưa phổ biến 50-100mm, một số có mưa rất to như: An Chỉ (Quảng Ngãi) 200mm; Sông Vệ (Quảng Ngãi) 190mm; Hoài Ân (Bình Định) 170mm; Bồng Sơn (Bình Định) 230mm;… Tại đảo Lý Sơn đã có gió giật mạnh cấp 7. Các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Quảng Ngãi đã có mưa dông, lốc kèm gió giật mạnh.

Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão kết hợp với đới gió đông bắc nên khu vực các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên Huế có khả năng cao xảy ra mưa dông kèm lốc xoáy và gió giật mạnh.

Do ảnh hưởng của hoàn lưu áp thấp nhiệt đới sau mạnh lên thành bão, ở các tỉnh từ Quảng Trị đến Bình Định và Bắc Tây Nguyên từ hôm nay (12.9) đến ngày 14.9 có mưa vừa, mưa to đến rất to (phổ biến 100-200mm). Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 1-2. Các tỉnh từ Quảng Bình đến Thanh Hóa, khu vực Nam Bộ và Nam Tây Nguyên có mưa vừa, có nơi mưa to đến rất to (50-100mm) kèm gió giật mạnh. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 1.

Thiếu tướng Trương Đức Nghĩa- Chánh Văn phòng Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ - cho biết: “Các lực lượng ở Quân khu 5, Quân đoàn 3, các lực lượng hải quân, biên phòng đã sẵn sàng lực lượng để phối hợp phòng chống, đề nghị các địa phương chủ động phối hợp liên lạc để chủ động ứng phó”.

Ông Hồ Minh Kỳ - Phó Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng - cho biết: “Các học sinh trên toàn thành phố được cho nghỉ học từ sáng 13.9, từ chiều nay thành phố đã cấm tàu thuyền hoạt động trên biển, các tàu thuyền du lịch. Bộ chỉ huy biên phòng đã liên lạc với tất cả các phương tiện tàu thuyền về nơi neo đậu an toàn. Về ứng phó trên đất liền, các ban ngành liên quan tổ chức trực bão 24/24h”.

Tỉnh Quảng Ngãi đã chỉ đạo tạm dừng tất cả các cuộc họp không cần thiết để tập trung chống bão. Nghiêm cấm tàu thuyền ra biển từ 2h chiều nay và đã cho các lực lượng trực canh tại các khu vực nguy hiểm dễ xảy ra sạt lở, lũ quét. Còn 1.000ha lúa hè thu chưa thu hoạch, có thể sẽ ảnh hưởng từ cơn bão này.

Đối với Quảng Nam, ông Lê Trí Thanh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh - cho biết: “Hiện nay có 4.136 tàu đã neo đậu an toàn, trong ngày 11.9 chúng tôi đã cấm toàn bộ tàu thuyền và du khách đi ra các đảo du lịch”.

Chỉ đạo tại buổi họp, ông Nguyễn Xuân Cường - Bộ trưởng Bộ NNPTNT, Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai - cho biết: “Để đảm bảo an toàn cho công tác đối phó, các tỉnh từ Quảng Bình đến Khánh Hòa cần chủ động đảm bảo an toàn tính mạng cho các ngư dân, lao động trên tàu thuyền. Các tỉnh cần tuyệt đối cấm biển không cho tàu thuyền ra vào bờ. Đợt áp thấp này sẽ gây ra mưa lớn từ Quảng Trị đến Bình Định và 2 tỉnh Tây Nguyên là Gia Lai, Kon Tum”.

Đối với sản xuất nông nghiệp, ông Nguyễn Xuân Cường đề nghị các địa phương hết sức chú ý đến an toàn nuôi trồng thủy sản, chú ý đôn đốc thu hoạch lúa hè thu, nếu không sẽ mất mùa tại chỗ. Tất cả các công trình nhà dân, công trình trọng điểm cần có phương án phòng chống, sau bão vài ngày  mưa lớn sẽ có khả năng gây ra sạt lở, lũ quét, vì vậy cần có lực lượng canh trực tại các điểm có khả năng sạt lở để cảnh báo cho người dân không đi lại ở những khu vực này.

Bình Định: Vẫn còn gần 35.000 ngư dân đang hoạt động trên biển

Tối nay, ông Phan Xuân Hải - Chánh văn phòng Ban chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh Bình Định - cho biết, Ban chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh Bình Định đã có công điện chỉ đạo các sở, ban, ngành, các huyện, thị xã, thành phố chủ động đối phó với áp thấp nhiệt đới và mưa lũ...

Theo kết quả kiểm đếm tàu thuyền của Bộ đội Biên phòng tỉnh lúc 16h chiều nay: Bình Định có 6.304 tàu thuyền với 42.966 ngư dân tham gia đánh bắt. Hiện neo đậu, hoạt động ven bờ trong tỉnh có 1.206 tàu với 8.193 ngư dân và vẫn còn 5.098 tàu cùng 34.773 ngư dân đang hoạt động trên biển với nhiều phạm vi khác nhau. Đặc biệt, khu vực quần đảo Trường Sa có 287 tàu với 2.050 ngư dân, khu vực quần đảo Hoàng Sa có 20 tàu với 140 ngư dân, khu vực giữa Hoàng Sa, Trường Sa còn 308 tàu với 2.156 ngư dân. Các tàu thuyền đang hoạt động trên biển đã nhận được thông tin áp thấp nhiệt đới và đang trên đường di chuyển tránh xa vùng áp thấp nhiệt đới.

Hiện tại, do ảnh hưởng của hoàn lưu áp thấp nhiệt đới được dự báo sẽ mạnh lên thành bão nên tại Bình Định đã có mưa lớn trên diện rộng.

Dũ Tuấn

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem