Công ty cổ phần Bóng đá chuyên nghiệp (VPF) xuất hiện gây ngỡ ngàng cho dư luận. Thực tế, sự ra đời của nó cũng đã được những người tâm huyết tại Liên đoàn Bóng đá VN (VFF) thai nghén từ lâu. Dân Việt đã có cuộc trao đổi với ông Trần Quốc Tuấn - Tổng Thư ký VFF xung quanh sự xuất hiện của công ty này.
Về vai trò của VPF, ông Tuấn khẳng định: VPF là công ty trực thuộc VFF, là cánh tay mới để các hoạt động của VFF diễn ra trôi chảy hơn. Nói đúng ra thì VPF được sinh ra để giúp đỡ, giúp việc cho VFF trong các hoạt động của Giải V.League và Giải hạng Nhất Quốc gia. Trong tình hình như hiện nay, việc ra đời của VPF là chuyện bình thường để bắt kịp xu hướng kinh tế xã hội mới chứ không phải là một việc mang tính “sốc” như dư luận đánh giá.
|
Theo lãnh đạo VFF, việc Công ty VPF ra đời sẽ giúp đảm bảo sự nghiêm minh, sòng phẳng của các trận đấu (ảnh minh họa). |
VPF sinh ra vì để phục vụ cho VFF. Vậy Giải V.League và hạng Nhất sẽ có sự thay đổi tích cực thế nào khi nằm dưới sự điều hành của VPF?
|
Tổng thư ký VFF Trần Quốc Tuấn |
- Chủ tịch VFF Nguyễn Trọng Hỷ đã có câu nói ấn tượng khi nói về VPF, đó là “Để cái “muốn” và cái “được” của bóng đá Việt Nam gần nhau hơn”. Nói đơn giản là tính tự quyết của VPF rất cao, rất độc lập. Các quyết định can thiệp đến giải đấu chỉ cần có tính tích cực là sẽ được phát huy hiệu quả ngay.
Trước đây, nhiều lúc dư luận, báo chí cho rằng VFF chậm chạp trong việc ra các quyết định, hoặc nói VFF quan liêu nhưng thật ra có những việc rất nhỏ nhặt nhưng nhiều lúc chúng tôi cũng phải xin ý kiến và chờ ý kiến trả lời của Bộ VH-TT&DL.
Vậy ai sẽ là người đánh giá tính tích cực hay tiêu cực của một quyết định thay đổi liên quan đến V. League và Giải hạng Nhất?
- Đó là hội nghị cổ đông! Bấy lâu nay, VFF đau đầu vì chuyện đưa ra một quyết định luôn nhận được rất nhiều thái độ trái chiều. Người hưởng lợi thì hỉ hả (tất nhiên), người bị ảnh hưởng quyền lợi lại kêu là bị “VFF ép”. Nay mọi chuyện sẽ khác khi đưa ra hội nghị cổ đông. Phiếu thuận, phiếu chống sẽ rất rõ ràng. Không ai có thể cãi được nữa.
Chính vì sự dân chủ này mà nhiều vấn đề tế nhị, khó nói có thể đem ra mổ xẻ, bàn thảo và… bỏ phiếu. Chuyện một ông chủ sở hữu nhiều CLB, nếu dùng luật doanh nghiệp hoặc các phương pháp lách luật thì VFF bó tay nhưng khi đưa ra bỏ phiếu thì lại khác.
Cũng vẫn chuyện mà báo chí coi là căn bệnh trầm kha của bóng đá Việt Nam, đó là một CLB không có mục tiêu cao sau khi đủ điểm trụ hạng sẽ thi đấu “đủng đỉnh”, vì việc này mà có nhiều người nói nó sẽ nảy sinh tiêu cực, mua – bán điểm.
Trước sự việc ấy, dù VFF có ra quyết định hay phán quyết gì đi nữa thì vẫn bị các CLB phàn nàn “Việc các CLB thi đấu cầm chừng đâu có ảnh hưởng gì đến VFF mà VFF dám mạnh tay”. Nay nếu VPF ra đời thì khác, những người quyết định số phiếu để xử lý những CLB “đủng đỉnh” ấy chính là các ông chủ của những CLB khác bị ảnh hưởng quyền lợi. Vì thế, chả ai dám thi đấu tiêu cực nữa.
Một việc nhiều người quan tâm đó là chuyện bản quyền truyền hình các chương trình bóng đá của V.League. Liệu sẽ có sự thay đổi hay xáo trộn gì trong hợp đồng khai thác 20 năm mà VFF đã ký với Công ty cổ phần Nghe nhìn toàn cầu (AVG)?
- Việc này thì cứ theo quy định có sẵn mà làm thôi. Theo Quy chế BĐCN ban hành theo Quyết định số 29/QĐ-LĐBĐVN ngày 21.1.2010 về việc LĐBĐVN khai thác bản quyền truyền hình theo quy định của pháp luật VN thì “Bản quyền truyền hình các trận đấu tại các giải bóng đá thuộc về LĐBĐVN, chỉ có LĐBĐVN mới có quyền thương thảo và ký kết các hợp đồng hoặc cho phép các đối tác ký kết hợp đồng về bản quyền truyền hình trực tiếp ở tất cả các trận đấu”. Như thế là rõ ràng rồi còn gì.
Khi VPF ra đời, lương trọng tài được cải thiện lên tới 30-50 triệu đồng/tháng là điều hoàn toàn khả thi. Mùa giải diễn ra trong 8 tháng và một trọng tài bắt tốt có thể thu nhập được khoảng 400 triệu đồng/mùa, như thế thì họ phải có ý thức, trách nhiệm với công việc của mình. Trọng tài càng bắt tốt, càng được giao làm nhiệm vụ nhiều hơn, không chỉ khẳng định uy tín của mình trong nghề, mà còn trong xã hội.
Ông Lê Hùng Dũng - Phó Chủ tịch VFFQua tất cả những gì đã trao đổi, có thể khẳng định sự ra đời của VPF sẽ làm sạch và làm mạnh nền bóng đá VN không, thưa ông?
- Nói như thế là quá sớm! Để một nền bóng đá phát triển mạnh đâu chỉ cần đến sự thành lập của một công ty tổ chức giải bóng đá chuyên nghiệp. VFF vẫn đang phải hết mình cho việc xây dựng một nền bóng đá vững và mạnh – có được sự vững mạnh thì phải lưu tâm rất nhiều đến các giải trẻ, thậm chí giải phong trào. Nếu không có phong trào rộng khắp thì lấy đâu ra nhân tài để đào tạo phục vụ cho các sân chơi đỉnh cao.
Hiện tại, những gì nói về sự được - mất khi VPF ra đời là quá sớm, nó mới chỉ hình thành về mặt ý tưởng. Sẽ phải chờ các cơ quan liên quan rà soát lại, kiểm tra và hoàn thiện thì mới có thể cho VPF ra đời được. Và khi VPF ra đời thì mới có cái nhìn đúng đắn về hiệu quả của nó. Tại thời điểm này, tôi chỉ khẳng định: Sự ra đời của VPF là vì sự phát triển của nền bóng đá Việt Nam.
Nam Hải (thực hiện)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.