Tôm nhiễm hóa chất: Cách nhận biết tôm nhiễm hóa chất
Cách nhận biết tôm, cá "ngậm" hóa chất
Thứ ba, ngày 20/09/2022 07:47 AM (GMT+7)
Thủy, hải sản là những món ăn giàu dinh dưỡng tốt cho sức khỏe. Tuy nhiên, chúng cũng được cảnh báo là một trong những thực phẩm dễ bị tẩm ướp hóa chất gây mất an toàn thực phẩm.
Với mỗi loại thực phẩm cần có cách lựa chọn và kiểm tra khác nhau. Dưới đây một số mẹo lựa chọn tôm, cá bà nội trợ cần biết để đảm bảo an toàn:
Cách nhận biết tôm nhiễm hóa chất
Theo Viện Dinh dưỡng Quốc gia (Bộ Y tế), bạn có thể nhận biết tôm bơm tạp chất với tôm bình thường bằng cách quan sát phần đuôi tôm. Tôm đã bơm tạp chất thường xòe đuôi, trong khi tôm sạch thường cúp đuôi xuống.
Ngoài ra, mình tôm bơm tạp chất thường mập, căng bất thường, mập làm các đốt trên thân tôm bị giãn ra, nhất là đốt nối giữa đầu và thân. Tôm bị bơm thường có mang cứng, thẳng đơ, phồng căng trong khi mang tôm thường mềm, phẳng.
Ngoài ra, cũng có thể nhận biết tôm bị ngâm urê hay hóa chất thông qua cơ chế trương nước tạo đối với cơ thể và lớp vỏ bọc của chúng. Vỏ tôm căng, các đốt nối giữa vỏ bị giãn ra, long đầu, gai tôm vểnh, xòe đuôi kèm theo đó là màu sắc nhợt nhạt. Phần đầu và thân của tôm bị tiêm rất dễ bị tách rời nhau.
Tôm bơm khi nấu sẽ bị chảy nhiều nước, thịt tôm bị teo lại, thịt bở, vị nhạt hơn so với bình thường. Nếu là tôm bị bơm thạch khi nấu chín, bỏ vỏ tôm ra sẽ dễ dàng thấy lớp rau câu nằm giữa lớp thịt và vỏ tôm, nhất là ở phần đầu, dưới mang.
Cách nhận biết cá nhiễm hóa chất
Cá vừa đánh bắt xong được nhúng vào thùng nước đá có pha đạm urê, sau đó vớt ra sạp bán. Công đoạn này được gọi là "tráng đạm" giúp hải sản và cá sẽ có màu trắng, tươi ngon.
Với các loại hải sản khi có dấu hiệu hư hỏng luôn có mùi rất đặc trưng là mùi ươn. Bạn nên kiểm tra kỹ để đảm bảo an toàn thực phẩm, dù chúng đã được xử lý để giảm bớt mùi.
Ngoài ra, mô thịt thường nhão, không săn chắc tự nhiên như hải sản còn tươi sống. Với cá ướp urê nhìn bề ngoài thấy rất tươi, mắt cá trong, mang cá đỏ tươi hơn bình thường. Tuy nhiên độ đàn hồi thân cá không cao, khi ấn tay vào sẽ mềm, mình cá lõm xuống, ngửi kỹ cá có mùi khai chứ không phải mùi tanh đặc trưng.
Sau khi rửa vài nước cá sẽ mềm, lúc chiên hay kho cá sẽ rã ra và không có mùi thơm tự nhiên.
Tương tự, với các loại hải sản khác… nhìn bằng mắt thì tươi nhưng sờ tay vào sẽ mềm nhũn. Khi chế biến sẽ không có độ ngọt, thơm tự nhiên mà thịt hải sản ướp ure thường mềm nhũn, có mùi hôi không đảm bảo sức khỏe.
Cách chọn hải sản tươi ngon an toàn
Cá tươi có miệng ngậm kín. Thân cá rắn chắc, đàn hồi, không để lại vết ấn của ngón tay trên thịt cá. Vảy cá óng ánh, bám chặt thân cá, không có niêm dịch và mùi hôi thối khó chịu. Mang có màu đỏ hồng, không bị nhớt hay mùi hôi. Trôn cá (hay hậu môn) thụt sâu vào bên trong, có màu trắng nhạt và bụng cá lép. Cá khi vừa mua về cần phải chế biến ngay để đảm bảo độ tươi ngon.
Tôm tép chọn vỏ sáng lóng lánh, dài và trơn láng. Nghêu sò ốc cần chọn những con còn sống. Mực nang nên chọn mực có thịt trắng như mứt dừa là ngon, mực ống thì nên chọn loại vừa, không quá lớn, chưa vỡ túi đen mới đảm bảo là thực phẩm sạch, an toàn sử dụng.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.