Đây là lần đầu tiên một cuộc thi viết quy mô toàn quốc về những tấm gương trong nhiệm vụ chiến lược mà Đảng và Nhà nước đã giao cho lực lượng vũ trang.
Ngụ binh ư nông
Tổ chức lực lượng quân đội làm kinh tế trong thời bình là chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước và đã có được sự thống nhất cao trong lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ của Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng. Trong nhiều nghị quyết của Đại hội Đảng toàn quốc, Ban Chấp hành Trung ương, Quân ủy Trung ương, Thường vụ Quân ủy Trung ương… luôn có những nội dung đề cập đến vấn đề này.
|
Binh đoàn 15 phát triển cây cao su trên đất Quảng Bình. |
Trong truyền thống 67 năm phát triển và trưởng thành của QĐNDVN, bên cạnh nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền và an ninh quốc phòng, những người lính đã phát huy tốt phẩm chất “anh bộ đội cụ Hồ” trên mặt trận kinh tế, vượt mọi khó khăn gian khổ để hoàn thành mọi nhiệm vụ. Họ chính là đội quân tiên phong, thầm lặng mở ra con đường no ấm cho những vùng đất còn khó khăn, nghèo đói của đất nước.
Cảm nhận rõ và muốn tôn vinh những chiến công thầm lặng trên “mặt trận không tiếng súng” này, Báo NTNN đã phối hợp với Tổng cục Chính trị QĐND VN mở Cuộc thi viết “Người lính trên mặt trận kinh tế” trên Báo NTNN trong thời gian 1 năm, từ ngày 22.12.2011 đến ngày 22.12.2012.
Cuộc thi đã nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của lãnh đạo Tổng cục Chính trị. Đồng chí Trung tướng Nguyễn Tuấn Dũng- Phó Chủ nhiệm Tổng cục cho biết: “Chủ trương quân đội làm kinh tế trong thời bình đã đạt được nhiều thành tựu vang dội và đóng góp rất nhiều cho nền kinh tế của đất nước.
Với truyền thống “ngụ binh ư nông” có từ thời Trần, QĐNDVN đã hoàn thành tốt nhiệm vụ làm kinh tế trên cả 6 lĩnh vực: Kinh tế trong khu vực Bộ Quốc phòng, trên các địa bàn chiến lược, trong các lĩnh vực xương sống của nền kinh tế, các khu biên giới hải đảo, tự chủ trong các đơn vị chính quy và xóa đói, giảm nghèo. Tổ chức một cuộc thi viết về những thành tựu, những tấm gương sáng tiêu biểu trong lĩnh vực này sẽ là một sự tôn vinh động viên, khích lệ tinh thần to lớn cho các cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang QĐNDVN”.
Khai sơn phá thạch
Có mặt trong buổi làm việc giữa Ban Biên tập Báo NTNN và lãnh đạo Tổng cục Chính trị về việc tổ chức cuộc thi viết, đại tá Phạm Viết Thích- Phó Cục trưởng Cục Kinh tế (Bộ Quốc phòng) cho biết: “Cục Kinh tế đang quản lý hơn 100 doanh nghiệp, với những thương hiệu mạnh như Tổng Công ty Bay dịch vụ, Tổng Công ty Viễn thông Quân đội (Viettel), Công ty Tân Cảng Sài Gòn, Tổng Công ty Xây dựng Thành An, Tổng Công ty Xây dựng Trường Sơn, Công ty Xây dựng công trình hàng không (ACC), May 20, May 28, các Binh đoàn 15, 16...
Đó là những đội quân “khai sơn phá thạch” trên nhiều lĩnh vực kinh tế, hàng năm đóng góp rất lớn cho ngân sách quốc phòng và cung cấp ngày càng nhiều sản phẩm cho xã hội”. Với tinh thần “đâu khó có bộ đội”, các chiến sĩ đã trở thành lực lượng xung kích trên mặt trận “xóa đói, giảm nghèo” ở mọi miền Tổ quốc.
Những đơn vị đóng quân trên địa bàn Tây Nguyên tham gia sản xuất nông, lâm nghiệp đạt được những thành quả to lớn, góp phần quan trọng ổn định tình hình quốc phòng - an ninh quốc gia. Binh đoàn 15 là một nhà tài trợ của Cuộc thi viết “Người lính trên mặt kinh tế” lần này.
Ngày 31.1.1998, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 135/QĐ-TTg về chương trình phát triển kinh tế-xã hội ở các địa phương khó khăn miền núi, vùng sâu, vùng xa. Qua đó, Bộ Quốc phòng có trách nhiệm xây dựng các vùng kinh tế mới, đỡ đầu, đón nhận hơn 100.000 hộ dân nghèo đến lập nghiệp ở những nơi còn hoang hoá, vùng biên giới, hải đảo...
Đại tá Nguyễn Phương Diện- Cục phó Cục Tuyên huấn cho biết: “Những người lính trên mặt trận kinh tế luôn xứng đáng với sự tin cậy của Đảng và thực hiện tốt nhiệm vụ của mình. Những đơn vị có nhiệm vụ làm kinh tế trong quân đội thường đạt được những thành quả cao vượt bậc bởi lực lượng nhân công của họ được giáo dục bản lĩnh chính trị vững vàng, năng suất lao động cao. Đó là những người rất đáng được biểu dương qua cuộc thi viết giàu ý nghĩa này”.
Mai An
Đại tá Nguyễn Phương Diện (Cục phó Cục Tuyên huấn, Tổng cục Chính trị):
“Tôi nhớ nhà thơ Tố Hữu trong bài thơ “Với Đảng, mùa xuân” sáng tác vào năm 1977 đã có những hình ảnh rất đẹp về người chiến sĩ trên mặt trận kinh tế: Từ chiến trường ra, ta xốc tới công trường/Người chiến thắng là người xây dựng mới/Anh em ơi/Tất cả lên đường...
Đó là hình ảnh đẹp trong thơ, trong văn, trong ca khúc, và giờ đây, hình ảnh đó sẽ càng được tôn vinh hơn qua cuộc thi viết lần này. Người chiến sĩ trên mặt trận kinh tế cần được tôn vinh bởi vì chưa nhiều người biết được những hy sinh thầm lặng của họ. Có những lĩnh vực kinh tế, những địa bàn khó khăn gian khổ không doanh nghiệp nào dám vào, vậy mà ở đó, những người lính luôn có mặt theo lời Đảng gọi”.
Đại tá Nguyễn Ngọc Hưng (Trưởng phòng Văn hóa văn nghê, Cục Tuyên huấn, Tổng cục Chính trị):
“Tôi thấy sáng kiến tổ chức cuộc thi viết này rất hay. Trước đây, Cục Tuyên huấn cũng đã phát động một cuộc vận động viết về các điển hình tiên tiến trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội và thu hút được rất nhiều cây bút tên tuổi.
Theo tôi, để góp phần cho cuộc thi thành công hơn nữa, các bài dự thi nên được các cán bộ của Cục Kinh tế thẩm tra lại xem độ chính xác đến đâu, thành tích của nhân vật, đơn vị phản ánh trong bài viết có đúng như vậy không. Đây là một việc làm cần thiết bởi cuộc thi của chúng ta là một cuộc thi báo chí chứ không phải là sáng tác văn học”.
Đại tá Phạm Viết Thích (Cục phó Cục Kinh tế, Bộ Quốc phòng):
Tôi hy vọng cuộc thi sẽ được hưởng ứng mạnh để chúng ta có được các bài thi chất lượng. Cục Tuyên huấn nên vào cuộc cùng với Báo NTNN để giúp đưa thông tin về cuộc thi đến với nhiều người, nhiều đối tượng hơn nữa.
Riêng các bài viết về các cựu chiến binh có nhiều thành tích trong xóa đói giảm nghèo ở quê hương, đặc biệt là các vùng nông thôn, biên giới hải đảo thì Ban tổ chức cuộc thi nên có lời mời Hội Cựu chiến binh Việt Nam cùng vào cuộc để phát động, thẩm định độ chính xác của bài viết. Huy động được một lực lượng đông đảo như vậy, chắc chắn cuộc thi sẽ thành công”.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.