"Tôi treo rác lên tàu cũng để giúp môi trường đỡ ô nhiễm thôi"

Nguyễn Duyên Thứ năm, ngày 23/11/2017 08:21 AM (GMT+7)
Khi tàu đang dừng chờ để vào ga tại thị trấn Hương Khê (Hương Khê - Hà Tĩnh), một số người dân sống gần đó đã mang những bao rác được vứt cạnh đường tàu treo lên các toa tàu. Sự việc được một người dân quay lại và tung lên mạng. Khi được hỏi, một số người dân cho rằng, họ làm thế để tránh ô nhiễm môi trường nơi họ sinh sống.
Bình luận 0

img

Đoạn đường xuất hiện trong video treo rác thải lên tàu. (Ảnh: N. Duyên)

Những ngày qua, trên mạng xã hội xuất hiện đoạn video ghi lại cảnh một số người dân tranh thủ tàu dừng để treo những bao rác thải lên đó. Để tìm hiểu sự việc trên, PV đã tiếp cận với những người dân sống gần nơi xảy ra sự việc và biết được, đây là khu vực tuyến đường sắt Bắc-Nam chạy qua khối 7, thị trấn Hương Khê, cạnh Chợ Sơn (chợ huyện Hương Khê).

Chị L, một người dân buôn bán tại khu vực chợ trời của Chợ Sơn, cho hay: "Đúng là có sự việc người dân mang rác treo trên tàu. Nhưng đó là do lâu nay không có bãi đổ rác nên người dân đưa rác các nơi bỏ chỗ đó. Những người sống ở đó cũng không còn cách nào khác nên họ mới làm vậy. Chúng tôi buôn bán ở đây rác được thu gom lại rồi sáng hôm sau, xe chở hàng đến nhập chúng tôi lại gửi cho họ chở đi nơi có bãi rác để đổ".

Chị H, một trong những người có mặt trong video, phân trần: "Trước đó, mỗi lần tàu chạy qua, tôi cũng nhìn thấy có những bao tải treo bên tàu như vậy rồi. Tôi cũng chỉ nhặt rác bên đường treo lên đó chứ không lấy rác của nhà mình ra treo. Vì thấy người ta vứt rác ở đoạn đường này rất ô nhiễm nên tôi làm như vậy để giúp mọi người và cũng làm sạch môi trường ở đây thôi".

img

Rác được người dân treo lên tàu. (Ảnh: N.Duyên)

Còn anh H, trú tại khối 7, thị trấn Hương Khê, nói: Chung quy lại là do không có bãi rác. Từ tháng 6.2017 đến nay, cả huyện không có bãi đổ rác nên rác bị tồn đọng, khu vực này buổi tối ít người qua lại nên họ hay mang rác đến đây để vứt. Ở đây vừa có rác từ trong chợ đưa ra, vừa có rác của các hộ kinh doanh buôn bán quanh hồ Bình Sơn và rác sinh hoạt của các hộ dân, nên chỉ sau một đêm là rác đã ngổn ngang đoạn đường này rồi.

"Những ngày nắng nóng, chúng tôi tổ chức đốt nhưng những ngày mưa gió thì không thể đốt được. Rác để lâu bốc mùi nên người dân mới phải làm như thế", anh H giãi bày.

Trao đổi qua điện thoại, ông Nguyễn Trọng Việt - Trưởng BQL chợ Sơn khẳng định: Rác ở đó không thể là rác trong khu vực chợ ra được, mà cũng chưa thể khẳng định đoạn video đó quay cảnh ở đâu. Vì đoạn đường sắt qua chợ Sơn không phải nhà ga nên tàu không thể dừng được, mà tàu đang chạy thì làm sao người dân có thể chạy theo để treo rác? Rác trong khu vực chợ trước đây được thu gom hàng ngày và mỗi tiểu thương nộp 10 ngàn tiền rác thải/tháng. Nhưng từ khi không có bãi rác nữa, chúng tôi không thu tiền và các hộ tiểu thương tự xử lý rác thải.

img

Rác thải được tập kết ngay cạnh đường tàu tại khu vực chợ Sơn. Ảnh: N.Duyên

Chiều 22.11, trao đổi với PV Dân Việt, ông Lê Hữu Thái - Chủ tịch UBND thị trấn Hương Khê - cho biết: "Chúng tôi đã nắm được thông tin sự việc, hành động đó nhìn rất phản cảm. Hiện bên công an đang xác minh những người có liên quan để xử phạt. Nếu họ chối bỏ, chúng tôi sẽ nhờ bên cơ quan điều tra xác minh. Đoạn đường đó đúng là thuộc khối 7, thị trấn Hương Khê, gần chợ Sơn. Địa điểm này cách ga Hương Phố khoảng 200m. Lúc này, tàu đang dừng để chờ vào ga".

Cũng theo ông Thái, lâu nay trên địa bàn thị trấn cũng như toàn huyện Hương Khê có những bất cập về thu gom và xử lý rác thải do chưa có bãi rác. Nhưng tại khu vực chợ, cứ 10 ngày thị trấn tổ chức thu gom rác một lần.

"Còn nếu có rác tồn trong nhà dân, chúng tôi đề nghị người dân tự xử lý", Chủ tịch thị trấn cho biết.

Theo phản ánh của nhiều hộ dân tại Hương Khê: Do không có bãi rác, rác thải tràn ngập khắp nơi, đã có một doanh nghiệp (không rõ tên) đến nhận thu gom rác cho những ai có nhu cầu. Mỗi tuần thu gom 2 lần, với phí là 35.000đ/hộ/tháng nhưng số tiền đó phải nộp trước 3 tháng một lần.

Tuy nhiên, sau khi thu tiền của nhiều hộ dân, doanh nghiệp này chỉ thu gom được vài lần rồi không thấy thu gom nữa. Do đang bí bách về rác thải nên hầu hết người dân chỉ đăng ký rồi nộp tiền chứ không ai làm hợp đồng để ràng buộc. Nay tiền đã đóng mà rác lại chất đống cũng không biết kêu ai.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem