V.N (tổng hợp)
Chủ nhật, ngày 08/12/2024 20:27 PM (GMT+7)
Tổng thống Syria Bashar al-Assad là thế hệ thứ hai của một gia đình nắm quyền trong hơn 5 thập kỷ. Vốn là một bác sĩ nhãn khoa học tại Anh và ít tham vọng chính trị, song ông đã trở thành người kế nhiệm và đứng vững qua vô số những biến động của đất nước cho tới khi bị lật đổ.
Tổng thống trong 24 năm của Syria, ông Bashar al-Assad đã bay khỏi Damascus đến một địa điểm không xác định vào sáng sớm Chủ Nhật. Quân đội Syria tuyên bố chế độ Assad đã kết thúc.
Tượng của cha và anh trai Assad đã bị lật đổ tại các thành phố bị quân nổi dậy chiếm giữ, trong khi hình ảnh của ông trên các tấm biển quảng cáo và văn phòng chính phủ bị xé nát, bị giẫm đạp, bị đốt cháy hoặc bị bắn thủng.
Sự biến mất của Tổng thống Bashar al-Assad trong bối cảnh quân nổi dậy tiến công chớp nhoáng báo hiệu sự sắp xếp lại quyền lực đáng kinh ngạc ở một quốc gia Trung Đông có vị trí chiến lược quan trọng.
Ông Bashar al-Assad sinh tháng 9/1965. Ông được miêu tả là người trầm tính, kín đáo và không quan tâm đến chính trị hoặc quân sự. Theo một người bạn đại học, ông nhút nhát, tránh giao tiếp bằng mắt và nói nhỏ.
Tổng thống Bashar al-Assad lên nắm quyền trong một cuộc bầu cử không có đối thủ vào năm 2000 sau cái chết của cha mình là Hafez al-Assad, người đã vươn lên từ cảnh nghèo đói để lãnh đạo Đảng Baath và nắm quyền vào năm 1970, trở thành tổng thống của đất nước vào năm sau.
Vốn là người con trai thứ hai không sẵn sàng kế thừa ngôi vị của cha mình, ông Assad học nhãn khoa ở London cho đến khi anh trai Bassel, người được đào tạo để kế nhiệm ông Hafez, qua đời trong một vụ tai nạn xe hơi năm 1994. Sau đó, ông Bashar al-Assad được chú ý trên toàn quốc và theo học khoa học quân sự, sau đó trở thành đại tá trong quân đội Syria.
Sau khi trở thành tổng thống, Assad dường như đã áp dụng các cải cách tự do, được mô tả một cách lạc quan là "mùa xuân Damascus". Ông đã thả hàng trăm tù nhân chính trị, có những động thái tiếp cận phương Tây và mở cửa nền kinh tế cho các công ty tư nhân.
Cuộc hôn nhân của ông với cựu chuyên gia ngân hàng đầu tư người Anh Asma Akhras - người đã có với ông ba đứa con - đã giúp nuôi dưỡng hy vọng rằng ông có thể đưa Syria đi theo con đường cải cách hơn.
Điểm nổi bật trong mối quan hệ ban đầu của ông với các nhà lãnh đạo phương Tây bao gồm việc tham dự hội nghị thượng đỉnh Paris, nơi ông là khách danh dự tại cuộc duyệt binh quân sự thường niên mừng Ngày Bastille.
Nhưng ông Assad đã phải cứng rắn với các xung đột chính trị, phe phái, tôn giáo ở nước này. Syria luôn là vùng đất phức tạp. Ngoài ra, Syria nằm trên con đường nối châu Phi, Trung Đông với châu Âu nên các thế lực lớn trên thế giới cũng luôn nhòm ngó đất nước.
Việc cầm quyền của ông được đánh dấu mốc quan trọng đầu tiên là Mùa xuân Ả Rập khi người dân chống chính phủ xuống đường biểu tình lật đổ chính phủ của ông.
Bất ổn chính trị sau đó biến thành cuộc chiến tranh giữa một bên là lực lượng trung thành với Tổng thống Bashar al-Assad với bên kia là các lực lượng đối lập được Mỹ và các nước đồng minh trong và ngoài khu vực Trung Đông ủng hộ, mà nguyên nhân sâu xa là cuộc cạnh tranh địa - chính trị quyết liệt giữa một bên là Mỹ đang theo đuổi tham vọng giành quyền kiểm soát vành đai đại Trung Đông, với một bên là Nga và Trung Quốc.
Cuộc nội chiến tàn phá đất nước và biến nơi đây thành nơi sinh sôi của nhóm cực đoan ISIS, gây ra cuộc khủng hoảng người tị nạn khiến hàng triệu người phải rời bỏ nhà cửa.
Tuy nhiên, với sự giúp đỡ quân sự của Nga, tương quan lực lượng trên chiến trường Syria đã thay đổi cơ bản. Từ thế phòng thủ, quân đội Syria chuyển sang mở các cuộc tấn công, giành lại phần lớn lãnh thổ.
Tổng thống Assad bị cáo buộc cho phép quân đội Syria sử dụng vũ khí hóa học sát hại dân thường. Tuy nhiên, sáng kiến do Nga đề xuất về tiêu hủy hoàn toàn vũ khí hóa học của Syria và được Chính phủ Syria chấp nhận đã dẫn tới sự ra đời của Nghị quyết số 2118 của Hội đồng Bảo an LHQ nhằm loại trừ nguy cơ can thiệp quân sự từ bên ngoài vào.
Tháng 9/2014, Tổng thống Mỹ Barack Obama thành lập liên minh chống khủng bố để can thiệp quân sự vào Syria mặc dù không có sự cho phép của LHQ. Trong suốt một năm, Mỹ cũng trang bị cho phe đối lập gồm cả HTS để chống khủng bố. Chính vì thế mà tổ chức Nhà nước Hồi giáo IS, sau là ISIL, đã mở hàng loạt cuộc tấn công và chiếm tới 80% lãnh thổ Syria.
Để hỗ trợ ông Assad, tháng 9/2015 Nga thành lập liên minh chống khủng bố gồm Nga, Iran, Iraq, Syria và mở chiến dịch chống khủng bố ở Syria. Sau hơn 2 năm, tháng 12/2017, Nga tuyên bố IS cơ bản bị đánh bại và cùng các nước bảo trợ tiến trình hòa bình Syria. Song kể từ đó, các quốc gia gồm Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ, Nga đều duy trì sự hiện diện quân sự ở nước này. Khu vực có nhiều tài nguyên dầu mỏ khí đốt, đất đai phì nhiêu phần lớn do lực lượng dưới sự hậu thuẫn của Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ chiếm đóng.
Việc Nga phải tập trung nguồn lực cho cuộc chiến Ukraine đã khiến sự hỗ trợ dành cho ông Bashar al-Assad suy yếu. Nội chiến dai dẳng ở Syrialên đến đỉnh điểm trong các sự kiện phi thường của tuần này.
Nga và Iran đã giúp ông Assad đánh bại lực lượng phiến quân trong nhiều năm nội chiến nhưng không dẹp được lực lượng này triệt để, khiến ông dễ bị tổn thương trước bước tiến như chẻ tre của phiến quân, khi các đồng minh của ông bị phân tâm bởi những cuộc chiến ở nơi khác.
Khi lực lượng đối lập Hayat Tahrir al-Sham (HTS) nhanh chóng chiếm hết thành phố này đến thành phố khác của Syria trong những tuần qua, lực lượng quân đội yếu kém đã không chống đỡ nổi. Cuối cùng, ngày 8/12 họ đã kiểm soát hoàn toàn thủ đô Damascus, lật đổ chính quyền Assad. Ông được cho là đã rời khỏi đất nước.
Người dân Syria đang vui mừng với việc lật đổ "đế chế Assad" và mong chờ những thay đổi mà họ nghĩ là tốt hơn. Thủ lĩnh của HTS, Abu Mohammed al-Julani, cho biết tất cả các thể chế nhà nước sẽ vẫn nằm dưới sự giám sát của thủ tướng al-Assad cho đến khi họ chính thức được bàn giao.
Tuy nhiên tương lai mà lực lượng đối lập lên nắm quyền rất không chắc chắn, trong đó có việc thiết lập nền kinh tế, ổn định hòa giải các phe phái, xóa bỏ mâu thuẫn ý thức hệ, đặc biệt là đối phó với lực lượng người Kurd và IS, xử lý quan hệ với các nước trong và ngoài khu vực. Vì vậy thay đổi theo cách nào, đó là câu hỏi vẫn còn để ngỏ.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.