Tổng Bí thư làm Chủ tịch nước: Chống tham nhũng sẽ hiệu quả hơn

Thành An Thứ ba, ngày 23/10/2018 15:09 PM (GMT+7)
"Tôi hi vọng khi đồng chí Nguyễn Phú Trọng vừa làm Tổng Bí thư đồng thời làm Chủ tịch nước thì Quốc hội sẽ có một nghị quyết về Ban chỉ đạo về PCTN do chính Tổng Bí thư, Chủ tịch nước làm Trưởng ban thì rất hay", ông Vũ Mão, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội nói.
Bình luận 0

img

Ông Vũ Mão: "Tôi có rất nhiều cảm tình và ấn tượng về đồng chí Nguyễn Phú Trọng". Ảnh: THÀNH AN

Trước khi trở thành người đứng đầu Ban chấp hành Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã kinh qua nhiều chức danh lãnh đạo ở cơ sở, đặc biệt ông từng làm Chủ tịch Quốc hội khóa VII, nhiệm kỳ 2006-2011. 

Là người có gần 20 năm làm việc tại Quốc hội, từng có thời gian làm việc trực tiếp với đồng chí Nguyễn Phú Trọng khi ông làm Chủ tịch Quốc hội, nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Vũ Mão đã có những chia sẻ với PV Dân Việt.

Không phân biệt cấp trên, cấp dưới

Trong thời gian gần 20 năm công tác ở Quốc hội, từng có thời gian làm việc với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, ông có cảm nhận như thế nào về Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thời kỳ Tổng Bí thư làm Chủ tịch Quốc hội?

- Ngày tôi còn công tác, tôi có điều kiện gặp gỡ, trao đổi nhiều với đồng chí Nguyễn Phú Trọng ở nhiều cương vị khác nhau.

Trước đó, khi đồng chí Nguyễn Phú Trọng là Tổng Biên tập của Tạp chí Cộng sản, đồng chí cũng đã nhiều lần mời tôi tham gia các hội thảo khoa học do Tạp chí tổ chức. Mỗi khi được mời, bằng tâm huyết, tôi luôn tham gia đóng góp nhiều ý kiến và được đồng chí Nguyễn Phú Trọng rất chia sẻ, đánh giá cao.

Sau này, khi đồng chí Nguyễn Phú Trọng lên làm Bí thư thành ủy Hà Nội, rồi khi đồng chí về công tác tại Quốc hội, làm Chủ tịch Quốc hội , (thời kì từ 2006 đến 2011) -  thời điểm đó, nhiệm kỳ của Đảng và Quốc hội chênh nhau 1 năm, do đó tôi có giai đoạn công tác cùng đồng chí Nguyễn Phú Trọng được 1 năm từ 2006-2007. 

Trong thời gian đó, tôi làm Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội nên có mối quan hệ gắn bó, thường xuyên làm việc với Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng. Trong cảm nhận của tôi, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng là người rất khiêm tốn, cầu thị, luôn lắng nghe ý kiến cấp dưới. Tôi thường có dịp được trao đổi rất nhiều về công việc với Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng và nhận thấy đồng chí là người học thức, trí tuệ, suy nghĩ mọi vấn đề luôn luôn thấu đáo, phân tích sâu mọi vấn đề để tìm ra giải pháp.

Một điều đặc biệt mà tôi thấy, đó là trong quá trình trao đổi công việc, làm việc Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng, chúng tôi không thấy có sự phân biệt cấp trên-cấp dưới. Đồng chí Nguyễn Phú Trọng rất tôn trọng, luôn lắng nghe ý kiến cấp dưới.

Đồng chí Nguyễn Phú Trọng cũng là một người làm việc có nguyên tắc, luôn đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng nhưng không phải bị động. Tôi nhớ, có những vấn đề trao đổi trong Đảng, Đoàn, Quốc hội, hay trao đổi trong Thường vụ Quốc hội (TVQH), sau đó đồng chí lại thay mặt cho Đảng Đoàn, TVQH báo cáo Bộ Chính trị những vấn đề đồng tâm nhất trí cũng như những vấn đề còn có những ý kiến khác để các đồng chí trong Bộ Chính trị cùng nhau phân tích và tìm đến sự thống nhất.

img

Ông Vũ Mão: Đồng chí Nguyễn Phú Trọng có rất nhiều phẩm chất tốt và cũng rất giản dị. Ảnh: THÀNH AN

Sẽ đưa đất nước bắt kịp được với trí tuệ của nhân loại

Thưa ông, dấu ấn của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong công cuộc đấu tranh quét giặc “nội xâm”- vấn nạn tham nhũng được thể hiện rất đậm nét, ông có thể nói rõ hơn về điều này?

- Sau khi đồng chí Nguyễn Phú Trọng được tín nhiệm bầu làm Tổng Bí thư của Đảng tôi thấy rất xứng đáng. Trong thời điểm đó cũng có những phương án này, phương án khác của những người kinh nghiệm hơn nhưng tuổi tác lại lớn, sức khỏe không đảm bảo. Đến nay nhìn lại, việc lựa chọn đồng chí Nguyễn Phú Trọng làm Tổng Bí thư thời điểm đó là hoàn toàn đúng đắn và hợp lý. Và, tất nhiên khi mới chuyển sang công tác Đảng (nhiệm kỳ khóa XI), đồng chí Nguyễn Phú Trọng cũng rất lắng nghe, thận trọng.

"Tôi cũng hi vọng bây giờ đồng chí Nguyễn Phú Trọng nếu làm Tổng Bí thư đồng thời làm Chủ tịch nước nên tính tới để Quốc hội có một nghị quyết về Ban chỉ đạo về PCTN do chính đồng chí Tổng Bí thư đồng thời làm Chủ tịch nước làm Trưởng ban thì rất hay." - ông Vũ Mão.

Nhiều khi trong lòng thì quyết liệt, quyết tâm lắm nhưng cũng phải kiên nhẫn, lắng nghe, có những lúc trong lòng muốn nhưng chưa thể thực hiện được ngay thì đồng chí rất buồn, nỗi buồn hiện lên khuôn mặt, trên tivi người dân thấy rất rõ điều này.

Nhưng sang nhiệm kỳ thứ hai (nhiệm kỳ khóa XII), đồng chí phát huy rất tốt vai trò người đứng đầu Đảng. Điển hình, đó là việc đấu tranh với “quốc nạn nội xâm” - tham nhũng nhức nhối. Vấn đề này không phải bây giờ mới có mà đã có từ trước nhưng đến giai đoạn này mức độ càng ngày càng trầm trọng.

Việc này, một phần cũng bởi chúng ta chấp nhận cơ chế thị trường; mặt phải của việc này rất hay, giúp ta tháo gỡ nút thắt của nền kinh tế, nhưng lại có mặt trái mà chúng ta chưa có kinh nghiệm, nên về vấn đề đạo đức, phẩm chất, nếp sống con người nhiều cái cũng bị ảnh hưởng lớn, cho nên ở cương vị của Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng, đây là vấn đề không dễ giải quyết.

Tuy nhiên, nhìn vào thực tế thời gian qua, có thể thấy Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã để lại những dấu ấn đậm nét, đặc biệt trong đấu tranh phòng chống tham nhũng (PCTN), được nhân dân ủng hộ, đồng tình, mong muốn đồng chí phải làm đến cùng, làm quyết liệt. Nhân dân đang chờ đợi cái đó sẽ càng được làm quyết liệt hơn, hiệu quả hơn khi Tổng Bí thư đồng thời là Chủ tịch nước.

Theo ông, việc Tổng Bí thư làm Chủ tịch nước sẽ mang lại những thuận lợi gì trong việc đẩy mạnh công cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, đưa đất nước hội nhập và phát triện mạnh mẽ hơn?

- Soi lại lịch sử của Đảng, Nhà nước từ giai đoạn đầu tiên, có thể thấy Bác Hồ đã làm Chủ tịch Đảng đồng thời là Chủ tịch nước. Đó là mô hình rất tốt. Do điều kiện, sau này, xét tới nhiều yếu tố, nên từ sau khi Bác mất năm 1969 cho đến nay, chúng ta thôi không thực hiện nữa. Bây giờ có cơ hội chúng ta thực hiện lại là rất tốt.

Tôi cho rằng, vào thời điểm này để đồng chí Nguyễn Phú Trọng đảm nhận hai cương vị cùng một lúc thì rất hợp lý. Ví dụ, vừa qua, Đảng lập ra Ban Chỉ đạo (BCĐ) PCTN của Đảng nhưng tôi nghĩ đáng lẽ phải là BCĐ PCTN của Đảng và Nhà nước. Quốc hội phải ra nghị quyết thông qua thì nó có giá trị cao hơn và nhân dân hài lòng hơn. Bởi lẽ, thực chất trong Ban chỉ đạo PCTN ấy cũng bao gồm có sự tham gia của các cơ quan bên Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Tòa án,… Do vậy, đây là Ban chỉ đạo PCTN của Đảng và Nhà nước. Tại sao lại không đưa ra Quốc hội để thông qua thành nghị quyết? Như vậy về pháp lý sẽ tốt hơn, việc xây dựng nhà nước pháp quyền rõ ràng hơn.

Tôi cũng hi vọng khi đồng chí Nguyễn Phú Trọng làm Tổng Bí thư đồng thời làm Chủ tịch nước thì Quốc hội nên có một nghị quyết về Ban chỉ đạo về PCTN do chính Tổng Bí thư, Chủ tịch nước làm Trưởng ban, như vậy sẽ tiếp tục phát huy hơn nữa vai trò của đồng chí Nguyễn Phú Trọng trong việc đấu tranh PCTN.

Tôi cũng có niềm tin rằng, đồng chí Nguyễn Phú Trọng đã từng kinh qua nhiều vị trí ở cơ sở như Bí thư Thành ủy, Chủ tịch Quốc hội,.. với cương vị Tổng Bí thư đồng thời làm Chủ tịch nước, chắc chắn đồng chí sẽ suy nghĩ vận dụng rất nhiều để bắt kịp được với trí tuệ của nhân loại, đưa đất nước phát triển.

Trân trọng cảm ơn ông!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem