Thông tin về việc người dân một số khu vực, trong đó có công nhân tuần hành đã lan truyền trước đó nhiều ngày, vì sao sau hai ngày từ khi sự việc nổ ra Tổng LĐLĐVN mới gửi thư cho công nhân?
- Thực ra không phải là chậm. Tôi nói ví dụ như Bình Dương thì công đoàn đã kịp thời in các thư kêu gọi gửi cho từng người lao động cũng như có các hoạt động tuyên truyền. Chính vì vậy Bình Dương không có biểu tình, không có tụ tập đông người. Tuy nhiên, một vài địa phương cũng có chuyện chưa chủ động, chưa tích cực. Và còn một câu chuyện nữa là công đoàn không thể đơn độc trong việc này mà phải có sự chỉ đạo của các cấp chính quyền địa phương, sự phối hợp của nhiều ngành.
Thư kêu gọi đề cập việc “tránh để lòng yêu nước bị lợi dụng” và “hãy bảo vệ công ty, doanh nghiệp, bảo vệ việc làm của chính mình”. Tổng Liên đoàn đồng hành với công nhân trong vấn đề này như thế nào?
- Chúng tôi đang triển khai những biện pháp đồng bộ ở các địa phương, để bức thư đến tận tay từng công nhân, thuyết phục họ tin tưởng vào sự chăm lo tới đời sống công nhân của công đoàn trong những năm vừa qua. Đây là dịp cần hết sức cảnh giác trước những âm mưu để làm hết trách nhiệm của mình và cũng không để lòng yêu nước bị lợi dụng.
Ông Bùi Văn Cường, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. Ảnh: QH
Ngoài gửi thư, Tổng Liên đoàn có hành động gì khác để giúp giải quyết tình hình hiện nay?
- Khi phát hiện ra có truyền đơn trên mạng xã hội kêu gọi, kích động công nhân biểu tình, chúng tôi đã yêu cầu các cấp công đoàn cơ sở, các tổ công đoàn quán triệt trao đổi với công nhân không tin theo luận điệu xuyên tạc. Chúng tôi cũng đã cử đoàn công tác vào phía Nam, chỉ đạo liên đoàn các tỉnh thành phố tập trung vào việc tuyên truyền, vận động để công nhân hiểu chính sách của Đảng, Nhà nước, không bị lôi kéo, kích động gây mất trật tự an ninh địa bàn.
Có thông tin nhiều công nhân làm việc cho một tập đoàn Trung Quốc bị sa thải vì tham gia tuần hành, Tổng LĐLĐVN bảo vệ công nhân như thế nào trong tình huống này?
- Tập đoàn Pouyuen (được cho là sa thải công nhân - PV) có trụ sở ở nhiều địa bàn của Việt Nam, nhưng mà nói là công ty đuổi công nhân vì tuần hành thì tôi chưa nghe. Chỗ này để chúng tôi kiểm tra lại. Còn đương nhiên nếu như công nhân vi phạm pháp luật, vi phạm hợp đồng lao động đã ký kết mà đến mức người ta phải đuổi thì mình cũng không bảo vệ được.
Nhưng ngược lại, nếu công nhân đã làm đúng cam kết, không vi phạm pháp luật mà công ty lại đuổi thì chúng tôi phải có ý kiến bảo vệ.
Ông Bùi Văn Cường trả lời phỏng vấn chiều 11.6. Video: Lộc Chung
Chủ tịch Quốc hội nói “nội dung được thảo luận trên nghị trường đã lan toả ra ngoài xã hội”, ông nhận xét gì về sự lan toả này?
- Nhận định của Chủ tịch Quốc hội là hết sức chính xác. Những ngày qua khi chúng ta bàn về xây dựng nhiều luật, pháp lệnh, quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước thì đông đảo cử tri đã rất dõi theo, lắng nghe và có những chia sẻ. Nhiều ý kiến tâm huyết trách nhiệm được gửi cho các đại biểu bằng thư, bằng điện thoại, trao đổi trực tiếp. Đại biểu đã lắng nghe, tiếp thu để trên cơ sở đó các dự luật chúng ta xây dựng đúng và trúng.
Tuy nhiên, bên cạnh góp ý tích cực thì cũng có những kẻ xấu cố tình xuyên tạc để chống đối chủ trương của Đảng, Nhà nước.
Ông chia sẻ gì với người lao động về trách nhiệm của người đại biểu trước khi bấm nút các vấn đề quan trọng của đất nước?
- Với tư cách là đại biểu Quốc hội, tôi luôn tâm niệm ý kiến của mình là đại diện cho một phần ý kiến, nguyện vọng của cử tri bầu ra mình. Trước khi bấm nút thông qua các dự luật, pháp lệnh tôi luôn hết sức cân nhắc với suy nghĩ việc này góp phần xây dựng đất nước như thế nào, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ như thế nào...
Quyết định của đại biểu phải hoàn toàn đảm bảo quyền lợi của quốc gia dân tộc, nhân dân là số một, sau đó mới đến câu chuyện của các ngành, các địa phương. Quốc gia, dân tộc, chủ quyền là bất khả xâm phạm.
Hiện chưa có Luật Biểu tình để người dân thực hiện, vậy theo ông đâu là cách thức ứng xử phù hợp khi người dân có vấn đề bức xúc, chưa đủ thông tin?
- Luật Biểu tình đang được các cơ quan có trách nhiệm nghiên cứu để trình Quốc hội ở thời điểm thích hợp. Chưa có luật này thì chúng ta vẫn phải tuân theo những quy định của pháp luật hiện hành.
Cách tốt nhất là thông qua đơn, thư gửi cho các cấp có thẩm quyền. Thứ hai là gặp gỡ người có trách nhiệm tại địa phương, đơn vị để bày tỏ. Thứ ba là có thể thông qua hệ thống tiếp nhận ý kiến mà hiện nay các cơ quan Trung ương hay địa phương đều có.
Ngược lại, các cơ quan, địa phương cũng phải tuyên truyền làm sao khiến người dân hiểu chính xác vấn đề. Đây là câu chuyện phải tiếp tục làm trong thời gian tới.
"Lòng yêu nước bị lợi dụng" một phần do thông tin không đến được với dân một cách đầy đủ, kịp thời, ông nghĩ gì về thực tế này?
- Việc đưa thông tin chính thống chúng ta đã làm nhưng có lẽ thời gian tới phải làm mạnh mẽ hơn, nhiều hơn nữa. Không chỉ cơ quan truyền thông mà cả hệ thống chính trị cũng phải vào cuộc thông qua tuyên truyền miệng, qua đối thoại với người dân để giải đáp những thắc mắc thì mới đạt được những yêu cầu.
Do đó chúng tôi mong muốn thời gian tới hệ thống truyền thông của chúng ta phải thông tin một cách kịp thời, chính xác. Hệ thống chính trị phải vào cuộc tuyên truyền, thậm chí phải có đối thoại để tạo sự đồng thuận.
Nhưng người công nhân cũng phải chủ động tiếp nhận thông tin một cách đầy đủ, qua các kênh thông tin chính thống của Đảng, Nhà nước.
Bảo Hà - Võ Hải (VNE)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.