Tống Vũ Đế Lưu Dụ và vụ "phó thác con côi” thất bại nhất lịch sử Trung Hoa

PV Thứ sáu, ngày 01/03/2024 20:30 PM (GMT+7)
Lưu Dụ phó thác 4 vị đại thần phò tá Lưu Nghĩa Phù, thế nhưng vị hoàng đế non trẻ này lại ham thích rong chơi, đắm chìm hưởng lạc nên 4 vị đại thần đã tước đi ngọc tỉ của Lưu Nghĩa Phù rồi giết ông.
Bình luận 0

Lưu Dụ và vụ "phó thác con côi" thất bại nhất lịch sử Trung Hoa

Tống Vũ Đế (16 tháng 4 năm 363 - 26 tháng 6 năm 422), tên thật là Lưu Dụ (tên tự Đức Dư, Đức Hưng, tiểu tự Ký Nô), quê ở thôn Tuy Dư Lý, huyện Bành Thành, là nhà chính trị và quân sự hoạt động vào cuối thời Đông Tấn và đồng thời cũng là vị hoàng đế khai quốc của nhà Lưu Tống trong lịch sử Trung Quốc. Tuy xuất thân bần hàn, nhưng với tài năng của mình, ông bắt đầu đặt chân vào quân đội trong triều đình Đông Tấn, lần lượt kinh qua các chức vụ quan trọng. Năm 405, Lưu Dụ lãnh binh tiêu diệt quân khởi nghĩa của Sở đế Hoàn Huyền, từ đó ông nắm toàn bộ quyền lực trong triều đình. 

Những năm tiếp theo, Lưu Dụ tiến hành bắc phạt, tiêu diệt các quốc gia của người Hồ ở miền bắc là Nam Yên và Hậu Tần, mở rộng lãnh thổ Đông Tấn. Bên trong, ông tiêu diệt được các thế lực của các tướng lĩnh và quý tộc như Lưu Nghị, Gia Cát Trường Dân, Tư Mã Hưu Chi, củng cố quyền lực lớn mạnh. Năm 416, ông được ban tước vị Tống công và gia phong cửu tích, kiến quốc trên đất 20 quận. Năm 419, ông ép vua Tấn phong cho mình làm Tống vương và sang năm 420 thì đoạt ngôi nhà Tấn, lên ngôi hoàng đế, kiến lập nhà Lưu Tống, triều đại đầu tiên ở phía nam trong thời kì Nam-Bắc triều. 

Tống Vũ Đế Lưu Dụ và vụ "phó thác con côi” thất bại nhất lịch sử Trung Hoa- Ảnh 1.

Chân dung Lưu Tống Vũ đế Lưu Dụ.

Lưu Dụ thường được nhìn nhận là một người hiếu sát và đa nghi. Tính cách này của ông thể hiện rất rõ qua việc giết hại các đại thần và tướng lĩnh như Lưu Nghị, Gia Cát Trường Dân, Tư Mã Hưu Chi... và từng có ý định tàn sát toàn bộ dân chúng trong thành Quảng Cố chỉ vì họ chống cự ngoan cường làm quân mình khó tiến công hay định đem con gái trong thành ban thưởng cho tướng sĩ. Sau khi diệt Nam Yên, ông cho sát hại hơn 3000 quý tộc nước Yên và ra lệnh giết hại tông thất Hậu Tần vào năm 417 mặc dù họ đã đầu hàng. Những hành động này bị nhiều sử gia đời sau chê trách, trong đó có Tư Mã Quang đời Nhà Tống.

Tuy nhiên Lưu Dụ cũng được cho là người biết sống giản dị, tiết dục, nghiêm chỉnh và có pháp độ. Tư trị thông giám dẫn ra một việc làm thể hiện tính cách ấy của ông, đó là câu chuyện vào lúc sau khi ông diệt được Hậu Tần, bắt được một người con gái của Hậu Tần Cao Tổ, ban đầu thì Lưu Dụ rất sủng ái nàng ta, có khi còn cho bàn việc chính sự, nhưng khi Tạ Hối lên tiếng can gián, Lưu Dụ vẫn vui vẻ lắng nghe và đưa mĩ nữ đó ra khỏi phủ. Ông không tham lam tài vật, khi còn làm tướng cũng không giấu giếm của cải. Khi làm hoàng đế, Lưu Dụ vẫn giũ được tính giản dị đó, thậm chí ông còn cấm hoàng tộc theo lối sống xa xỉ.

Thêm vào đó, Lưu Dụ còn là người nghiêm minh. Mỗi khi hành quân, quân đội của ông thường không quấy nhiễu tới dân chúng. Đồng thời ông cũng là một vị tướng tài giỏi. Trong trận chiến với Nam Yên, Lưu Dụ liệu định trước việc quân Yên sẽ không cố thủ lâu ở Đại Hiện Sơn, quả nhiên đúng sự thực. Lúc sai Chu Linh Thạch chinh phạt Tây Thục, Lưu Dụ dặn kế cho Linh Thạch nên tấn công theo tuyến đường dài hơn đến kinh thành Tây Thục là Thành Đô theo Mân giang, và dùng nghi binh theo Phù Giang ở gần nhằm phân tán sự phòng thủ của quân Thục, cuối cùng Linh Thạch dùng kế đó và giành được thắng lợi.

Lưu Dụ thu dùng nhân tài thường chỉ trọng tài năng, không quan tâm đến gia thế. Rất nhiều quan lại nổi tiếng dưới thời Lưu Tống Vũ Đế xuất thân từ hàn môn. Có một lần, lúc Lưu Dụ đã nắm được quyền ở Kiến Khang thì nhận được tin quận Kiến Châu tiến cử lên triều đình một số tú tài và hiếu liêm. Nghi ngờ năng lực thực sự của những người này, Lưu Dụ bèn khảo hạch để kiểm tra tài năng của họ và đích thân trông coi.

Ngoài ra Lưu Dụ cũng chú trọng đến việc chống tham nhũng hối lộ. Năm 415, ông ra lệnh cấm quan lại ở các châu lạm thu tô thuế quá mực đối với người dân và tham nhũng của công.

Một lần khác, Quảng châu tiến cống lên Lưu Dụ một số đồng tế bố. Lưu Dụ thấy những đồng ấy quá tinh xảo, biết được là người dân phải chịu phiền hà và khổ nhọc để làm ra nên không nhận và từ đó cấm sản xuất đồng tế bố nữa. Lại một lần Lưu Dụ bị bệnh nóng, nên được nằm trên giường đá. Tuy nhiên lúc đó ông lại cảm thấy việc làm giường tốn nhiều công sức và nhân lực mà chỉ để phục vụ cho riêng mình, bèn ra lệnh hủy đi.

Ông cũng không tin vào những điều dị đoan. Trong thời gian ở ngôi, Lưu Dụ hạ sinh hủy nhiều đền miếu thần linh, chỉ cho phép thờ những vị hiền nhân hay tướng lĩnh có công. Lúc lâm bệnh sắp mất, ông cũng từ chối việc cầu thần linh để mong khỏi bệnh.

Trước lúc lâm chung, Lưu Dụ đã gọi bốn vị Đại thần tâm phúc đến, giao phó, gửi gắm con trai mình là Lưu Nghĩa Phù không tài cán gì cho bốn người đó. Song ngay năm sau sau khi Lưu Dụ qua đời, bốn vị đại thần đã bí mật âm mưu hại chết tân đế.

Bốn vị đại thần lần lượt là Từ Tiễn Chi, Phó Lượng, Tạ Hối và Đàn Đạo Kế. Nguyên nhân bốn người này bí mật âm mưu sát hại tân đế Lưu Nghĩa Phù không phải là vì Tiên đế Lưu Dụ "phó thác" sai người mà ngược lại, cả bốn người này có thể nói đều là tâm phúc tuyệt đối của Lưu Dụ, là công thần khai quốc.

Bắt đầu từ khi tiên đế Lưu Dụ phó thác chuyện hậu sự, từ trong lời dặn dò của ông, Lưu Nghĩa Phù có thể nói là không tài giỏi gì.

Ngay từ khi Lưu Dụ vẫn còn sống, Lưu Nghĩa Phù đã ham thích rong chơi, đến khi Lưu Dụ qua đời, Lưu Nghĩa Phù cho rằng không ai có thể quản thúc mình nữa, cho nên lại càng thêm không kiêng nể gì, không những không hỏi han chuyện triều chính, thậm chí đến khi Bắc Ngụy xâm lược lãnh thổ, tướng quân thất bại phải tự sát ông cũng không lo lắng, vẫn ngày đêm đắm chìm vào thế giới riêng của bản thân.

Việc này đã khiến bốn vị đại thần được tiên hoàng giao phó không thể chấp nhận được, vì không muốn thiên hạ mắc sai lầm, đã tước đi ngọc tỉ của Lưu Nghĩa Phù rồi giết ông.

Sau đó, cả bốn vị đại thần đưa vị Hoàng tử thứ ba của tiên đế là Lưu Nghĩa Long lên làm Hoàng đế, đây cũng chính là Tống Văn Đế sau này, trong thời gian Tống Văn Đế trị vì được ca tụng là thời kỳ "Nguyên Gia chi trị".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem