Tổng thống tương lai của Mỹ sẽ sử dụng quân đội thế nào?

Minh Anh Thứ ba, ngày 08/03/2016 08:49 AM (GMT+7)
Việc dùng vũ lực đôi khi mang lại hiệu quả nhưng nó cũng có thể khiến tình hình trở nên tồi tệ hơn. Vậy, Tổng thống tương lai của Mỹ sẽ làm gì với quân đội quốc gia?
Bình luận 0

Những cuộc tranh luận của ứng cử viên Tổng thống Mỹ tập trung nhiều vào phân tích việc sử dụng quân đội Mỹ. Mỹ đã sử dụng quân đội để lật đổ các nhà lãnh đạo độc tài, hỗ trợ các thảm hoạ nhân đạo và thành lập nền dân chủ ở nhiều nơi. 

Việc giữ “lửa” cho quân đội chính là cách đảm bảo an ninh quốc gia. Tuy nhiên, thoả thuận hạt nhân Iran gần đây đã chứng minh một điều rằng, ngoại giao có thể mang lại hoà bình và an ninh mà không cần sử dụng tới vũ lực, trong khi, những hệ quả ở Iraq và Lybia đã cho thấy, can thiệp quân sự có thể khiến tình hình thêm tồi tệ.

Như Cựu Ngoại trưởng Mỹ Colin Powell từng nhận định vào năm ngoái rằng: “Như chúng ta đã thấy, tại Libya, khi bạn lật đổ người lãnh đạo, tất cả sẽ sụp đổ, không có gì xuất hiện ngoài sự hỗn loạn”. Tất cả các ứng cử viên Tổng thống Mỹ đều hiểu rõ điều này, tuy nhiên, không phải ai cũng quyết định hạn chế sức mạnh của lực lượng vũ trang.

img

Cách Mỹ sử dụng quân đội là điều có ảnh hưởng lớn đến tình hình thế giới

Ứng cử viên dẫn đầu Đảng Cộng hoà hiện nay là ông Donald Trump từng nói, Mỹ không nên can thiệp quân sự vào Iraq, tuy nhiên, lại khẳng định, ông sẵn sàng điều máy bay ném bom đến tiêu diệt toàn bộ Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS).

Tương tự, bà Hillary Clinton cũng có những phát biểu làm dư luận bối rối khi nói, bà không ủng hộ việc triển khai quân bộ binh đến Trung Đông, tuy nhiên, nhấn mạnh rằng, những hành động mạnh tay hơn tại Syria cần phải được thực hiện ở Syria như thành lập vùng cấm bay và cung cấp vũ khí cho quân nổi loạn.

Đối với thượng nghị sĩ Bernie Sanders, người từng bỏ phiếu phản đối quan thiệp quân sự vào Iraq hồi năm 2003, ông bày tỏ quan điểm rằng, Mỹ cần có một chính sách ngoại giao hoàn toàn mới, nhằm tránh bị kéo vào một chiến dài hạn ở Trung Đông. Trong khi đó, thượng nghị sĩ Ted Cruz khẳng định ông sẽ cho quân đội ném bom khủng bố đến khi chúng bị lãng quên.

Sử dụng quân đội là một chủ đề khó và dễ gây ra nhiều sai lầm. Chính vì vậy, chúng ta cần theo dõi thêm để có cái nhìn chính xác về cách các ứng cử viên Tổng thống Mỹ sẽ làm việc này thế nào.

Can thiệp quân sự vào Trung Đông đã được quyết định qua 2 đời Tổng thống Mỹ gần nhất. Tổng thống George Bush đã dẫn đầu cuộc chiến tại Iraq và hậu quả là hàng nghìn người thiệt mạng, quốc gia loạn lạc, khủng bố trỗi dậy và tiêu tốn hàng trăm tỉ USD. Sự thất bại của Mỹ là không thể bàn cãi khi họ không tìm thấy vũ khí huỷ diệt hàng loạt, không có kế hoạch xây dựng lại đất nước và không thể kiểm soát được quân đội Iraq.

Sau đó, Mỹ can thiệp quân sự vào Libya năm 2011. Một cuộc khủng hoảng nhân đạo xuất hiện. Ban đầu, có vẻ như chính quyền Obama đã rút kinh nghiệm những bài học của cuộc chiến tranh Iraq bằng việc tiến hành thận trọng, kêu gọi hỗ trợ bởi một liên minh đa quốc gia, sử dụng quân đội một cách hạn chế cho những nhiệm vụ rõ ràng và không tìm cách thay đổi chế độ. Tuy nhiên, có vẻ như Mỹ đã quên một bài học quan trọng rằng, họ không nên bắt đầu một cuộc chiến tranh trừ khi có một kế hoạch rõ ràng để giành chiến thắng.

Libya hiện nay thậm chí không phải là một quốc gia khi có đến 2 chính quyền xung đột lẫn nhau, đây vốn là điều kiện thuận lợi  để các nhóm khủng bố phát triển mạnh mẽ.

Chính quyền Obama may mắn hơn trong việc ngoại giao với Iran. Các thỏa thuận hạt nhân với Tehran để đã đóng băng chương trình hạt nhân của nước này và ngăn chặn Iran sở hữu bom hạt nhân mà không mất một viên đạn. Cho đến nay, Tehran đã đáp ứng tất cả các cam kết quan trọng và giới lãnh đạo nước này cũng đã được người dân tín nhiệm trong cuộc bầu cử vào tuần trước.

Hiện nay, chính quyền Obama vẫn đang phải vật lộn với cuộc nội chiến Syria, đất nước có tình hình vô cùng quen thuộc: một lãnh đạo độc tài, đất nước đầy rẫy khủng bố, phiến quân nổi loạn và khủng hoảng người tị nạn. Chiến lược của Mỹ hiện này là chỉ cung cấp vũ khí cho phe đối lập ôn hoà và không kích từ xa.

Với sự phối hợp ngoại giao cùng Nga, các nỗ lực hòa bình ở Syria đang mang lại hệ quả đáng hy vọng. Với việc lệnh ngừng bắn đã đi vào hiệu lực từ ngày 27.2, hoà đàm đang được lên kế hoạch diễn ra vào 10-3 tới.

Trong 4 ví dụ: Iraq, Libya, Syria, Iran, chỉ có tiến trình ngoại giao ở Iran được gọi là một sự thành công. Can thiệp quân sự là sự thất bại hoàn toàn ở Iraq và Libya, trong khi vẫn còn quá sớm để đánh giá tình hình ở Syria. Tuy nhiên, nếu phải đặt cược vào sử dụng vũ lực hoặc ngoại giao, thì câu trả lời đã quá rõ ràng.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem