Tổng Bí thư Trường Chinh nhà lãnh đạo điển hình cho tư tưởng dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm
Tổng Bí thư Trường Chinh, nhà lãnh đạo điển hình cho tư tưởng dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm
Quốc Phong
Thứ sáu, ngày 09/02/2024 07:00 AM (GMT+7)
Nói đến tư tưởng lý luận kiệt xuất và hoạt động thực tiễn quý báu của Tổng Bí thư Trường Chinh (kỷ niệm 117 năm Ngày sinh của ông, 9/2/1907), chúng ta đương nhiên phải nhắc đến sự xuất hiện đúng lúc của ông với tư cách Tổng Bí thư của Đảng trong những bước ngoặt quan trọng của lịch sử cách mạng.
Với ông Trường Chinh, đó không chỉ là quá trình lãnh đạo cách mạng trong cả một giai đoạn lịch sử, đặc biệt từ 1939-1945, ông đã cùng Ban chấp hành Trung ương Đảng ra quyết định kịp thời chuyển hướng chiến lược đấu tranh cách mạng, phù hợp với bối cảnh lịch sử, tình hình thực tế của đất nước và nhanh nhạy nắm bắt thời cơ trong cách mạng Tháng Tám để đi đến thành công.
Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp 9 năm, từ 1946-1954, quan điểm của Đảng về cuộc kháng chiến toàn dân, toàn diện, trường kỳ đã được Tổng Bí thư Trường Chinh giải thích và phát triển trong tác phẩm Kháng chiến nhất định thắng lợi…
Những chủ trương, đường lối đúng đắn đó, cùng với việc phát huy cao độ tình thần đoàn kết dân tộc, những kinh nghiệm được đúc kết từ thực tiễn sinh động của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của dân tộc ta đã đưa cuộc kháng chiến đi đến thắng lợi, ghi dấu ấn đậm nét trong lịch sử của dân tộc cũng như nhân dân yêu chuộng hòa bình và tự do trên toàn thế giới.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhận định: "Bác Hồ là linh hồn của cuộc kháng chiến chống Pháp, nhưng đề ra đường lối cụ thể, chỉ đạo cụ thể về lý luận với cuốn Kháng chiến nhất định thắng lợi, là do anh Trường Chinh".
Cống hiến của ông đối với đất nước, không chỉ góp phần quan trọng cùng toàn dân giành thắng lợi vĩ đại trong Cách mạng tháng Tám cũng như trong 9 năm kháng chiến chống Pháp, mang lại hoà bình cho đất nước với cương vị Tổng Bí thư bên cạnh Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại , mà sau này, ở tuổi tám mươi, khi đất nước đang đứng bên bờ vực của cuộc khủng hoảng kinh tế trầm trọng, một lần nữa, ông lại được bầu giữ chức Tổng Bí thư, là người đứng đầu khởi xướng công cuộc Đổi mới về tư duy, bắt đầu từ tư duy kinh tế.
Là một người yêu nước chân chính, một nhà cách mạng kiên cường, luôn phấn đấu không mệt mỏi đúng với tinh thần của người cộng sản bằng chính những năng lực, đóng góp trí tuệ kiệt xuất của mình, ông thực sự trở thành tấm gương tiên phong, là vị Kiến trúc sư trưởng trong công cuộc Đổi mới đất nước: dám nghĩ, dám làm và dám chịu trách nhiệm.
Ông Trường Chinh từng nhận định: "Đổi mới là yêu cầu tất yếu khách quan của cuộc sống, là đòi hỏi bức thiết của đất nước và thời đại".
Nhưng nếu nói riêng về tư tưởng" dám chịu trách nhiệm" trước một sai lầm trong lịch sử mang tính tập thể thì không thể không nhắc đến sai lầm trong Cải cách ruộng đất.
Ngày 25/8/1956, phát biểu khai mạc Hội nghị lần thứ 10 (mở rộng) Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam (khóa 2) bàn về Cải cách ruộng đất và chấn chỉnh tổ chức, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tự phê bình một cách nghiêm túc: "Vì ta thiếu dân chủ nên nghe ít, thấy ít, nên bây giờ ta phải dân chủ. Tôi nhận trách nhiệm trong lúc sóng gió này. Tất cả Trung ương phải nghe, thấy, nghĩ và làm như thế. Bài học đau xót này sẽ thúc đẩy chúng ta..."
Còn với Tổng Bí thư Trường Chinh, ông đã chủ động đứng ra nhận trách nhiệm về mình với tư cách là người được Đảng phân công chỉ đạo công tác này và xin được từ chức Tổng Bí thư, không né tránh...
Có lẽ cũng vì thế mới có chuyện tròn 30 năm sau (1986), trước tình thế của nước nhà buộc phải tính chuyện" Đổi mới hay là chết?", với trọng trách của một nhà lãnh đạo, mặc dù cao tuổi nhưng ông đã đồng ý đứng ra nhận nhiệm vụ trước sự tín nhiệm cao của Trung ương. Ông đã thay đồng chí Lê Duẩn (vừa qua đời) để làm Tống Bí thư khi thời gian Đại hội VI đã rất cận kề .
Thế nhưng ông vẫn mạnh mẽ quyết định thay đổi Báo cáo chính trị của Đại hội Đảng lần thứ VI để đưa đất nước đi theo con đường Đổi mới. Chỉ nhờ có vậy, đất nước ta mới phát triển như bây giờ .
GS Lê Văn Viện kể "Một buổi sáng cuối tháng 9/1986, tôi cùng đoàn cán bộ xuống nhà nghỉ Vạn Hoa - Đồ Sơn họp khẩn cấp với Tổng Bí thư Trường Chinh.
Có mặt ở cuộc họp này là toàn bộ tổ biên tập văn kiện Đại hội VI (do ông Hoàng Tùng, Bí thư Trung ương Đảng làm tổ trưởng và ông Đào Duy Tùng, lúc đó là Ủy viên Trung ương Đảng làm tổ phó) cùng một số chuyên viên trong nhóm tư vấn của Tổng Bí thư. Chính tại đây, ông Trường Chinh tuyên bố: viết lại toàn bộ báo cáo chính trị của Đại hội ".
Ông Trường Chinh đã đi đến một quyết định táo bạo như vậy là để quyết tâm đưa đất nước phát triển theo đường lối Đổi mới. Chấp nhận hy sinh, mất mát để khắc phục những hậu quả sai lầm'' - GS Lê Văn Viện hồi tưởng.
Cán bộ và công tác cán bộ luôn là nhân tố đặc biệt quan trọng, có ý nghĩa quyết định thắng lợi của sự nghiệp cách mạng, bởi "công việc thành công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hay kém,… ". Thời gian qua, "căn bệnh" sợ trách nhiệm của cán bộ, đảng viên diễn ra khá phổ biến ở nhiều ngành, nhiều lĩnh vực, ảnh hưởng nghiêm trọng tới kinh tế-xã hội đất nước, gây bức xúc trong xã hội.
Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 17/11/2022 của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đổi mới phương thức lãnh dạo, cầm quyền của Đảng đối với hệ thống chính trị trong giai đoạn mới đã yêu cầu thể chế chủ trương của Đảng về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung. Nhằm thể chế hoá Nghị quyết trên của Đảng, Chính phủ đã có Nghị định số 73/2023/NĐ-CP nên đã và đang "cởi trói" cho những cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, vì lợi ích chung, đem lại luồng sinh khí tích cực, tự tin cho cả hệ thống chính trị...
Vui lòng nhập nội dung bình luận.